Yên Bái sau 5 năm thực hiện Đề án đổi mới giáo dục

Rút ngắn khoảng cách giữa các vùng

- Thứ Bảy, 27/02/2021, 07:19 - Chia sẻ
Chia sẻ với phóng viên Báo Đại biểu Nhân dân về kết quả thực hiện Đề án “Sắp xếp quy mô, mạng lưới trường lớp đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2016 - 2020”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái VŨ THỊ HIỀN HẠNH nhấn mạnh, việc thực hiện thành công Đề án này không đơn thuần là sự thay đổi chỗ học, số lượng học sinh mà là giải quyết vấn đề mấu chốt trong đầu tư cho giáo dục, từng bước rút ngắn dần khoảng cách về mọi mặt giữa giáo dục vùng dân tộc thiểu số, miền núi với các vùng khác.

Giảm được 130 trường, 478 điểm trường, tăng trên 24.000 học sinh

- Thời gian qua, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ với nhiều giải pháp và bố trí lồng ghép hợp lý các nguồn lực để đầu tư cho giáo dục, sự nghiệp giáo dục và đào tạo của Yên Bái đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, thưa bà?

- Những năm qua, Yên Bái đã đặc biệt quan tâm và dành nhiều nguồn lực phát triển sự nghiệp giáo dục. Điều này được thể hiện rõ qua Đề án “Sắp xếp quy mô, mạng lưới trường lớp đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2016 - 2020”, với tổng mức đầu tư trên 735 tỷ đồng. Việc thực hiện thành công Đề án này không đơn thuần là thay đổi chỗ học, số lượng học sinh tăng mà là giải quyết vấn đề mấu chốt trong đầu tư cho giáo dục, từng bước rút ngắn dần khoảng cách về mọi mặt giữa giáo dục vùng dân tộc thiểu số, miền núi với các vùng khác.

Sau khi sắp xếp lại mạng lưới trường, lớp, các em học sinh trong tỉnh được tập trung học tập, sinh hoạt tại điểm trường chính, thuận lợi cho công tác quản lý và nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Nhiều học sinh vùng khó, vùng dân tộc được học bán trú và hưởng chính sách, có điều kiện để nâng cao chất lượng học tập. Đặc biệt, khắc phục được tình trạng học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số bỏ học… Đến nay, toàn tỉnh đã giảm được 130 trường, 478 điểm trường; tăng trên 24.000 học sinh, trong đó có gần 11.000 học sinh bán trú. Chất lượng chăm sóc, giáo dục được nâng lên, chất lượng giáo dục đại trà và giáo dục mũi nhọn từng bước được cải thiện rõ rệt. Năm 2019, lần đầu tiên Yên Bái có học sinh đoạt huy chương Bạc trong kỳ thi Olympic quốc tế.   

- Có được kết quả trên, xin bà chia sẻ về quyết tâm, cách triển khai của Yên Bái trong công cuộc đổi mới ngành giáo dục?

- Quyết tâm nhưng không cứng nhắc, quá trình triển khai có những điều chỉnh kịp thời cho phù hợp hơn. Theo đó, Tỉnh ủy đã ban hành nhiều văn bản, chỉ thị, công văn, hướng dẫn cho thấy sự quyết liệt trong chỉ đạo, quyết tâm trong thực hiện. Đặc biệt, người đứng đầu Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã có nhiều buổi làm việc với các địa phương, ngành giáo dục, đồng thời dành nhiều thời gian đến từng điểm trường nắm bắt tình hình thực tế, tiếp xúc với cán bộ, giáo viên để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, từ đó có những động viên, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai Đề án.

Kiên định với mục tiêu đã đề ra song phải bảo đảm quá trình thực hiện không nóng vội, cẩn trọng. Trong đó, công tác tuyên truyền, vận động được triển khai tích cực, quán triệt quan điểm vì lợi ích của Nhân dân, dựa vào Nhân dân, phát huy vai trò làm chủ, tinh thần trách nhiệm, sức sáng tạo và mọi nguồn lực của Nhân dân. Từ đó, tạo ra sự đồng thuận, nhất trí cao trong phụ huynh học sinh. Mặt khác, công tác quy hoạch, kế hoạch sắp xếp được bảo đảm theo tinh thần chỉ đạo của tỉnh, đồng thời phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương, bảo đảm các điều kiện tốt nhất cho trẻ đến trường.

Quá trình thực hiện luôn bảo đảm tính dân chủ, công khai, minh bạch, nâng cao vai trò, ý thức trách nhiệm của từng cán bộ, giáo viên, nhân viên. Có sự thống nhất cao trong tập thể, bảo đảm quyền lợi cho người lao động, động viên cán bộ, giáo viên, nhân viên chủ động, tích cực để góp phần vào thành công của Đề án. Đặc biệt, công tác xã hội hóa được triển khai tích cực đã góp phần giải quyết những khó khăn cho các cơ sở giáo dục, nhất là những trường có đông học sinh bán trú.

		Đề án đổi mới giáo dục Yên Bái đã đem đến luồng gió mới cho các em học sinh huyện miền núi
Đề án đổi mới giáo dục Yên Bái đã đem đến luồng gió mới cho các em học sinh huyện miền núi

Hướng tới trường học hạnh phúc

- Thời gian tới, để công tác giáo dục và đạo tạo của tỉnh ngày càng chất lượng, Yên Bái đã có định hướng, giải pháp cụ thể nào, thưa bà?

- Một lần nữa có thể khẳng định, việc triển khai hiệu quả Đề án sắp xếp quy mô, mạng lưới trường lớp của Yên Bái đã góp phần quan trọng nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài, tạo nguồn đào tạo nhân lực cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức đòi hỏi Yên Bái phải quyết tâm và chiến lược dài hơi hơn nữa. Mới đây, tại Kỳ họp thứ 20, HĐND tỉnh Yên Bái Khóa XVIII đã thông nhiều nghị quyết, đề án lớn có tác động mạnh mẽ đến sự nghiệp phát triển giáo dục - đào tạo của tỉnh. Theo đó, Yên Bái sẽ huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị đối với sự nghiệp giáo dục và đào tạo; ưu tiên bố trí, lồng ghép các nguồn lực để thực hiện các đề án, chính sách cho sự nghiệp phát triển giáo dục và đào tạo. Trong đó, tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, nhà giáo đáp ứng yêu cầu triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới.

Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, Yên Bái sẽ tập trung chỉ đạo ngành giáo dục thực hiện chuyển đổi số, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và dạy học. Tiếp tục triển khai dạy học trực tuyến. Cùng với đó, Yên Bái sẽ quyết tâm triển khai bộ tiêu chí “Trường học hạnh phúc” đối với một số trường mầm non, phổ thông; tiếp tục nâng cao chất lượng giáo viên, tuyên truyền, vận động để học sinh không bỏ học. Giữ vững và nâng cao các tiêu chí phổ cập giáo dục, xóa mù chữ; chú trọng công tác xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia. Mặt khác, tăng cường hiệu quả công tác giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh; chú trọng xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện; triển khai thực hiện bộ quy tắc ứng xử trong trường học, các giải pháp phòng, chống bạo lực học đường.

- Xin trân trọng cảm ơn bà!

Thực hiện: TRỌNG HIẾU