Sắc xuân trên “đất lửa”

- Thứ Ba, 16/02/2021, 07:52 - Chia sẻ
“Em có về Quảng Trị với anh không?/ Trong bão táp nghe gió Lào quạt lửa/ Mảnh đất miền Trung cong như đòn gánh mẹ/ Suốt một đời dầu dãi với nắng mưa…/ Chiến tranh qua mà hố bom còn đầy/ Tháng năm dài chẳng lấp nỗi đau thương”. Mang theo câu hát, điệu hò ấy, chúng tôi tìm về Quảng Trị - miền quê của gió Lào cát trắng nằm giữa khúc ruột miền Trung vào một ngày cuối năm để cảm nhận rõ hơn sự chuyển mình kỳ diệu nơi mảnh đất anh hùng, một thời rực lửa.
	Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Hưng chỉ đạo công tác giải phóng mặt bằng tại TP Đông Hà Ảnh: Hải Phong
Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Hưng chỉ đạo công tác giải phóng mặt bằng tại TP Đông Hà
Ảnh: Hải Phong

Diện mạo mới trên quê hương gió Lào cát trắng

Ngày cuối năm, con đường từ thành phố Đông Hà lên huyện vùng cao Đakrông bỗng trở nên huyền ảo trong sương. Sương giăng kín cả đường đi, che khuất hết những dãy núi trùng điệp. Mải ngắm nhìn ánh mắt trong veo của những đứa trẻ vui đùa ven đường, tôi giật mình khi già làng Côn Hương (xã Tà Rụt) với giọng nói hào sảng: “Nhà báo ngạc nhiên lắm phải không? Bà con có tivi xem để biết tin tức mọi miền; có đường ô tô trải nhựa đi vào tận nhà; có trường học cho con trẻ, có trạm y tế chữa bệnh cho người già… Tất cả là nhờ các chính sách của Đảng và Nhà nước”. Tiếp lời già làng, Trưởng bản Cu Pua (xã Đakrông) Hồ Ê Nót cho biết những năm qua, Nhà nước đã quan tâm đầu tư làm đường giao thông từ trung tâm xã vào đến thôn, bản; kéo điện lưới, tạo điều kiện cho đồng bào sản xuất, buôn bán, góp phần tạo nên diện mạo trù phú cho mảnh đất này.

Rời các thôn bản của Đakrông, chúng tôi đến với xã Húc (huyện Hướng Hóa). Trên con đường dẫn vào xã, những quả đồi đất đỏ bazan thấp thoáng các sơn nữ Vân Kiều, Pa Kô cặm cụi thu hoạch sắn, ớt xanh và rau màu. Ðón khách xa như đón người thân trở về nhà, Chủ tịch UBND xã Hồ Văn Ka Rai chia sẻ từ một vùng bị chia cắt bởi địa hình hiểm trở, toàn xã đã khai hoang, phát triển được gần 200ha lúa nước; năng suất được nâng cao qua hàng năm. Nhờ đó, cuộc sống của bà con khấm khá hơn, con cái được học hành đến nơi đến chốn.

Ngược theo đường Hồ Chí Minh phía Tây về với xã Hướng Lập (huyện Hướng Hóa) - nơi từng là trọng điểm bắn phá của kẻ thù trong những năm chiến tranh. Dòng sông Sê Păng Hiêng - nơi ghi dấu những gian khổ của bộ đội, Nhân dân ta để vận chuyển lương thực, đạn dược chi viện cho chiến trường miền Nam trở nên hiền hòa, tô điểm thêm cho cuộc sống của đồng bào Vân Kiều giữa đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ… Thời gian qua, chính quyền các cấp ở Hướng Lập đã tập trung vận động, hướng dẫn người dân sản suất, thay đổi tập tục lạc hậu để xây dựng cuộc sống văn minh. Đồng thời, ứng dụng nhiều giống cây công nghiệp vào sản xuất. Qua đó, đời sống người dân dần được cải thiện; tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể, nhiều hộ có thu nhập ổn định và vươn lên làm giàu.

Chia tay bà con Hướng Hóa, tiếp tục hành trình về với Cam Lộ, chúng tôi đến Vùng Cùa khi mặt trời vừa xế bóng. Vẫn nhớ, ngày trước muốn đến được Vùng Cùa không dễ chút nào. Tuy cung đường không xa nhưng do địa hình dốc đèo hiểm trở, hàng ngày chỉ có một chuyến xe về đồng bằng vào sáng sớm và ngược lại vào chiều muộn. Nhưng nay, Vùng Cùa đang mạnh mẽ vươn lên trong hình hài và dáng dấp của một khu đô thị trên vùng trung du. Từ khi Tỉnh lộ 585 được thảm nhựa, vỉa hè được mở rộng chạy dài hàng cây số từ đầu Cam Chính cho đến cuối Cam Nghĩa, hai bên những giàn hoa giấy khoe sắc lung linh… đã làm cho bộ mặt nơi đây có sự đổi thay rõ rệt.

Trở lại thành phố trẻ Đông Hà, chúng tôi càng cảm nhận rõ hơn đổi thay của mảnh đất này. Ông Trần Văn Thái (đường Trần Hưng Đạo) chia sẻ: điều ông ấn tượng nhất là mấy năm gần đây nhiều tuyến phố, khu dân cư đã thông thoáng, xanh, sạch, đẹp hơn do người dân có ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường, các cơ quan chức năng thường xuyên kiểm tra, xử lý các vi phạm về trật tự xây dựng, trật tự đô thị, trồng cây xanh... “Từ nỗ lực của chính quyền, sự đồng lòng, chung sức của người dân, trên địa bàn đã có nhiều công trình được xây mới, nâng cấp và mở rộng; cảnh quan ngày càng sạch đẹp, không gian trải dài hơn. Chứng kiến sự “thay da, đổi thịt” của quê hương, người dân phấn khởi và mong muốn chính quyền tiếp tục quan tâm đầu tư để diện mạo Đông Hà ngày càng khởi sắc”, ông Thái cho biết.

Nỗ lực mục tiêu tăng trưởng ở mức khá

Về với Quảng Trị hôm nay, hoa đã nở, cây cối đã thắm xanh trên những hố bom tọa độ. Vùng đất lửa năm xưa nay đã trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn khách du lịch, của nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước. Chiến trường khốc liệt Cồn Tiên, Dốc Miếu, Khe Sanh, Tà Cơn nay là các vùng chuyên canh cây công nghiệp cao su, hồ tiêu, cà phê nổi tiếng. Tuyến đường 9 trở thành tuyến đường xuyên Á trên Hành lang kinh tế Đông - Tây gắn với một thương hiệu du lịch hết sức độc đáo: “Một ngày ăn cơm 3 nước”… Bấy nhiêu đó thôi cũng cho chúng ta hình dung về một Quảng Trị đang vươn mình lên mạnh mẽ và đổi mới!

Trò chuyện với chúng tôi, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Hưng cho biết: năm 2020, với nỗ lực của các cấp, ngành, Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, tỉnh đã tập trung phòng, chống và từng bước khắc phục thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh gây ra; thực hiện có hiệu quả “mục tiêu kép” vừa quyết liệt phòng, chống dịch bệnh, vừa duy trì, phục hồi phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh ước 19.970 tỷ đồng, tăng 3,51% so với năm 2019. Đặc biệt, kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh tiếp tục giữ ổn định, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng; nông nghiệp phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa; tiềm năng, lợi thế được khai thác hiệu quả…

“Trong bối cảnh khó khăn chung, con số tăng trưởng 3,51% nói trên đã góp phần tạo niềm tin của người dân vào các quyết sách quan trọng trong giai đoạn mới để tái thiết cuộc sống sau thiên tai, khôi phục sản xuất. Đồng thời, quyết tâm thực hiện các giải pháp đồng bộ vào khai thác những ngành, lĩnh vực đã được xác định trong Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ XVII đã đề ra”, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Hưng cho biết thêm.

Những thành tựu tỉnh Quảng Trị đã đạt được vừa qua là tổng hòa kết quả từ đường lối, chính sách hỗ trợ phát triển của Đảng, Nhà nước; sự chỉ đạo sát sao của Trung ương; cùng với đó là nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Tuy nhiên, nhìn một cách tổng thể, Quảng Trị vẫn là tỉnh nghèo, nội lực nền kinh tế chậm được cải thiện; dịch bệnh, mưa lũ đã tác động xấu đến hầu hết các hoạt động, nhất là về thương mại, đầu tư, du lịch; một số mặt hàng nông sản, sản phẩm chế biến nông nghiệp xuất khẩu bị ảnh hưởng bởi thị trường quốc tế khó tiêu thụ, liên tục rớt giá…

Trăn trở với căn dặn của cố Tổng Bí thư Lê Duẩn: ‘‘Làm việc gì cũng phải xác định là người đại diện cho Đảng, Nhà nước và Nhân dân… Lo cho dân có cơm ăn áo mặc, con em phải được đến trường, phải lo cho tất cả mọi người’’, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Hưng cho biết: Thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung vừa phòng, chống dịch bệnh, bảo đảm sức khỏe Nhân dân, vừa phục hồi và phát triển trên cơ sở giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn. Đồng thời, cơ cấu lại đầu tư công, hoàn thành và đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm, động lực đã được xác định có sức lan tỏa, thúc đẩy phát triển của tỉnh. Đặc biệt, là các công trình giao thông quan trọng kết nối các khu kinh tế, khu công nghiệp, cửa khẩu quốc tế… với cảng Cửa Việt, cảng Mỹ Thủy và hệ thống giao thông quốc gia.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng xác định tích cực cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính; nâng cao hiệu quả việc giải quyết kiến nghị của cử tri và nguyện vọng chính đáng của Nhân dân… Mục tiêu lớn nhất chính là xây dựng chính quyền năng động, hiệu quả, gần dân, phục vụ người dân, doanh nghiệp và xã hội. Nâng cao năng lực ứng phó và xử lý có hiệu quả với các sự cố bất thường và các thách thức phi truyền thống, nhất là trong thiên tai, dịch bệnh, cứu hộ cứu nạn... “Với những giải pháp đồng bộ đó, hy vọng rằng cùng với cả nước, năm 2021 tỉnh sẽ duy trì tăng trưởng ở mức khá, bảo vệ sinh kế cho người dân, giữ ổn định chính trị, xã hội”, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Hưng nhấn mạnh.

Tạm biệt “đất lửa”, trong chúng tôi bất chợt vang lên những câu từ rộn rã trong bài hát Quảng Trị ngày mới của nhạc sĩ Đỗ An: “Và hôm nay đất trời ta rạng rỡ muôn ngàn sắc hoa/ Nhà máy vươn cao, bao công trình mới xây đời đẹp sao/ Quảng Trị ơi trong muôn gian lao, ngời sáng oai hùng biết bao…/ Cất tiếng hát vang, ta đi bên nhau trên đường tương lai thênh thang ơi mùa xuân”.

Ghi chép của DIỆP ANH