Gợi mở kịch bản khôi phục kinh tế

Sẵn sàng hỗ trợ người lao động quay lại làm việc

- Thứ Năm, 23/09/2021, 04:39 - Chia sẻ
Dòng người đổ về quê tránh dịch dấy lên mối lo đứt gãy nguồn lao động khi các doanh nghiệp hoạt động trở lại. Theo Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội Đinh Ngọc Quý, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cần phối hợp với các hiệp hội doanh nghiệp lập kênh trao đổi thông tin về cung - cầu lao động. Quan trọng hơn, phải sẵn sàng phương án hỗ trợ người lao động từ quê quay lại nơi làm việc.

Nghị quyết 68 - mới giải ngân 6 nghìn tỷ đồng

- Việc thực hiện Nghị quyết 68 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do Covid-19 đến thời điểm này đạt kết quả như thế nào, thưa ông?

- Nghị quyết 68 gồm 12 chính sách hỗ trợ. Cập nhật đến đầu tháng 9 cho thấy, chính sách hỗ trợ giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đã thực hiện gần như ngay sau khi ban hành Quyết định 23 của Thủ tướng hướng dẫn triển khai và bảo đảm được hết các đối tượng theo quy định vì thủ tục đơn giản nhất. Chính sách hỗ trợ người lao động tự do các địa phương chủ động thực hiện tốt. Đối với các chính sách hỗ trợ tín dụng doanh nghiệp, đào tạo nghề duy trì lao động mặc dù đã được cho là đơn giản nhất, thời gian rút ngắn nhất thì giải ngân thực hiện khá chậm và không đạt như mong muốn…

Tính tổng thể cả 12 chính sách theo Nghị quyết 68 đã thực hiện được khoảng 12 nghìn tỷ đồng. Trong đó đã có gần 6 nghìn tỷ đồng là phần hỗ trợ đối với lao động tự do và về bản chất không tính vào nguồn kinh phí 26 nghìn tỷ đồng dự kiến thực hiện Nghị quyết. Do đó, thực chất mới chỉ giải ngân được khoảng 6 nghìn tỷ đồng.

Có thể thấy, khi thiết kế Nghị quyết 68 chúng ta rất nỗ lực và hy vọng đáp ứng được tốt hơn với nhu cầu vô cùng khó khăn của người lao động và người sử dụng lao động. Mặc dù được Chính phủ quan tâm, Thủ tướng sát sao, các cơ quan chức năng đôn đốc quyết liệt nhưng việc thực hiện Nghị quyết 68 vẫn tiếp tục gặp khó khăn và chưa đạt được như kỳ vọng.

- Cần có thêm chính sách nào hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động để nhanh phục hồi nền kinh tế sau đợt giãn cách thứ 4, thưa ông?

- Với bối cảnh quy mô nền kinh tế còn hạn chế, ngân sách nhà nước khó khăn thì việc ưu tiên cho cả trước mắt và lâu dài vẫn là tiêm vaccine. Cùng với đó, rà soát Nghị quyết 68 và Quyết định 23 để sửa đổi nhằm hỗ trợ thuận lợi hơn, nhanh hơn và bớt các điều kiện ràng buộc trong cho vay hỗ trợ.

Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cần tính toán về mức độ an toàn của Quỹ Bảo hiểm xã hội để đề xuất việc điều chỉnh, ít nhất là việc chậm đóng các Quỹ bảo hiểm xã hội bắt buộc, nhất là các Quỹ có tính chất ngắn hạn. Từ đó, doanh nghiệp giảm bớt chi phí trong thời gian đầu của hậu Covid-19. Cùng với đó, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam có thể sử dụng nguồn lực của công đoàn để việc hỗ trợ trực tiếp người lao động theo từng nhóm tiêu chí.

Các địa phương có nhiều lao động trở về do dịch Covid-19 cần tính phương án hỗ trợ tạo việc làm giúp họ ổn định cuộc sống. Đối với các doanh nghiệp tùy theo tình hình thỏa thuận với người lao động tiếp tục chia sẻ khó khăn như điều chỉnh mức lương, thời gian làm việc, cam kết các phúc lợi trả chậm, cam kết kéo dài hợp đồng lao động… nhằm giữ chân người lao động.

Bảo đảm an sinh trong mọi hoàn cảnh

Nguồn: ITN
Nguồn: ITN

- Dòng lao động đổ về quê tránh dịch gây ra mối lo ngại đứt gãy nguồn cung lao động khi các doanh nghiệp khôi phục sản xuất, kinh doanh. Theo ông, có giải pháp nào cho vấn đề này?

- Theo báo cáo sơ bộ của Cục Việc làm, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, nhu cầu tuyển dụng ở một số địa phương bắt đầu có dấu hiệu phục hồi kể cả ở những địa bàn 19 tỉnh, thành phố phía Nam.

Trước mắt, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cần phối hợp chặt chẽ với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), các hiệp hội doanh nghiệp lập các kênh trao đổi nắm bắt thông tin nhanh nhất về nguồn cung - cầu lao động, phối hợp với các địa phương để chủ động hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tuyển dụng. Quan trọng hơn, phải sẵn sàng phương án hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động trong quá trình họ dịch chuyển từ quê quay lại nơi làm việc nhằm vừa bảo đảm cung ứng lao động vừa tuân thủ an toàn phòng, chống dịch Covid-19.

- Chính phủ đang xây dựng kịch bản phục hồi kinh tế, theo ông, cần chú ý điều gì?

- Tôi cho rằng khó duy trì được mức và tốc độ tăng trưởng kinh tế của năm 2021 theo Nghị quyết Quốc hội đã đề ra về GDP, chỉ tiêu giảm nghèo... Vấn đề chính yếu hiện nay là cố gắng phấn đấu đạt được mức cao nhất về các chỉ tiêu đã đề ra và trong bất kỳ hoàn cảnh nào vẫn phải bảo đảm an sinh xã hội, nhất là với người có công với cách mạng, gia đình chính sách, các đối tượng yếu thế. Đồng thời, vẫn phải bảo đảm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 nhưng có điều chỉnh để phù hợp với tiến trình tiêm vaccine, từng bước phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Tôi tán thành với quan điểm vẫn phải là Tiết kiệm - Đẩy mạnh giải ngân đầu tư công - Nhanh chóng phục hồi kinh tế - Đẩy mạnh chuyển đổi số toàn diện để đáp ứng với tình hình mới sau đại dịch.

- Xin cảm ơn ông!

Vũ Quang