Rác thải đại dương: Ngăn chặn từ nguồn xả thải

- Thứ Hai, 19/04/2021, 06:56 - Chia sẻ
Những năm gần đây, Việt Nam đã có những bước đi cụ thể cho vấn đề xử lý rác thải nói chung, rác thải nhựa nói riêng. Nhưng thực tiễn cho thấy rác thải nhựa đại dương vẫn đang là mối đe dọa đến ô nhiễm môi trường, sinh cảnh biển.

Biển đang là bãi rác vô chủ

Tốc đô đô thị hóa, phát triển kinh tế và chuyển đổi mô hình tiêu dùng - sản xuất, lượng bao bì sử dụng một lần tăng lên nhanh chóng trên toàn thế giới. Đối với Việt Nam, với 22,8 tỷ USD/ năm doanh thu từ ngành nhựa vào năm 2020, trong đó xuất khẩu đạt 3,7 tỷ USD, đây là con số ấn tượng cho thấy ngành nhựa đóng góp quan trọng cho phát triển ngành công nghiệp.

Rác thải ra đại dương ngày càng nhiều khiến nhiều sinh vật biển bị mắc kẹt

Tuy vậy, xét đến khía cạnh môi trường, khi hệ thống quản lý rác thải vẫn hoạt động thiếu hiệu quả trong các khâu thu gom, phân loại, tái chế, tái tạo năng lượng và xử lý rác thải bao bì thì xu hướng này của ngành nhựa vô hình trung lại đang góp phần làm tăng đáng kể lượng rác thải biển - mối đe dọa đối với hệ sinh thái biển, ngành thủy sản và du lịch.
Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới thì tổng lượng rác thải hằng năm tại Việt Nam cho thấy, lượng rác thải đã tăng gấp đôi trong vòng 15 năm qua và dự báo tăng từ 27 triệu tấn (năm 2018) lên 54 triệu tấn (năm 2030). Trong đó, nhựa và nilon chiếm 3,4 - 10,6%, giấy và bìa cứng là 3,3 - 6,6%... Đặc biệt, hơn 1 năm qua, do khủng hoảng Covid-19, các biện pháp giãn cách phòng dịch đã được thực hiện đã góp phần làm gia tăng khối lượng chất thải bao bì nhựa sử dụng một lần trở nên phổ biến do người tiêu dùng có xu hướng thông qua mua hàng ở siêu thị, thương mại điện tử, giao đồ ăn tại nhà...

Với tốc độ gia tăng việc sử dụng sản phẩm nhựa, bao bì sử dụng một lần như hiện nay, Việt Nam là một trong 5 quốc gia xả rác hàng đầu ra biển, với tốc độ đẩy rác thải nhựa ra biển khoảng 1,8 triệu tấn/năm. Theo cảnh báo của các chuyên gia về môi trường, nếu không có biện pháp ngăn chặn trên quy mô quốc gia và quốc tế, theo ước tính của Liên Hợp Quốc, đến năm 2050, ngoài biển sẽ nhiều nhựa, sắt, thép và nguyên vật liệu xây dựng hơn cá, “biển dường như đang là bãi rác vô chủ”, tất cả mọi thứ đều đổ dồn ra biển, không ai quản lý.

Dự án Thu gom rác thải biển bằng tàu cá thúc đẩy mô hình thu gom tự nguyện rác thải biển của cộng đồng ngư dân tại tỉnh Phú Yên. Theo đó, Dự án thí điểm hỗ trợ cộng đồng ngư dân địa phương thành lập một đội tình nguyện thu gom rác thải trên biển và đưa chất thải thu gom được trong quá trình đánh bắt về bờ.

Lan tỏa ý thức bảo vệ môi trường biển

Thời gian qua, Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có cam kết chính trị mạnh mẽ, khẳng định luôn quan tâm tìm kiếm các giải pháp cấp bách và trong dài hạn để giảm thiểu ô nhiễm nhựa, thúc đẩy phát triển nền kinh tế tiếp cận kinh tế tuần hoàn. Gần đây nhất, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định số 1746/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030 với mục tiêu "quản lý được rác thải nhựa đại dương từ nguồn thải trên đất liền và nguồn thải ở biển theo cách tiếp cận nền kinh tế tuần hoàn bảo đảm chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển; đưa Việt Nam trở thành quốc gia tiên phong trong khu vực về giảm thiểu rác thải nhựa đại dương; tạo đột phá trong nhận thức, ứng xử và hành vi của toàn cộng đồng trong tiêu dùng sản phẩm nhựa, rác thải nhựa".

Dự án “Suy nghĩ lại về nhựa” do Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam và Cơ quan hợp tác kỹ thuật Pháp thực hiện là một trong nhiều hoạt động trển khai Kế hoạch trên. Theo đó, Dự án tăng cường thu gom, phân loại và tái chế bao bì nhựa tại TP Hồ Chí Minh; Hà Nội; quản lý chất thải từ tàu cá tại các cảng biển Việt Nam; thu gom rác thải biển bằng tàu cá thực hiện tại tỉnh Phú Yên... Vụ trưởng Hợp tác Quốc tế, Bộ Tài nguyên và Môi trường Phạm Phú Bình cho biết, Dự án sẽ góp phần quan trọng hỗ trợ triển khai Kế hoạch hành động quốc gia, giúp Việt Nam đạt mục tiêu đề ra; đồng thời, kinh nghiệm và bài học rút ra từ việc triển khai Dự án và các hoạt động thí điểm sẽ là cơ sở để nhân rộng mô hình và kiến nghị các ý tưởng xây dựng chính sách.

Đại diện Tổng Cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Phương Dung cho rằng: để quản lý rác thải đại dương, chúng ta phải quản lý từ nguồn. Bởi rác thải đại dương đã tồn tại từ nhiều năm rồi, việc lấy lên, hoặc lấy bằng cách nào, đo đếm là câu chuyện không phải đơn giản. Trong khi đó, việc xả thải rác ra đại dương chủ yếu từ nguồn rác thải sinh hoạt nên việc ngăn chặn, hạn chế sử dụng túi nilon từ nguồn, không chỉ là việc cấm sử dụng túi nilon từ các siêu thị, mà việc cấm sử dụng tại các chợ dân sinh là điều cần sớm được thực hiện.

Đại diện Hội Nghề cá Việt Nam chia sẻ thêm thực tế, việc xả rác thải nhựa ra đại dương thông thường do các tàu đánh bắt cá lớn thải ra, còn đối với tàu đánh bắt cá nhỏ, các vật dụng mà các loại tàu cá nhỏ mang đi thường là dùng bằng can, họ mang đi bao nhiêu thì mang về bấy nhiêu. Trong khi đó, hiện nay theo thống kê chúng ta cũng chỉ còn khoảng 96.000 chiếc tàu cá hoạt động thường xuyên, chủ yếu là tàu nhỏ, dài nhất là 30m nên việc việc xả thải rác thải nhựa ra môi trường biển gần như rất ít. Việc xả rác ra đại dương chủ yếu vẫn là nguồn rác thải sinh hoạt từ người dân nên để ngăn chặn nguồn rác này ra đại dương, việc nâng cao ý thức người dân rất quan trọng, đặc biệt là người trẻ. Các bạn trẻ hiểu biết và có điều kiện lan tỏa ý thức bảo vệ môi trường đến gia đình, xã hội. 

Bài và ảnh: Bảo Hân