Rác thải y tế - mối nguy hại cho môi trường

- Thứ Bảy, 23/06/2012, 08:30 - Chia sẻ
Rác thải y tế ngày một tăng trong khi hệ thống xử lý rác thải của các bệnh viện hoặc đã xuống cấp, hoặc công nghệ quá lạc hậu. Nguy cơ gây lây bệnh, ô nhiễm môi trường và sức khỏe cộng đồng sẽ là rất lớn nếu nước thải, chất thải y tế không xử lý cho sạch, vô hại.

Báo cáo của Bộ Y tế tại Hội nghị triển khai Đề án Tổng thể xử lý chất thải y tế giai đoạn 2011 – 2015 và định hướng đến năm 2020, lượng chất thải rắn y tế phát sinh khoảng 140 tấn/ngày, trong đó có 47 tấn là chất thải rắn nguy hại và 125.000m3 nước thải. Dự báo đến năm 2015 lượng chất thải rắn nguy hại sẽ là 60 tấn mỗi ngày.

Thế nhưng, chỉ 53,4% trong số gần 1.200 bệnh viện có công trình xử lý nước thải, số còn lại hầu như không có. Đối với chất thải rắn, mặc dù 73,3% bệnh viện xử lý bằng các lò đốt, nhưng công nghệ đốt hiện đại mới chỉ được áp dụng tại một số bệnh viện lớn; 26,7% bệnh viện thiêu đốt chất thải rắn nguy hại ngoài trời hoặc chôn lấp trong khuôn viên bệnh viện, hoặc bãi chôn lấp chung của địa phương. Các trạm y tế xã hầu như chưa có hệ thống xử lý rác thải. Theo Cục trưởng Cục Quản lý Môi trường y tế, Bộ Y tế GS.TS Nguyễn Huy Nga, Việt Nam hiện nay hầu hết chưa có hệ thống xử lý nước thải, chủ yếu xử lý sơ bộ bằng hóa chất, bể phốt, bể tự hoại... còn xử lý chất thải rắn y tế chủ yếu sử dụng bằng lò đốt thủ công, hoặc thuê xử lý và tự chôn lấp. Việc sử dụng lò đốt thủ công để xử lý chất thải “nhả khói”, gây ô nhiễm môi trường.

Lãnh đạo Bộ Y tế cho biết, việc xử lý chất thải y tế đang gặp rất nhiều khó khăn đặc biệt là công nghệ xử lý rác thải, hơn nữa hệ thống xử lý chất thải y tế ở các bệnh viện đã xuống cấp hoặc quá tải cần được cải tạo và nâng cấp... Nhưng kinh phí đầu tư để xây dựng hệ thống rác thải chưa được quan tâm đúng mức. Đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ cho rằng, việc xử lý chất thải chưa đạt yêu cầu là do đầu tư cho xử lý ô nhiễm môi trường y tế có hạn.

Để đảm bảo xử lý toàn bộ lượng chất thải y tế nguy hại phát sinh, đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường cần có một Quy hoạch tổng thể hệ thống xử lý chất thải y tế nguy hại. Quy hoạch là cơ sở cho Bộ Y tế và các địa phương triển khai đầu tư đồng bộ hệ thống xử lý theo một lộ trình phù hợp, vừa đảm bảo tiết kiệm nguồn vốn, vừa đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường. Đề án Tổng thể xử lý chất thải y tế giai đoạn 2011- 2015 và định hướng đến năm 2020 Chính phủ phê duyệt cuối năm 2011 được đánh giá là đã đưa ra những mục tiêu rõ ràng về việc quản lý cũng như xử lý các chất thải đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường. “Đề án đã thể hiện rõ ràng cam kết của Chính phủ trong việc quản lý chất thải y tế, đồng thời hỗ trợ trực tiếp cho các y, bác sỹ, bệnh nhân và cộng đồng cư dân địa phương”, Trưởng nhóm Y tế Ngân hàng Thế giới (WB) Kari Hurt nhận xét. Tuy vậy, khi đưa ra những chỉ tiêu giải pháp cụ thể, việc triển khai thành công Đề án trên sẽ là thách thức không nhỏ đối với ngành y tế Việt Nam. Tuy nhiên, Đề án sẽ có nhiều thuận lợi hơn nếu khai thác, ứng dụng được những công nghệ xử lý chất thải y tế phù hợp với điều kiện Việt Nam, Trưởng nhóm Y tế WB khuyến nghị.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Liêm cho biết, mục tiêu chung của Đề án là xử lý các yếu tố nguy hại đến sức khỏe con người và môi trường của chất thải phát sinh từ các cơ sở y tế. Trong thời gian tới, việc xử lý chất thải rắn y tế nguy hại sẽ ưu tiên lựa chọn công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường, không gây ô nhiễm môi trường thứ phát, phù hợp với điều kiện kinh phí, khả năng vận hành… Các chất thải rắn y tế nguy hại được xử lý tập trung tại cơ sở xử lý chất thải y tế nguy hại được xây dựng trong các khu xử lý chất thải rắn vùng liên tỉnh hoặc vùng tỉnh. Mô hình này được cân nhắc áp dụng tại các thành phố, khu đô thị lớn.

Bộ Khoa học và Công nghệ đang nghiên cứu hoàn thiện và tới đây sẽ trình Đề án Nghiên cứu khoa học nhằm tăng cường ứng dụng và chuyển giao công nghệ xử lý chất thải tiên tiến, thân thiện với môi trường và phù hợp với điều kiện phát triển KT – XH. Cùng với nỗ lực của ngành y tế, sự phối hợp chủ động, trách nhiệm từ các bộ, ngành liên quan là rất cần thiết và quan trọng để triển khai hiệu quả Đề án Tổng thể xử lý chất thải y tế giai đoạn 2011- 2015 và định hướng đến năm 2020.

 Đề án Tổng thể xử lý chất thải y tế giai đoạn 2011 - 2015 và định hướng đến năm 2020 đặt mục tiêu: đến năm 2015 sẽ có 100% các cơ sở y tế tuyến Trung ương, 70% cơ sở y tế tuyến tỉnh, 50% cơ sở y tế tuyến huyện và 100% cơ sở y tế tư nhân thực hiện xử lý nước thải; 100% cơ sở y tế Trung ương và tỉnh, 70% cơ sở y tế tuyến huyện và 100% cơ sở y tế tư nhân thực hiện xử lý chất thải rắn bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường...

Chí Tuấn