Rút ngắn thời gian, giảm chi phí

- Chủ Nhật, 20/09/2020, 08:46 - Chia sẻ
Trọng tài thương mại vốn được biết tới như một hình thức giải quyết tranh chấp ngắn gọn, hiệu quả và linh hoạt, nhưng sự phát triển của trọng tài thương mại với các tranh chấp ngày một lớn và phức tạp, đang có nhiều lo ngại rằng phương thức giải quyết tranh chấp này đang dần mất đi ưu điểm về tính hiệu quả về thời gian và chi phí. Trọng tài rút gọn được bổ sung đã đáp ứng kịp thời nhu cầu thực tiễn khi giải quyết các tranh chấp thương mại.

Những năm gần đây nhiều trung tâm trọng tài đã bổ sung giải pháp trọng tài rút gọn bên cạnh những quy tắc tiêu chuẩn trước đây. Bên cạnh đó, Ủy ban Liên Hợp Quốc về Luật Thương mại Quốc tế (UNCITRAL) đã có những nỗ lực đáng kể trong việc tiến tới xây dựng một quy chuẩn chung về trọng tài rút gọn, với mong muốn đưa thủ tục tố tụng này quay về đúng bản chất vốn có, mà vẫn giữ được các nguyên tắc tố tụng cốt lõi, bảo đảm quyền trình bày và quyền được lắng nghe của các bên trong tranh chấp.

Hiện nay, các quy định liên quan đến thủ tục rút gọn ở các trung tâm trọng tài khá giống nhau. Việc áp dụng thủ tục rút gọn đã đem đến cho các bên tranh chấp nhiều lợi ích đáng kể. Có thể thấy, đối với việc giải quyết tranh chấp bằng hình thức trọng tài thương mại, thời gian để ra phán quyết thường là 1 năm. Trong khi đó, thời gian tố tụng theo trình tự thủ tục rút gọn thường là từ 3 - 6 tháng. Đây được xem là một trong những bước tiến mới, đáp ứng được nhu cầu thực tiễn khi giải quyết tranh chấp.

Thời gian tố tụng theo trình tự thủ tục rút gọn giảm đi đáng kể thông qua việc Trung tâm hoặc Hội đồng Trọng tài có thể rút ngắn bất kỳ thời hạn nào được quy định trong Quy tắc. Theo đó, trên cơ sở xem xét tính chất và mức độ phức tạp của vụ tranh chấp, hoàn cảnh thực tế hay mong muốn của các bên, mà Trung tâm hoặc Hội đồng Trọng tài quyết định áp dụng các thời hạn ngắn hơn so với thủ tục thông thường, để vụ tranh chấp được giải quyết nhanh chóng hơn. Đặc biệt, khác với hình thức giải quyết thông thường, thủ tục rút gọn thường sẽ sử dụng một Trọng tài viên duy nhất trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác. Điều này, giúp cho thời gian thành lập Hội đồng Trọng tài được rút ngắn đi đáng kể và tiết kiệm được chi phí.

Đáng chú ý, hiện nay nhiều trung tâm Trọng tài cho phép Hội đồng Trọng tài căn cứ vào tài liệu và chứng cứ hiện có để tiến hành phiên họp giải quyết tranh chấp mà không cần sự có mặt của các bên hoặc có thể tiến hành phiên họp giải quyết tranh chấp bằng hình thức trực tuyến. Việc áp dụng hai hình thức giải quyết tranh chấp này sẽ giúp các bên tiết kiệm thời gian và chi phí đi lại, ăn ở. Tuy nhiên, nếu một trong các bên thấy việc áp dụng hình thức trên là không phù hợp thì có quyền phản đối. Khi đó Hội đồng Trọng tài sẽ giải quyết tranh chấp bằng hình thức thông thường để bảo đảm quyền lợi cho các bên.

Đại diện của Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) cho biết trong 3 - 5 năm trở lại đây, thời gian để đưa ra phán quyết thường là 150 - 180 ngày. Tuy nhiên, số lượng vụ án phức tạp chưa nhiều, giá trị tranh chấp còn nhỏ; hiện VIAC chỉ mới giải quyết 40 vụ tranh chấp theo thủ tục rút gọn.

Có thể thấy, mặc dù thủ tục rút gọn mang lại khá nhiều lợi cho các bên nhưng thực tế cho thấy hiện thủ tục rút gọn chưa được ưu tiên áp dụng. Bởi lẽ, việc chỉ sử dụng một Trọng tài viên duy nhất cũng tiềm ẩn khá nhiều rủi ro khi kết quả giải quyết phụ thuộc hoàn toàn vào ý chí của Trọng tài viên. Chính vì lẽ đó, để bảo đảm một phán quyết có chất lượng và tăng niềm tin cho các bên thì Trọng tài viên duy nhất được lựa chọn phải là người có năng lực chuyên môn, sự vô tư, khách quan.

Nguyễn Ngân