Sân bay trên đảo Lý Sơn

- Thứ Tư, 12/05/2021, 06:20 - Chia sẻ

PGS. TS Nguyễn Thiện Tống
Nguyên Chủ nhiệm bộ môn Kỹ thuật hàng không, Trường ĐH Bách Khoa TP Hồ Chí Minh

Quảng Ngãi vừa đề xuất Thủ tướng đồng ý chủ trương xây dựng Cảng hàng không quốc tế tại đảo Lý Sơn bằng hình thức BOT nhằm góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an ninh quốc phòng đối với hòn đảo tiền tiêu của Tổ quốc.

Theo mong muốn của địa phương, đây sẽ là sân bay dân dụng cấp 4C, đáp ứng khai thác các loại tàu bay A320, 321 và tương đương với năng lực khai thác từ 3 triệu - 3,5 triệu hành khách/năm.

Có lẽ nhiều người cho rằng việc xây sân bay trên hòn đảo diện tích chỉ hơn 10km2, dân số hơn 22 nghìn người là không có căn cứ.

Trước khi đề cập việc nên làm sân bay ở Lý Sơn hay không và nếu có thì với quy mô nào, chúng ta cần thừa nhận một thực tế là ở Việt Nam, hễ nói tới sân bay, ai cũng muốn đó phải là sân bay lớn, khai thác tàu bay tầm cỡ Boeing, Airbus… Quy hoạch sân bay Việt Nam tới năm 2050 có 30 sân bay thì một nửa số đó là sân bay quốc tế. Ngay Quảng Ngãi cũng muốn khai thác máy bay A320, 321. Đây là một sai lầm! Và chúng ta cũng đang phải trả giá khi Bộ Giao thông Vận tải thừa nhận các cảng hàng không hiện có lượng khách dưới 2 triệu mỗi năm đều đang phải bù lỗ.

Chúng ta không nên nghĩ chuyện làm sân bay lớn khắp nơi, rất lãng phí và không hiệu quả. Thay vào đó, đã đến lúc cần nghiêm túc nghiên cứu, xây dựng các sân bay nhỏ ở những địa phương có nhu cầu nhằm phát triển du lịch, thúc đẩy kinh tế - xã hội.

Hiện tại, Việt Nam hoàn toàn vắng bóng sân bay cỡ nhỏ. Nói cách khác, chúng ta đang lãng phí bầu trời ở tầng thấp (dưới 3.000m).

Trong khi đó, mạng lưới sân bay nhỏ với đường băng ngắn từ 600 - 1.000m phù hợp cho dòng máy bay nhỏ dưới 20 chỗ ngồi, bay ở tầm thấp có thể phục vụ nhu cầu du lịch hoặc cứu thương, an ninh quốc phòng... và mang lại hiệu quả rất lớn.

Kinh nghiệm thế giới cho thấy, mở sân bay nhỏ và bay nhiều chuyến một ngày thì hiệu quả hơn sân bay lớn mà đôi khi cả ngày không có đủ khách cho một chuyến bay.

Những sân bay nhỏ nội địa này có thể kết hợp với sân bay lớn bằng cách gom khách cho sân bay lớn, giúp hành khách có thể đi bằng máy bay từ tỉnh này đến tỉnh khác, đến những vùng nông thôn, miền núi xa xôi… Đặc biệt, ở các tỉnh có đường núi, đèo hiểm trở như khu vực Tây Bắc hay khu vực Tây Nguyên, người ta sẵn sàng đi máy bay vì tiện lợi hơn ô tô.

Hơn nữa, sân bay lớn phải cách nhau tối thiểu trên 150km, sân bay nhỏ không cần phải như vậy, cách 50 - 60km vẫn bay được như bình thường. Chẳng hạn, Quảng Trị cách Quảng Bình khoảng 70km, với khoảng cách như vậy thì sân bay nhỏ là thuận tiện nhất, khách du lịch có thể sáng bay ra chiều bay về.

Như vậy, đảo Lý Sơn cần sân bay để phát triển du lịch nhưng không phải là sân bay quốc tế mà là sân bay cỡ nhỏ với những máy bay chở dưới 20 khách, chỉ cần phi công chứ không cần tiếp viên.

Nhân đề xuất xây dựng sân bay ở đảo Lý Sơn, Bộ Giao thông Vận tải cần lên một kế hoạch phát triển, xây dựng mạng lưới các sân bay nhỏ trên toàn quốc phục vụ nhu cầu đi lại đường hàng không của người dân và của khách du lịch. Đây là điều ngành du lịch rất cần.

Những sân bay nhỏ này có thể tận dụng sân bay quân sự cũ; nếu đầu tư mới cũng không cần quá nhiều vốn và có thể kêu gọi đầu tư tư nhân bởi yêu cầu về đường băng và cơ sở hạ tầng không quá cao. Đầu tư cho sân bay nhỏ có thể thấp nhất từ 100 nghìn USD cho đường băng dài 600m, rộng 15m, và có thể lên đến 10 triệu USD cho đường băng dài 1.000m rộng 20m, tùy vật liệu xây dựng và trang thiết bị.

PGS. TS Nguyễn Thiện Tống