Rau quả rộng đường vào châu Âu

- Thứ Tư, 27/10/2021, 06:02 - Chia sẻ
EU là thị trường nhập khẩu rau quả có quy mô lớn nhất thế giới, trị giá 35 tỷ EUR mỗi năm. Rau quả nước ta đang có nhiều lợi thế để đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường này.

Tận dụng lợi thế từ FTA

Tại tọa đàm về xuất khẩu rau quả sang EU chiều 26.10, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ cho biết, EU là thị trường nhập khẩu rau quả có quy mô lớn nhất thế giới, trị giá 35 tỷ EUR mỗi năm, chiếm 45% giá trị thương mại hàng rau quả toàn cầu. Xuất khẩu nông sản nói chung và rau quả nói riêng sang thị trường EU còn rất nhiều dư địa để phát triển. Việt Nam là nước đang phát triển duy nhất tại châu Á - Thái Bình Dương có Hiệp định Thương mại tự do (FTA) với EU. Sau khi EVFTA có hiệu lực, thuế suất nhiều loại hàng hóa của Việt Nam được giảm về 0%, nhất là mặt hàng rau quả. 

Tham tán Nông nghiệp Việt Nam tại EU Trần Văn Công cho biết, 8 tháng năm 2021, kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang thị trường EU đạt 88,5 triệu EUR, trong đó sản phẩm tươi tăng 7,7% so với cùng kỳ năm 2020. Các loại trái cây Việt Nam xuất khẩu chủ yếu là thanh long, chanh leo, dừa, sầu riêng, nhãn, vải, măng cụt, rau củ theo mùa… Ông Công cho biết, xuất khẩu rau quả sang EU đang có rất nhiều thuận lợi. Trước hết, quy định thủ tục với sản phẩm thực vật của EU theo hướng hậu kiểm, khác với một số nước như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc. Bên cạnh đó là lợi thế từ EVFTA, cụ thể, 94% số dòng thuế rau quả và sản phẩm chế biến được cắt giảm, 85,6% số dòng thuế rau quả được xóa bỏ ngay trong khi trước đây chịu mức thuế 10 - 20%. Nhờ đó, Việt Nam có khả năng cạnh tranh cao hơn so với các nước chưa có FTA với EU như Thái Lan, Trung Quốc, một số nước châu Mỹ Latin. Tiềm năng thị trường, nhu cầu tiêu dùng rau quả nhiệt đới, mới lạ tại EU tăng cao. Vì vậy, danh mục các loại trái cây Việt Nam được xuất khẩu vào EU ngày càng mở rộng. Năm 2021 là năm đầu tiên vải, nhãn, sầu riêng, ổi, xoài, măng cụt, mít được xuất khẩu trực tiếp sang các nước Tây, Bắc Âu. Chất lượng rau quả của Việt Nam cũng ngày càng cải thiện. Các doanh nghiệp nhập khẩu của cộng đồng người gốc Việt tại EU phát triển, liên kết lại với nhau để nhập khẩu với số lượng lớn và nâng thị phần, vị thế của hàng rau quả Việt Nam tại EU. 

Cần chiến lược dài hạn

Tuy nhiên, xuất khẩu rau quả sang EU còn không ít khó khăn. Theo ông Trần Văn Công, chất lượng rau quả của Việt Nam chưa đáp ứng được yêu cầu. Diện tích vùng nguyên liệu sản xuất đạt chứng nhận hữu cơ còn ít trong khi EU rất khuyến khích và đẩy mạnh nhập khẩu các sản phẩm hữu cơ. Quá trình bảo quản, chế biến sau thu hoạch rau quả tươi chưa đáp ứng yêu cầu xuất khẩu, tỷ lệ hàng kiểm tra không đạt chuẩn về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật còn cao. Thiết kế bao bì, đóng gói chưa phù hợp thị hiếu của người tiêu dùng tại EU.

Một trở ngại lớn nữa là dịch vụ hậu cần, các phương thức vận chuyển bị phụ thuộc và chi phí rất cao nên giá bán rau quả Việt Nam tại EU quá cao so với trái cây ôn đới. Hệ thống phân phối của các doanh nghiệp cả xuất khẩu và nhập khẩu chưa đáp ứng được yêu cầu, thiếu các chương trình xúc tiến thương mại tầm quốc gia đối với rau quả tại thị trường EU.

Đại sứ Việt Nam tại Hà Lan Phạm Việt Anh cho biết, rau quả Việt Nam tại châu Âu chủ yếu có mặt trong các siêu thị châu Á nhưng số lượng vẫn khiêm tốn. Sản phẩm chủ yếu dưới dạng đông, cấp đông, chủng loại hàng hẹp. Theo ông, để có nguồn hàng bền vững phải tăng diện tích vùng nguyên liệu đáp ứng tiêu chuẩn EU, ứng dụng khoa học công nghệ nhiều hơn. Bên cạnh tiêu chuẩn kỹ thuật cần đáp ứng tiêu chuẩn xã hội như bảo vệ môi trường, bảo đảm an sinh xã hội của người dân. Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương cần khuyến khích đầu tư ứng dụng công nghệ, đặc biệt trong bảo quản, giảm tổn thất sau thu hoạch nhằm ổn định nguồn cung. Đồng thời tạo dựng một cơ chế đặc thù với dịch vụ hậu cần, khuyến khích doanh nghiệp liên kết vận chuyển đường hàng không như một số nước áp dụng để hạ giá cước vận tải. 

Đồng tình với ý kiến trên, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Vương quốc Bỉ Nguyễn Văn Thảo cho rằng, phải có một chiến lược dài hạn để từ đó xây dựng kế hoạch tổng thể từ quy hoạch vùng trồng, thu hoạch, công nghệ bảo quản, tiếp thị, phòng ngừa rủi ro.

Tham dự tọa đàm, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan cho biết, thế giới đang hướng tới nông nghiệp xanh, đây là điều các doanh nghiệp Việt còn thiếu khi quảng bá sản phẩm đến các thị trường quốc tế. Muốn tiến vào thị trường châu Âu, sản phẩm rau quả không chỉ cần bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường mà còn phải gắn với trách nhiệm xã hội để xây dựng thương hiệu nông sản Việt Nam là kết tinh của một nền nông nghiệp minh bạch, trách nhiệm, bền vững.

Minh Trang