Ràng buộc và giám sát quyền lực

- Thứ Sáu, 11/06/2021, 06:22 - Chia sẻ
Mới đây, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản số 3676/VPCP-NN truyền đạt ý kiến Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố chủ động nâng cao hơn nữa trách nhiệm người đứng đầu trong việc thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về đất đai.

Thực tế, thời gian qua, hàng loạt vụ sai phạm, tham nhũng của các quan chức từ Trung ương đến địa phương được phanh phui, xử lý. Điều đặc biệt là nhiều quan chức bị kỷ luật, thậm chí bắt giam đều liên quan đến sai phạm trong quản lý, sử dụng đất. Nhiều chủ trương đúng bị lợi dụng như sắp xếp lại nhà đất công, đổi đất lấy cơ sở hạ tầng, đền bù, giải tỏa, tạo quỹ đất sạch để thu hút đầu tư, cấp phát, sử dụng vốn đầu tư công, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, góp vốn liên doanh… đã trở thành miếng mồi ngon cho tham nhũng.

Mới đây, tại Khánh Hòa, trước hàng loạt sai phạm liên quan đến đất đai, 2 nguyên Chủ tịch UBND, 1 nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh này đã bị khởi tố, bắt tạm giam để điều tra. Vụ án này đã nối dài thêm danh sách các cán bộ, lãnh đạo địa phương vướng vòng lao lý tương tự như TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Bình Thuận, Đồng Nai, Lâm Đồng, Phú Yên... Hậu quả nặng nề không chỉ dừng ở việc mất hàng loạt cán bộ chủ chốt, thất thoát hàng loạt diện tích đất vàng, hàng chục công sở mà lớn hơn rất nhiều là niềm tin của người dân bị tổn thương, uy tín bộ máy bị ảnh hưởng.

Nguyên Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân từng chỉ ra 6 “công thức” sai phạm liên quan đất đai mà ông đúc kết từ những sai phạm phát hiện tại TP. Hồ Chí Minh đó là: Giao đất cho dự án triển khai mà không đấu thầu; Chỉ định giao đất nhưng lại giao với giá rất rẻ; Khi giao doanh nghiệp có trường hợp xác định tổng mức đầu tư không chính xác; Cổ phần hóa xác định giá bán không phù hợp; Dự án được phê duyệt rồi nhưng vật tư sử dụng không đúng chuẩn, máy móc không hiện đại như đăng ký ban đầu dẫn đến giảm chi phí lẫn chất lượng; Quy trình triển khai dự án không đúng như quy định, đề án chưa được duyệt mà đất đã giao.

Cả 6 loại sai phạm này đều chỉ làm lợi cho một vài cá nhân nhưng gây ra thiệt hại lớn về vật chất cho Nhà nước. Cả 6 loại sai phạm này cũng bộc lộ những yếu tố trọng tâm của quản trị tốt về đất đai bao gồm công khai - minh bạch thông tin quản lý, có sự tham gia quản lý và giám sát của dân và trách nhiệm giải trình của cán bộ đều chưa được thực thi cụ thể, nghiêm túc. Về quy định chúng ta không thiếu, nhưng thực tế, chúng ta chưa có được hệ thống dữ liệu đầy đủ về đất đai trong cả nước, người dân cũng không được thông tin về quá trình quản lý, sử dụng đất, quy hoạch - kế hoạch của cơ quan nhà nước. Chính điều này lại vô tình mở ra cơ hội để cám dỗ cho những cá nhân được tập trung quyền lực.

Từ các vụ án điểm về đất đai thời gian qua cũng cho thấy, việc kiểm soát quyền lực cần được siết chặt hơn nữa; nhất là cơ chế kiểm tra, ràng buộc và giám sát phải được thực hiện đầy đủ đối với các cơ quan nhà nước được trao thẩm quyền ban hành quyết định. Các chế tài này phải đủ mạnh và nghiêm khắc để từng cán bộ, công chức ý thức sâu sắc bổn phận, trách nhiệm, quyền hạn của mình và hậu quả pháp lý kèm theo để không dám và không muốn lạm quyền, sai phạm, tham nhũng hoặc tiếp tay cho sai phạm, tham nhũng. Xử lý cán bộ tham nhũng không có ngoại lệ, không có vùng cấm là cần thiết, song quan trọng hơn, chính là sửa đổi, thắt chặt từ cơ chế, chính sách, nhằm ngăn chặn tham nhũng xảy ra ngay từ đầu.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh sửa đổi Luật Đất đai là một nhiệm vụ trọng điểm và rất khó trong nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV. Tuy nhiên, không thể không triển khai sớm. Nếu không tìm cách bịt kín những lỗ hổng pháp lý, thì những sai phạm, tham nhũng về đất đai sẽ rất khó để xử lý dứt điểm, việc khắc phục cũng sẽ rất khó khăn. Đà Nẵng là minh chứng rõ ràng nhất cho điều đó, một thành phố đáng sống, năng động, phát triển từng ngày, có giai đoạn đã thay bằng sự trầm lắng, mắc kẹt bởi phải chạy theo để giải quyết những sai phạm của nhiệm kỳ trước. Những đợt thanh tra, kiểm tra, điều tra, thi hành án kéo dài khiến hàng loạt dự án lớn đình trệ, nguồn lực về đất đai bị ách tắc, các nhà đầu tư e ngại vì các vướng mắc chưa được tháo gỡ.

Để tránh được điều đó, phải hoàn thiện chính sách, pháp luật, gia cố thật chắc chắn, “nhốt quyền lực vào lồng cơ chế” để ngăn ngừa những vụ việc sai phạm, tham nhũng trong lĩnh vực đất đai có thể xảy ra.

Chi An