NÔNG SẢN THỰC PHẨM CHẤT LƯỢNG AN TOÀN:

Rau hữu cơ Thanh Xuân

- Thứ Hai, 26/10/2020, 11:22 - Chia sẻ
Xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn vốn được coi là vựa rau xanh hữu cơ nổi tiếng của thành phố Hà Nội. Bởi, từ khâu trồng rau đến khâu thu hoạch đều tuân thủ nghiêm ngặt nguyên tắc “năm không” tạo ra những luống rau an toàn, bảo đảm chất lượng, cung cấp cho thị trường trên 400 tấn/năm, đem lại giá trị thu nhập hàng tỷ đồng.

Thu nhập 150 - 200 triệu đồng/năm

Đến xã Thanh Xuân đúng thời điểm những luống rau xanh mướt đang độ trưởng thành, chúng tôi càng vui hơn khi được tiếp xúc trực tiếp với những người nông dân đang cần mẫn trồng rau và chăm sóc rau mỗi ngày. Anh Hoàng Văn Hưng (thôn Bái Thượng là hộ tham gia sản xuất rau hữu cơ ngay từ những ngày đầu cho biết: “Từ khi tham gia nhóm sản xuất rau hữu cơ, anh được Chi cục quản lý chất lượng nông lâm thủy sản tiến hành lấy mẫu đất, nước để xét nghiệm, bảo đảm đạt tiêu chuẩn cho phép trước khi tiến hành sản xuất. Trong quá trình sản xuất, các sản phẩm rau của anh cũng thường xuyên được đơn vị kiểm tra, kiểm định về các chỉ số an toàn trước khi đưa ra thị trường tiêu thụ. Nhờ đó, sản phẩm rau sạch luôn bán cao hơn các loại rau thông thường gấp 2-3 lần. Với diện tích hơn 3.000m2, mô hình rau sạch, chất lượng, an toàn của anh Hưng đang cho thu nhập 150 - 200 triệu đồng/năm. "Việc kiểm tra, đánh giá xếp hạng các cơ sở sản xuất, kinh doanh không những giúp nông dân nâng cao ý thức trong sản xuất mà còn mang lại những sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng. Đây cũng là nền tảng để xây dựng nền nông nghiệp sạch, giúp bà con làm giàu bền vững", anh Hưng nói.

Giống như anh Hưng, hộ gia đình chị Nguyễn Thị Thu, thôn Bái Thượng nhờ tham gia vào nhóm sản xuất rau hữu cơ, kinh tế gia đình chị đã được cải thiện, thoát nghèo, thu nhập ổn định 70 triệu/năm. Thực tế, giá rau hữu cơ ở Thanh Xuân luôn ổn định, dao động từ 20 - 25 nghìn đồng/kg, gấp khoảng 2 - 2,5 lần so với các loại rau khác và luôn được người tiêu dùng đón nhận. Thậm chí, có những thời điểm, rau Thanh Xuân rơi vào tình trạng “cung không đủ cầu”. Đến nay, nhiều đơn vị đã ký hợp đồng thu mua rau hữu cơ Thanh Xuân, như: Công ty Cổ phần Đầu tư Tâm Đạt, công ty TNHH Vinagap (Bác Tôm), công ty Cổ phần Obis - Nông sản ngon. Sản phẩm rau hữu cơ đã có mặt trên hệ thống các siêu thị lớn tại Hà Nội. Trưởng phòng kinh tế huyện Sóc Sơn Hoàng Chí Dũng chia sẻ: Nhờ canh tác theo quy trình sạch nên sản phẩm rau hữu cơ đã được các công ty, siêu thị ký kết thu mua với giá cao hơn từ 20 - 30% giá thị trường, đem lại giá trị thu nhập hàng tỷ đồng. “Để thúc đẩy mở rộng sản xuất, phát triển thương hiệu “Rau hữu cơ Thanh Xuân” trong thời gian tới, huyện Sóc Sơn sẽ đẩy mạnh xây dựng các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, ứng dụng công nghệ thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Đồng thời hỗ trợ hạ tầng, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, nhằm nâng cao năng suất rau, mở rộng diện tích sản xuất rau hữu cơ trong toàn huyện ”, ông Dũng cho biết thêm.

Tuân thủ nguyên tắc “năm không”

Theo Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Bái Thượng Hoàng Văn Hưng, để tham gia vào mô hình sản xuất rau hữu cơ, nông dân phải tham gia một khóa tập huấn kéo dài 18 tuần tại xã do các chuyên gia nông nghiệp trực tiếp giảng dạy (chứng chỉ đủ tiêu chuẩn sản xuất – PV). Hiện trên địa bàn xã có hơn 20 nhóm sản xuất theo hộ gia đình, mỗi nhóm khi tham gia mô hình không được trồng các giống cây song song, nghĩa là không được gieo trồng các giống rau ở bên ngoài giống với các giống rau trong mô hình để tránh trà trộn rau. Dù trong điều kiện nào, người trồng rau cũng phải tuân thủ nghiêm ngặt nguyên tắc vàng “năm không” đó là: Không sử dụng phân bón hóa học; không dùng chất biến đổi gene; không dùng chất kích thích sinh trưởng; không dùng các loại thuốc diệt cỏ, thuốc trừ sâu.

Chủ tịch UBND xã Thanh Xuân Ngô Xuân Trường khẳng định, các liên nhóm sản xuất đã thành lập Ban thanh tra (mỗi nhóm sẽ có 3 thanh tra viên đã được tập huấn các kỹ năng và nghiệp vụ), thường xuyên tăng cường kiểm tra chéo để kịp thời xử lý vướng mắc, kiểm tra quy trình của từng nhóm. Tùy từng mức độ vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm minh (bị treo chứng chỉ, phạt 2 tháng không được cân rau, hoặc phạt tiền nhóm tùy theo cấp độ vi phạm). Thậm chí, có những trường hợp vi phạm nặng sẽ bị cấm tham gia sản xuất.

Nhờ sản xuất đúng quy trình, tuân thủ nghiêm ngặt các quy định trong sản xuất, “Rau hữu cơ Sóc Sơn” đã được Cục sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể và Hiệp hội hữu cơ Việt Nam cấp giấy chứng nhận sản xuất sản phẩm tuân theo đúng quy trình, quy định về sản xuất hữu cơ (tiêu chuẩn PGS).

_______

Chuyên mục có sự phối hợp của Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản.

Trần Tâm