Dự thảo Nghị quyết hướng dẫn hoạt động giám sát của Hội đồng Nhân dân

Rõ chế tài để kiến nghị giám sát được thực thi

- Thứ Bảy, 20/11/2021, 05:57 - Chia sẻ
Dự thảo Nghị quyết hướng dẫn hoạt động giám sát của HĐND, Thường trực, các Ban, Tổ đại biểu và đại biểu HĐND cần lượng hóa quy định “trường hợp cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát không thực hiện hoặc thực hiện không đúng yêu cầu trong nghị quyết, kết luận, kiến nghị giám sát thì xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý” tại Điều 89, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND năm 2015 để dễ vận dụng trong thực tiễn. Có như thế, vấn đề cốt lõi nhất là chế tài hay cơ chế góp phần cho kiến nghị giám sát được thực thi mới được tháo gỡ.
Liên hệ chặt chẽ với cử tri góp phần quan trọng nâng cao chất lượng hoạt động giám sát chuyên đề của HĐND thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh
Ảnh: Bình Nguyên

Tác động đến phát triển kinh tế - xã hội chưa nhiều

Nhìn chung, chất lượng giám sát của HĐND, Thường trực, các Ban HĐND cấp tỉnh, huyện thời gian qua được đánh giá cao, có nhiều đổi mới trong cách thức tổ chức, nhất là nhiều địa phương đã vận dụng TXCT trong hoạt động giám sát, thực hiện giải trình, đối chất trong quá trình làm rõ các nội dung giám sát trước khi kết luận. Qua báo cáo thống kê, cấp tỉnh số lượng tỷ lệ kiến nghị được giải quyết trung bình trên 80%, cấp huyện trên 70%; cấp xã mặc dù chưa có con số đánh giá cụ thể, tuy nhiên có thể khẳng định tỷ lệ này ở mức trung bình khá.

Tuy nhiên, do thiếu hướng dẫn thống nhất nên mỗi địa phương áp dụng một phương pháp riêng để thực thi chức năng giám sát theo luật định. Hiệu quả của các kiến nghị sau giám sát ở một số địa phương cho thấy, tác động đối với sự phát triển kinh tế - xã hội chưa nhiều, phần lớn các kiến nghị được quan tâm giải quyết nghiêng về các vấn đề nhỏ, tuyên truyền. Những kiến nghị mang tính dài hơi, về kinh tế, có tác động lớn đến tình hình kinh tế - xã hội mặc dù có chỉ ra nhưng việc giải quyết còn chậm, như vấn đề ô nhiễm môi trường, xử lý rác thải rắn, đầu tư công...

Hoạt động giám sát chuyên đề chủ yếu đang do Thường trực, các Ban HĐND thực hiện; giám sát chuyên đề do HĐND tiến hành ở cấp huyện, xã gần như chưa thực hiện được. Kéo theo đó, thật ít địa phương, HĐND cấp huyện, xã ban hành được nghị quyết về chuyên đề được giám sát. Một số chuyên đề nhạy cảm mặc dù đã được cử tri, đại biểu đề xuất nhưng HĐND chưa đưa vào chương trình giám sát hàng năm, như: về đầu tư công, khâu tuyển dụng, bổ nhiệm, đề bạt, luân chuyển cán bộ; một số chuyên đề đã đưa vào giám sát nhưng chưa kết luận được, còn mang tính hình thức.

Để các kiến nghị được thực thi

Trong quy định về bảo đảm hoạt động giám sát của HĐND, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND chỉ ra rằng: Thường trực, các Ban, Tổ đại biểu và đại biểu có trách nhiệm thường xuyên theo dõi, đôn đốc việc thực hiện nghị quyết, kết luận, kiến nghị giám sát; trường hợp cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát không thực hiện, hoặc thực hiện không đúng yêu cầu trong nghị quyết, kết luận, kiến nghị giám sát thì xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý.

Bàn về xử lý theo thẩm quyền, HĐND chỉ có thẩm quyền kiến nghị, đôn đốc, giám sát, ngoài ra có thêm thẩm quyền kiểm tra; còn việc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý thì Luật không quy định, hay có hướng dẫn rõ ràng là cơ quan có thẩm quyền là cơ quan nào, bởi hầu hết đối tượng được giám sát của HĐND, Thường trực, các Ban HĐND lại là những cơ quan có thẩm quyền xử lý. Điều này gây khó khăn, làm giảm chất lượng giám sát của HĐND. Từ đó, đặt ra trong dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần quy định rõ hơn về những vướng mắc đó. Có như thế, vấn đề cốt lõi nhất là chế tài hay cơ chế góp phần cho kiến nghị giám sát được thực thi mới được tháo gỡ.

Cụ thể: cần quy định rõ nếu những cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu giám sát không báo cáo bằng văn bản, không cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung giám sát thì hình thức xử lý như thế nào. Trường hợp các đối tượng chịu sự giám sát bất hợp tác (không báo cáo, không cung cấp hồ sơ và cũng không phối hợp tạo điều kiện cho đoàn làm việc), đoàn giám sát của HĐND có thẩm quyền gì để xử lý? Với các đơn vị không chấp hành kiến nghị giám sát của đoàn mà không có lý do chính đáng, hoặc bằng chứng chứng minh khả năng thực thi thì cũng cần đưa vào quy định hình thức xử lý.

Đặc biệt, cần lượng hóa quy định “trường hợp cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát không thực hiện hoặc thực hiện không đúng yêu cầu trong nghị quyết, kết luận, kiến nghị giám sát thì xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý” tại Điều 89, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND năm 2015. Bởi, xử lý theo thẩm quyền của HĐND thì ngoài đôn đốc, giám sát, kiến nghị ra, Luật chưa cho phép HĐND một chế tài hay biện pháp xử lý nào khác; còn kiến nghị cơ quan có thẩm quyền thì gồm cơ quan nào, mức kiến nghị ra sao cũng chưa được quy định cụ thể, rất khó vận dụng trong thực tiễn. Nếu như không quy định rõ những nội dung này thì rất ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng và hiệu lực giám sát của HĐND.

Lê Hồng Hạnh- Phó trưởng ban Kinh tế - Xã hội HĐND thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh