Thực hiện chính sách, pháp luật về khoa học và công nghệ phục vụ phát triển KT - XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2011 - 2020

Rất cần đi tắt, đón đầu

- Chủ Nhật, 16/08/2020, 05:13 - Chia sẻ
Tại cuộc làm việc giữa Đoàn giám sát của Hội đồng Dân tộc với Bộ Khoa học và Công nghệ, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Giàng A Chu đặt vấn đề, khoa học và công nghệ phải thực sự đi tắt, đón đầu, để tạo động lực cho phát triển KT - XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Muốn vậy, cần thu hút sự tham gia của doanh nghiệp trong nghiên cứu, phát triển và ứng dụng khoa học và công nghệ tại địa bàn này.

Quan tâm hơn về tính ứng dụng

Báo cáo với Đoàn giám sát của Hội đồng Dân tộc, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Công Tạc nêu rõ, giai đoạn 2011 - 2020 có 6 chương trình về khoa học công nghệ liên quan trực tiếp đến vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Trong đó, có Chương trình khoa học công nghệ cấp quốc gia giai đoạn 2016 - 2020 "Những vấn đề cơ bản và cấp bách về dân tộc thiểu số và chính sách dân tộc ở Việt Nam đến năm 2030" (mã số CTDT/16-20) dành 100% nhiệm vụ nghiên cứu các vấn đề có liên quan trực tiếp đến vùng dân tộc thiểu số và miền núi. 5 Chương trình cấp quốc gia còn lại (nông thôn miền núi, nông thôn mới, Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ) đã quan tâm bố trí, ưu tiên thực hiện nhiều nhiệm vụ nghiên cứu về khoa học xã hội, khoa học và công nghệ phục vụ phát triển KT - XH vùng dân tộc thiểu số và miền núi. 6 chương trình nêu trên đã có 1.115 đề tài, dự án khoa học công và công nghệ có liên quan đến dân tộc thiểu số, vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến phát biểu tại cuộc làm việc
Ảnh: Hoàng Ngọc

Ngoài ra, Thứ trưởng Phạm Công Tạc cho biết, Bộ Khoa học và Công nghệ đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu đề xuất và đưa vào thực hiện 1.483 nhiệm vụ khoa học và công nghệ thuộc hệ thống các chương trình trọng điểm quốc gia, các nhiệm vụ độc lập quốc gia trực tiếp giải quyết các vấn đề khoa học và công nghệ phục vụ phát triển KT - XH vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Nhiều nhiệm vụ khoa học và công nghệ ở cấp bộ, cấp tỉnh và cấp cơ sở cũng có đối tượng nghiên cứu là dân tộc thiểu số và vùng dân tộc thiểu số và miền núi…

Nhấn mạnh, các chương trình, đề tài khoa học và công nghệ mà phù hợp với điều kiện thực tế sẽ góp phần xóa đói, giảm nghèo, thay đổi bộ mặt vùng dân tộc thiểu số và miền núi, các thành viên Đoàn giám sát ghi nhận điểm sáng của Bộ Khoa học và Công nghệ trong áp dụng, mở rộng chuyển giao khoa học công nghệ kỹ thuật ở ba vùng Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ.

Đơn cử, tại Tây Bắc, các đề tài đã được ký kết, thỏa thuận hợp tác với các đơn vị, doanh nghiệp và địa phương để đưa kết quả nghiên cứu vào ứng dụng trong thực tiễn. Ở Tây Nguyên, các kết quả nghiên cứu phát triển chăn nuôi heo rừng, bò sữa, bò thịt đã giúp hoàn thiện quy trình tuyển chọn, nhân giống, xây dựng mô hình chuyển giao công nghệ và thương mại hóa sản phẩm. Hay ở Tây Nam Bộ, các kết quả nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao công nghệ vào một số lĩnh vực chủ yếu như nông - lâm - ngư nghiệp - y dược, công nghệ chế biến, xử lý và bảo vệ môi trường… Tuy nhiên, Đoàn giám sát lưu ý, vẫn còn một số chương trình, đề tài, dự án khoa học, công nghệ ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi đang thiếu và yếu về tính ứng dụng.

Phù hợp với khó khăn, đặc thù của từng địa bàn

Là cơ quan cùng phối hợp thực hiện chính sách pháp luật về khoa học và công nghệ phục vụ phát triển KT - XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hoàng Thị Hạnh nêu thực tế, chúng ta đã đặt ra vấn đề ứng dụng công nghệ 4.0 vào việc học cho các em dân tộc thiểu số và miền núi. Ở giai đoạn 1, đưa radio về vùng đồng bào để các em tiếp cận thông tin. Tuy nhiên, radio lại không bắt được sóng, khiến dự án cấp radio cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi không hoàn thành, không đáp ứng được yêu cầu đề ra.

Hay như Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Giàng A Chu chỉ ra, chúng ta triển khai rất nhiều chương trình, đề tài, dự án khoa học và công nghệ nhưng chưa gắn kết với thị trường. Do vậy, rất mong muốn Bộ làm rõ thêm về sự tác động của khoa học và công nghệ với môi trường rừng. Trong nông nghiệp, khoa học và công nghệ tác động như thế nào đến chăn nuôi, cây lương thực. Tương tự với triển khai nước sinh hoạt, chúng ta cứ lo khoan, dẫn nước, nhưng vấn đề là làm sao để bảo đảm nước sạch cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Phải chăng cần nghiên cứu máy lọc nước cho từng hộ gia đình. Đối với lưới điện, cũng cần những giải pháp về điện không dây khi kéo lưới điện về vùng dân tộc thiểu số và miền núi còn khó khăn.

Đặt ra những vấn đề nêu trên, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Giàng A Chu mong muốn, khoa học và công nghệ phục vụ phát triển KT - XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi phải thực sự đi tắt, đón đầu, tạo động lực cho phát triển. Muốn vậy phải thu hút được sự tham gia của doanh nghiệp trong nghiên cứu, phát triển và ứng dụng khoa học và công nghệ ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Cùng quan điểm, nguyên Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hoàng Xuân Lương bổ sung, cần có thêm nhiều chương trình, đề tài khoa học nghiên cứu về môi trường, địa chất vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Qua đó sẽ dự báo được khi xảy ra biến đổi khí hậu, thiên tai thì xã, bản nào sẽ chịu tác động nặng nề nhất, đồng thời nêu ra giải pháp phòng, chống.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến nhấn mạnh, Bộ nên tập trung vào những chương trình, đề tài, dự án khoa học công nghệ thực sự phục vụ vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Trong đó, chú ý tính hiệu quả, kết nối và tính phù hợp của các chương trình, đề tài, dự án khoa học và công nghệ với đặc thù của từng địa bàn.

Anh Thảo