Giáo dục linh hoạt, thích ứng với dịch Covid-19

Sẵn sàng chuyển trạng thái

- Thứ Năm, 04/11/2021, 06:20 - Chia sẻ
Sau nhiều đợt dịch bệnh bùng phát, các nhà trường, địa phương đã khá nhuần nhuyễn trong việc chuyển trạng thái tổ chức dạy học. Các vùng xanh, học sinh được học trực tiếp hoàn toàn, nhưng cả thầy và trò vẫn sẵn sàng tâm thế để chuyển sang dạy và học trực tuyến. Với trường học bắt đầu mở cửa trở lại từ đầu tháng 11, công tác phòng, chống dịch bệnh được siết chặt.

Trực tuyến kết hợp trực tiếp

Tại nhiều địa phương, dù học sinh đến trường trở lại, nhưng việc dạy học trực tuyến vẫn được duy trì. Trường Tiểu học Sao Đỏ (huyện Chí Linh, Hải Dương) dạy học trực tiếp từ ngày 15.9 với khối 1, khối 5 và từ 20.9 với các khối 2, 3, 4. Hiệu trưởng Trường Tiểu học Sao Đỏ Nguyễn Thị Nhắc cho biết, hiện nhà trường tổ chức dạy học 5 buổi trực tiếp, 1 buổi trực tuyến. Thời lượng dạy học trực tuyến là 2 tiết với khối lớp 1, 2, 3 và 3 tiết với khối 4, 5. Bên cạnh đó, những học liệu đã chuẩn bị phục vụ cho dạy học trực tuyến vẫn được giáo viên sử dụng một cách phù hợp hoặc ở trên lớp, hoặc gửi qua Zalo nhóm lớp cho phụ huynh, để cha mẹ phối hợp bổ trợ thêm cho các con. Khung phát sóng các bài dạy trên truyền hình VTV7 cũng được trường gửi đến phụ huynh, bố trí cho học sinh xem lại vào thời điểm thích hợp.

“Ngoài ra, để sẵn sàng chuyển trạng thái, nhà trường đã xây dựng hệ thống chương trình điều chỉnh theo công văn hướng dẫn của Bộ GD - ĐT. Khi có dịch phải tạm dừng đến trường, sẵn sàng xếp khung chương trình, thời khóa biểu hợp lý, bảo đảm lượng kiến thức tối thiểu bắt buộc. Giáo viên cũng tham gia tập huấn một số lớp do Trường ĐH Sư phạm tổ chức để nâng cao năng lực dạy học trực tuyến” - cô Nguyễn Thị Nhắc chia sẻ.

Tại Bắc Giang, từ ngày 1.11, toàn bộ học sinh trên địa bàn huyện Việt Yên tạm dừng đến trường, chuyển sang hình thức dạy và học trực tuyến. Còn lại, các trường học trong tỉnh vẫn duy trì học trực tiếp. Theo Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học, Sở GD - ĐT Bắc Giang Hà Huy Giáp, dù học trực tiếp nhưng bối cảnh dịch phức tạp nên hiện tất cả trường tiểu học trên địa bàn tỉnh đều chuẩn bị sẵn sàng 5 phòng học trực tuyến với đủ máy tính, camera, đường truyền internet… Nếu có học sinh ảnh hưởng bởi Covid-19 bị cách ly, giáo viên dạy trực tiếp, phát trực tuyến để học sinh được học đồng thời với các bạn.

Còn tại các trường học được đi học trở lại, Sở GD-ĐT Bắc Giang cũng yêu cầu các trường học thực hiện phân luồng học sinh đến trường; đồng thời, phân khu vực để giảm tiếp xúc giữa các lớp học, giáo viên dạy ở nhiều lớp hạn chế tiếp xúc gần với học sinh. Ngoài ra, nhà trường nhắc nhở phụ huynh tự kiểm tra thân nhiệt cho học sinh, chủ động cho con nghỉ học nếu có biểu hiện ho sốt, tiếp xúc với các nguồn lây Covid - 19.

Sau 2 năm ứng phó dịch bệnh Covid-19, các địa phương đã khá nhuần nhuyễn trong việc chuyển trạng thái tổ chức dạy học

Chủ động các phương án

Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, tính đến hết ngày 1.11, cả nước có 22 tỉnh, thành phố thực hiện dạy học trực tiếp; 16 tỉnh, thành phố kết hợp dạy học trực tiếp, trực tuyến và qua truyền hình; 25 tỉnh, thành phố thực hiện dạy trực tuyến và qua truyền hình... Tuy nhiên, đến nay, các tỉnh Thanh Hóa, Hà Giang, Nam Định, Vĩnh Phúc đã ra khỏi danh sách “học trực tiếp hoàn toàn” khi xuất hiện dịch và buộc phải chuyển sang học online. Do đó, công tác phòng, chống dịch bệnh tại các nhà trường được siết chặt hơn bao giờ hết.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ nhận định: “Quá trình dạy học trực tiếp, một số tỉnh phát sinh ca nhiễm mới nên lại chuyển từ “vùng xanh” thành “vùng đỏ”. Tình trạng này có thể còn xuất hiện trong thời gian tới. Do đó, các cơ sở giáo dục xác định phải chuyển trạng thái từ dạy học trực tuyến/dạy học qua truyền hình là giải pháp tình thế sang chủ động, có kế hoạch dạy học theo hình thức này. Đây cũng là cách để ngành giáo dục có thể đạt được 3 mục tiêu: An toàn vì dịch, hoàn thành chương trình năm học và kiên trì mục tiêu chất lượng”.

Bộ GD-ĐT lưu ý từng tỉnh, thành phố cần tiếp tục triển khai hiệu quả các giải pháp phù hợp với điều kiện thực tế theo từng thời điểm, từng vùng; xây dựng phương án, kịch bản tổ chức dạy học theo học kỳ, thậm chí là từng tháng. Tùy điều kiện thực tế diễn biến dịch, các địa phương/địa bàn cần linh hoạt áp dụng phương thức dạy học trực tiếp, trực tuyến và qua truyền hình. Trong đó, với những vùng học sinh không thể tới trường, ưu tiên dạy học trên truyền hình với lớp 1, lớp 2; học sinh lớp 3 đến lớp 12 sẽ chủ đạo là học trực tuyến và bổ trợ là học trên truyền hình.

Đối với các khu vực bắt đầu cho học sinh trở lại trường, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ đề nghị các trường tranh thủ tối đa “thời gian vàng” khi dịch bệnh kiểm soát được để rà soát tiến độ dạy học, đánh giá chất lượng dạy học trực tuyến, qua truyền hình để phân loại các nhóm học sinh ở mức độ tiếp thu khác nhau. Từ đó, có sự hỗ trợ khác nhau, bù đắp những điểm còn yếu, còn thiếu, đặc biệt là có giải pháp hỗ trợ nhiều hơn với học sinh gặp khó khăn hoặc không có điều kiện học trực tuyến, học qua truyền hình. Việc kiểm tra, đánh giá định kỳ theo hình thức trực tiếp tại trường cần được thực hiện sau một thời gian học sinh được ôn tập, củng cố, bổ sung nội dung kiến thức. Bộ GD - ĐT cũng lưu ý học sinh mới trở lại học trực tiếp, các trường phải tổ chức tư vấn, hỗ trợ tâm lý cho các em.

"Các nhà trường cần tranh thủ thời gian dạy học trực tiếp để thực hiện các giờ học thực hành, thí nghiệm, tổ chức các hoạt động trải nghiệm trong điều kiện bảo đảm giãn cách phòng dịch theo khuyến cáo của cơ quan y tế; tổ chức các hoạt động giáo dục trực tiếp có tác động tích cực đến tâm lý, việc rèn nền nếp, kỹ năng, phẩm chất học sinh", Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ lưu ý.

Khải Minh