Rút ngắn thời gian cai nghiện bắt buộc

- Thứ Sáu, 25/09/2020, 08:38 - Chia sẻ
Khoản 2, Điều 95 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 quy định, thời gian cai nghiện bắt buộc là từ 12 - 24 tháng. Như vậy khoảng cách giữa khung tối thiểu và tối đa là 1 năm. Chính vì thế thực tiễn áp dụng pháp luật hành chính, cai nghiện ma túy cho thấy sự áp dụng rất tùy tiện, không thống nhất ở các địa phương. Đặc biệt, cùng tính chất, mức độ nghiện khác nhau nhưng nơi quyết định  12  tháng, 18 tháng, nơi thực hiện 24 tháng.

Khoản 2, Điều 95 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 quy định, thời gian cai nghiện bắt buộc là từ 12 - 24 tháng. Như vậy khoảng cách giữa khung tối thiểu và tối đa là 1 năm. Chính vì thế thực tiễn áp dụng pháp luật hành chính, cai nghiện ma túy cho thấy sự áp dụng rất tùy tiện, không thống nhất ở các địa phương. Đặc biệt, cùng tính chất, mức độ nghiện khác nhau nhưng nơi quyết định 12 tháng, 18 tháng, nơi thực hiện 24 tháng.

Thực tế cho thấy, không phải cai nghiện thời gian dài là giảm tỷ lệ tái nghiện, mà chủ yếu ở chất lượng cai nghiện và chăm sóc sau cai. Mặt khác, về khoa học, việc tái sử dụng ma túy có thể thường xuyên xảy ra. Thành công của cai nghiện có thể không phải sau 1, 2 lần cai là bỏ nghiện mà có thể phải cai nghiện nhiều lần, có khi suốt đời. Tái nghiện nhiều lần vẫn có thể coi là cai nghiện thành công nếu sau mỗi lần cai, người nghiện có tiến bộ phục hồi về sức khỏe, hành vi. Hơn nữa, việc rút ngắn thời gian sẽ tạo điều kiện cho cơ sở cai nghiện có thể tiếp nhận cai nghiện cho nhiều lượt người trong khoảng thời gian nhất định. Thực tế cai nghiện tự nguyện trong cơ sở cai nghiện hiện nay thời gian trung bình 6 tháng.

Liên quan đến thời gian cai nghiện, theo quy định tại Thông tư liên tịch số 41/2010 ngày 31.12.2010 của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; Bộ Y tế về hướng dẫn quy trình cai nghiện cho người nghiện ma túy tại các Trung tâm chữa bệnh giáo dục - lao động xã hội và cơ sở cai nghiện ma túy tự nguyện thì quy trình cai nghiện gồm 5 giai đoạn. Bao gồm: giai đoạn tiếp nhận, phân loại; điều trị cắt cơn, giải độc, điều trị các bệnh nhiễm trùng cơ hội; giáo dục, tư vấn, phục hồi hành vi, nhân cách; lao động, trị liệu, học nghề; phòng, chống tái nghiện, chuẩn bị tái hòa nhập cộng đồng.

Với 5 giai đoạn này, nhiều địa phương cho rằng chỉ cần 1 năm là thực hiện được hết. Nói cách khác trong thời gian khoảng 1 năm là thực hiện đủ quy trình cai nghiện ở cơ sở cai nghiện. Sau đó chuyển sang các giai đoạn chăm sóc sau cai, hỗ trợ họ hòa nhập cộng đồng như tư vấn, quản lý, dạy nghề, sinh kế…). Điều này tạo cho người cai nghiện nhiều cơ hội để hòa nhập xã hội hơn; giúp họ ổn định cuộc sống, tiếp tục các công việc trước đây đã làm. Hạn chế được những khủng hoảng gia đình so với thời gian cai nghiện kéo dài như ly hôn, kinh tế sa sút, nuôi dạy con cái...

Phản ánh thực tế của địa phương cũng nhận được sự ủng hộ của nhiều chuyên gia pháp lý. Nguyên Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Lê Đức Hiền đề xuất, thời gian cai nghiện bắt buộc nên là 6 - 12 tháng hoặc tối đa 6 - 18 tháng theo mức độ tăng dần, cai nghiện bắt buộc lần đầu là 6 tháng; những lần cai nghiện sau tăng dần thời gian.

Liên quan đến vấn đề này, hầu hết các nước áp dụng cai nghiện bắt buộc dưới 1 năm. Đơn cử, Thái Lan có nhiều hình thức cai nghiện, kể cả cai nghiện cho những người phải cải tạo (vi phạm hình sự ở mức độ ít nguy hiểm) cũng dưới 1 năm. Hoặc, mô hình Tòa ma túy của Hoa Kỳ - một tòa đặc biệt có trách nhiệm giải quyết các trường hợp tội phạm có liên quan tới lạm dụng chất gây nghiện, thông qua các biện pháp tổng hợp bao gồm: giám sát, xét nghiệm tìm chất ma túy, điều trị nghiện, cùng các biện pháp kỷ luật và động viên khuyến khích kịp thời với 3 hoặc 4 giai đoạn cũng chỉ thời gian 12 - 18 tháng.

Phạm Hải