Điều trị bệnh nhân Covid-19

Sẵn sàng mọi nguồn lực

- Thứ Sáu, 06/08/2021, 18:33 - Chia sẻ
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, công tác điều trị bệnh nhân Covid-19 là vấn đề khó trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp. Thực tế đó đòi hỏi, cùng với việc phân tầng điều trị nhằm đánh giá mức độ nguy cơ, xác định nhu cầu điều trị phù hợp; các địa phương cần rà soát nhân lực làm hồi sức và chuẩn bị trang thiết bị, vật tư y tế cho phòng, chống dịch.

Phân tầng điều trị phù hợp

Theo Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế Nguyễn Trọng Khoa, đối mặt với lượng bệnh nhân Covid-19 tăng liên tục thời gian qua, việc phân loại nguy cơ sẽ giúp hệ thống y tế tránh áp lực quá tải, không bị lúng túng trong điều trị. Vì vậy, Bộ Y tế đã chia hệ thống điều trị thành 3 tầng, trong đó, tầng 1 là các cơ sở thu dung điều trị ban đầu; tầng 2 là nơi thu dung điều trị cho các trường hợp bệnh nhân có các yếu tố nguy cơ như mắc các bệnh lý nền, người cao tuổi, phụ nữ mang thai…; tầng 3 là tầng điều trị cho các trường hợp diễn biến nặng cần chăm sóc, can thiệp, điều trị chuyên sâu hơn. Với mỗi tầng như vậy, sẽ bố trí nguồn lực phù hợp để nâng cao hiệu quả điều trị. 

Để mô hình này phát huy hiệu quả cao hơn, Bộ Y tế đã ban hành quyết định phê duyệt tiêu chí phân loại nguy cơ người nhiễm SARS-CoV-2. Theo đó, các bệnh nhân Covid-19 được chia thành 4 nhóm như nguy cơ thấp (màu xanh), nguy cơ trung bình (màu vàng), nguy cơ cao (màu da cam), nguy cơ rất cao (màu đỏ). Việc phân loại nguy cơ giúp bệnh viện, nhân viên y tế làm nhiệm vụ tiếp cận đầu tiên với người bệnh xác định được người bệnh ở mức độ nguy cơ nào, từ đó phân bổ cơ sở thu dung điều trị, bố trí nguồn lực nhân viên y tế và trang thiết bị phù hợp. 

Huy động y tế tư nhân tham gia điều trị bệnh nhân Covid-19

Nguồn: ITN 

Chia sẻ thêm về nội dung này, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh, tầng 1 không nên chọn các cơ sở y tế mà nên chọn các cơ sở cách ly F1 để triển khai thiết lập địa điểm theo dõi sức khỏe. Đối với những bệnh nhân không có triệu chứng phân bổ vào điều trị ở tầng này, sau điều trị 7 ngày nếu xét nghiệm âm tính, chỉ số tải lượng virus thấp (CT > 30), cần cho ra viện. Nếu bệnh nhân có triệu chứng trung bình thì đưa vào điều trị tại cơ sở y tế tuyến quận, huyện - tầng thứ 2 của tháp điều trị. Tại tuyến điều trị này, phải có hệ thống oxy và oxy trung tâm, trang bị máy thở HFNC để sẵn sàng điều trị cho bệnh nhân khi cần. Nếu bệnh nhân diễn biến nặng cần đưa ngay lên tầng 3 - tầng điều trị cao nhất. Tại tầng điều trị này, các địa phương phải thiết lập khu vực điều trị hồi sức tích cực.

“Việc phân tầng điều trị rất quan trọng, trong đó, chú ý tới điều tiết bệnh nhân đến các tầng phù hợp, tránh đưa bệnh nhân chưa nặng lên tầng cao, tránh để bệnh nhân có nguy cơ tử vong ở tầng 1 và tầng 2. Việc điều phối, vận chuyển bệnh nhân, tiếp nhận bệnh nhân phải được thực hiện bài bản” - Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long lưu ý.

Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy TS.BS. Lê Quốc Hùng cho rằng, công tác đánh giá mức độ nguy cơ cần được thực hiện bởi nhân viên y tế và cả bản thân người bệnh. Người bệnh cần khai báo ngay khi có triệu chứng lâm sàng, nghi ngờ nhiễm bệnh hoặc gọi cấp cứu khi có dấu hiệu nặng, từ đó giúp nhân viên y tế đánh giá và phân loại kỹ lưỡng, đưa người bệnh đến các cơ sở y tế phù hợp với mức độ nguy cơ.

Huy động y tế tư nhân tham gia điều trị bệnh nhân Covid-19    

Nguồn: ITN 

Huy động y tế tư nhân tham gia chống dịch

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, điều quan trọng trong giai đoạn hiện nay là phải đưa F0 ra khỏi cộng đồng càng nhanh càng tốt, do đó, các địa phương phải chuẩn bị mọi nguồn lực cho điều trị để không bị động, lúng túng. Trong đó, yếu tố nhân lực đóng vai trò hết sức quan trọng. Ngay bây giờ, kể cả các địa phương chưa có dịch cần phải rà soát ngay nhân lực biết sử dụng máy thở, tập huấn lại trên toàn tuyến. 

Để tăng cường nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch, Bộ Y tế đã có văn bản gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố đề nghị huy động sự tham gia của các cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân. Theo đó, cả y tế công lập và tư nhân phải đồng hành chống dịch; chủ động đăng ký số lượng nhân sự có thể đảm đương công việc điều trị hồi sức và vận hành máy thở. Nhiều chuyên gia cho rằng, các bệnh viện, các cơ sở y tế tư nhân nên đăng ký chính thức với Sở Y tế số giường dành cho chăm sóc sức khỏe thông thường và số giường dành cho điều trị bệnh nhân Covid-19, giúp địa phương điều phối bệnh nhân phù hợp. 

Huy động y tế tư nhân tham gia điều trị bệnh nhân Covid-19

Nguồn: ITN 

Thực tế, thời gian qua, tại TP. Hồ Chí Minh, các bệnh viện, cơ sở y tế tư nhân đã chủ động tham gia công tác điều trị bệnh nhân Covid-19, "chia lửa" cùng y tế công lập. Trong đó, phải kể tới Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Hoàn Mỹ Thủ Đức (TP. Hồ Chí Minh) - bệnh viện duy nhất chuyển đổi công năng 100% thành Bệnh viện điều trị Covid-19 Hoàn Mỹ Thủ Đức.

Được biết, chỉ trong 7 ngày, bệnh viện đã gấp rút chuyển đổi công năng, tập trung mọi nguồn nhân lực và trang thiết bị y tế cho điều trị. Theo đó, một bình oxy lỏng với dung tích 6.000 lít đã được lắp đặt sẵn sàng, 100 giường được trang bị thiết bị y tế đầy đủ, 2 giường hồi sức nguy kịch đặt trong phòng áp lực âm, ngăn vách bên ngoài với 2 lớp kính, thuốc men vật tư y tế được bố trí theo đúng kế hoạch. Ngay trong ngày đầu tiên (2.8), bệnh viện đã tiếp nhận nhiều người bệnh Covid-19 có bệnh nền theo quy định điều trị của Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh. Tất cả các công tác tiếp nhận người bệnh được thực hiện nhanh chóng, an toàn, bảo đảm chăm sóc sức khỏe cho người bệnh chu đáo, kịp thời. 

Dương Cầm