Rõ vấn đề, rõ hướng giải quyết

- Thứ Bảy, 23/10/2021, 05:55 - Chia sẻ
Tại Hội thảo khoa học “Nâng cao chất lượng của công tác giám sát việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo tội phạm và kiến nghị khởi tố” do Ban Pháp chế HĐND tỉnh Bắc Ninh phối hợp với Công an tỉnh vừa tổ chức đã có 24 bài tham luận và ý kiến của các đại biểu tham gia đóng góp ý kiến. Song song với việc chỉ ra khó khăn, vướng mắc, các chuyên gia cũng đưa ra hướng giải quyết phù hợp, khắc phục những hạn chế trong công tác giám sát việc tiếp nhận giải quyết tố giác, tin báo tội phạm.
PGS.TS. Phạm Minh Tuyên, Thẩm phán cao cấp, Giám đốc Học viện Tòa án phát biểu tại hội thảo

Yếu tố kịp thời phát hiện hành vi phạm tội

Đại diện Công an tỉnh Bắc Ninh cho rằng, trong quá trình đấu tranh phòng, chống tội phạm, việc tiếp nhận, giải quyết tin báo, tố giác về tội phạm và kiến nghị khởi tố có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, nhằm kịp thời phát hiện hành vi phạm tội, từ đó xác định có hay không dấu hiệu tội phạm để xem xét quyết định khởi tố vụ án hình sự. Ðây là hoạt động mở đầu cho các hoạt động tố tụng tiếp theo.

Nhằm bảo đảm mọi hành vi phạm tội phải được phát hiện, khởi tố, điều tra, xử lý kịp thời, nghiêm minh, đúng người, đúng tội, đúng quy định pháp luật, tránh oan sai và không để lọt tội phạm, ngày 27.11.2015, Quốc hội Khoá XIII đã ban hành Bộ luật Tố tụng hình sự. Trong đó, Điều từ 143 đến Điều 150 quy định về việc tiếp nhận, giải quyết tố giác tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố.

Xác định được tầm quan trọng của công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, lãnh đạo Công an tỉnh Bắc Ninh chỉ đạo, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng và đưa công tác này thực sự đi vào nền nếp, tuân thủ chặt chẽ các quy định của pháp luật; thường xuyên thanh tra, kiểm tra, hướng dẫn nhằm phát hiện những sơ hở, thiếu sót cũng như những khó khăn, bất cập trong quá trình thực hiện công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo tội phạm, kiến nghị khởi tố của Cơ quan điều tra 2 cấp để kịp thời chấn chỉnh cũng như tìm ra những biện pháp khắc phục, tháo gỡ.

Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau, thực tiễn áp dụng các quy định của pháp luật về công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố vẫn có những khó khăn, vướng mắc và thiếu sót.

Chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn

Đại biểu Nguyễn Thị Lan, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Bắc Ninh chia sẻ, xuất phát từ yêu cầu thực tiễn trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm trên địa bàn tỉnh; Viện kiểm sát nhân dân 2 cấp tỉnh Bắc Ninh đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tiến hành tố tụng và các cơ quan hữu quan trong việc đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Theo số liệu thống kê, trong thời gian từ năm 2019 đến 6 tháng đầu năm 2021, Viện kiểm sát 2 cấp tỉnh Bắc Ninh đã kiểm sát việc giải quyết tổng số 6.010 tin (trong đó, năm 2019 là 2.539 tin; năm 2020 là 2.255 tin; 6 tháng đầu năm 2021 là 1.216 tin). Đồng thời, giải quyết 5.977 tin (trong đó, khởi tố 3.685 tin; không khởi tố 1.873 tin; tạm đình chỉ 419 tin). Số còn lại đang giải quyết. Tỷ lệ giải quyết trung bình hàng năm đạt khoảng 97%.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác tiếp nhận, phân loại, giải quyết tố giác, tin báo tội phạm, kiến nghị khởi tố còn có những thiếu sót, vi phạm như việc phân loại, chuyển tin báo để giải quyết theo thẩm quyền của Công an xã, phường, thị trấn đôi khi còn chậm, lòng vòng; nhiều tin báo cơ quan điều tra chậm chuyển cho Viện kiểm sát quyết định phân công điều tra viên, thông báo thụ lý; chất lượng hoạt động kiểm tra, xác minh có nhiều tin báo còn chưa bảo đảm dẫn đến phải gia hạn thời hạn giải quyết. Kết quả giải quyết của cơ quan có thẩm quyền đôi khi chưa được kịp thời gửi đến đơn vị đã chuyển tin để theo dõi; số lượng các tin báo giải quyết tạm đình chỉ còn nhiều, có phần chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Tìm giải pháp nâng cao hiệu quả

PGS.TS Phạm Minh Tuyên, Thẩm phán cao cấp, Giám đốc Học viện Tòa án cho rằng, trong tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm thì sự sáng tạo, linh hoạt của cán bộ có tính quyết định mọi thắng lợi. Do vậy, để nâng cao hiệu quả tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm thì việc nghiên cứu để sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy cơ quan, đơn vị có thẩm quyền; nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, pháp luật và tinh thần trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp đối với đội ngũ cán bộ làm công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác tin báo, tội phạm là giải pháp mang tính then chốt, quan trọng hàng đầu. Vì vậy, cần kiện toàn, sắp xếp lại đội ngũ cán bộ thực hiện nhiệm vụ tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm.

Theo đó, nâng cao nhận thức, trình độ chuyên môn nghiệp vụ tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm của Điều tra viên, cán bộ điều tra thuộc Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra; hoàn thiện quy định của pháp luật tố tụng hình sự về tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm.

Thứ nhất, để giải quyết trước mắt cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung quy định về thủ tục tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố; về thời gian giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố; về tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm... trong Bộ luật Tố tụng hình sự hiện hành.

Thứ hai, để giải quyết toàn diện vướng mắc trong quy định của pháp luật tố tụng hình sự về lâu dài, cần nghiên cứu tách từ Chương IX của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (Khởi tố vụ án hình sự) để xây dựng thành chương riêng về tiếp nhận, giải quyết thông tin về tội phạm; tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra và kiểm sát công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm; tăng cường gắn kết xây dựng cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan có thẩm quyền trong tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm; bảo đảm các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện khoa học kỹ thuật phục vụ công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và chế độ chính sách đối với điều tra viên.

Ngọc Biên