Điều trị bệnh nhân Covid-19

Sẵn sàng mọi nguồn lực

- Thứ Bảy, 24/07/2021, 05:45 - Chia sẻ
Nhằm thực hiện mục tiêu không để hệ thống y tế quá tải, hạn chế tối đa tỷ lệ tử vong theo yêu cầu của Bộ trưởng Bộ Y tế, cùng với việc rà soát và bảo đảm nhân lực; ngành y tế cũng lên phương án chủ động về trang thiết bị, vật tư tiêu hao, oxy y tế, phương tiện phòng hộ cá nhân, thuốc thiết yếu; bảo đảm sẵn sàng điều trị cho bệnh nhân Covid-19.
Bảo đảo nhân lực cho công tác điều trị bệnh nhân Covid-19
Nguồn: Bộ Y tế

Bảo đảm nhân lực cho điều trị 

Nhiều chuyên gia y tế cho rằng, khi số trường hợp bệnh nhân mắc Covid-19 gia tăng, theo một tỷ lệ thuận nhất định; số lượng bệnh nhân có triệu chứng, bệnh nhân nặng, nguy kịch cũng gia tăng theo, sẽ tạo nên gánh nặng không hề nhỏ trên vai những nhân viên y tế tham gia khối điều trị. 

Theo chia sẻ từ Phó Giám đốc Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Hữu Hưng, công tác điều trị tại đây có nhiều tiến triển tích cực, dự kiến số bệnh nhân xuất viện thời gian tới sẽ khoảng 1.000 người/ngày; hiện hơn 35.000 bệnh nhân đang được điều trị và ngành y tế thành phố đã chuẩn bị sẵn sàng 59.000 giường để đáp ứng nhu cầu thu dung điều trị cho các bệnh nhân Covid-19.

Với cách tính thông thường từ các chuyên gia quản trị bệnh viện, mỗi 1.000 giường bệnh cần tương đương khoảng 2.000 nhân sự, thì với con số hơn 35.000 bệnh nhân đang được điều trị hiện nay, sẽ cần nhân lực khổng lồ lên đến 70.000 người. Đó là chưa kể các trường hợp bệnh nhân nặng, nguy kịch thì trung bình 1 bệnh nhân sẽ cần từ 3 nhân viên y tế trở lên để tham gia chăm sóc, điều trị.

Vì vậy, để bảo đảm nhân sự phục vụ cho công tác điều trị tại TP. Hồ Chí Minh, ngành y tế thành phố đã huy động nguồn nhân lực từ nhiều đơn vị, bệnh viện; song song với đó là nguồn nhân lực được hỗ trợ từ các bệnh viện trực thuộc Trung ương đóng trên địa bàn như Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương, Bệnh viện Thống Nhất, Bệnh viện Quân Y 175… Thêm vào đó là lực lượng chi viện từ nhiều đơn vị, bệnh viện thuộc nhiều tỉnh, thành trên cả nước.

Với tỉnh Đồng Nai, trước tình hình diễn biến dịch tiếp tục phức tạp và khó lường, tỉnh đang dồn sức thiết lập nhanh các bệnh viện dã chiến, bệnh viện chuyên điều trị Covid-19 và khẩn trương hoàn thiện đưa vào sử dụng Trung tâm Hồi sức tích cực (ICU). Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai Phan Huy Anh Vũ cho biết, hiện tỉnh đã triển khai các đơn vị điều trị Covid-19 với quy mô đạt 3.000 giường. Hiện nay, ngành y tế Đồng Nai tiếp tục tìm thêm giường bệnh, dự kiến đến hết tuần này, sẽ có thêm 1.000 giường nữa, đưa số giường điều trị bệnh nhân Covid-19 của tỉnh này lên 4.000 giường.

Tuy nhiên, thiếu nhân lực y tế cũng là khó khăn lớn với địa phương này. Toàn tỉnh Đồng Nai hiện có khoảng 8.000 nhân viên y tế, trong khi dịch bệnh có thể còn kéo dài, lực lượng nhân viên y tế phải căng mình làm nhiều nhiệm vụ khác nhau. Vì vậy, theo tính toán của Sở Y tế Đồng Nai, để bảo đảm nguồn nhân lực phục vụ công tác điều trị bệnh nhân Covid-19, tỉnh cần 309 bác sĩ chuyên khoa; riêng lực lượng điều dưỡng là gần 700 người, chưa kể kỹ thuật viên y tế…

Trong buổi làm việc với ngành y tế Đồng Nai mới đây, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế Cao Hưng Thái lưu ý rằng, các thầy thuốc Bệnh viện Bạch Mai hiện đang có mặt tại Đồng Nai ngoài tham gia điều trị bệnh nhân Covid-19, cần tiếp tục tổ chức các lớp đào tạo về hồi sức. Bộ Y tế sẽ bổ sung trang thiết bị y tế cho Đồng Nai từ kho dã chiến đặt tại TP. Hồ Chí Minh, đồng thời, huy động nhân lực chi viện cho Đồng Nai. 

Chủ động về trang thiết bị y tế

Cùng với việc bảo đảm nhân lực cho công tác điều trị, việc chủ động về trang thiết bị y tế cũng là yêu cầu cấp thiết đặt ra. Chính vì vậy, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngay ngày 17.7.2021, Bộ Y tế đã quyết định thành lập Kho dã chiến tại Bệnh viện Chợ Rẫy để tập kết vật tư, trang thiết bị y tế hỗ trợ TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam.

Ngay sau đó, Bộ Y tế đã chuyển đến kho trang thiết bị này 399 máy thở các loại (trong đó, có 299 máy thở chức năng cao, máy xâm nhập và không xâm nhập để điều trị cho các bệnh nhân nặng, nguy kịch). Tập đoàn Vingroup đã chuyển 800 máy thở do Tập đoàn sản xuất để hỗ trợ TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh. Cùng với đó, Bộ Y tế đã chuyển 3 hệ thống ECMO (2 cho TP. Hồ Chí Minh và 1 cho Đồng Nai); 32 máy lọc máu liên tục; 113 máy theo dõi bệnh nhân, 290 máy tạo oxy, 221 bơm tiêm điện, 160 máy truyền dịch, 13 máy phun khử khuẩn đến kho dự trữ này. Ngoài số trang thiết bị trên, Bộ Y tế cũng đã chuyển 60 hệ thống thở oxy dòng cao đến kho. 

Về vật tư y tế, trong kho dã chiến sẵn sàng cho công tác chống dịch, đến nay, đã có 125.000 khẩu trang N95; 14.500 bộ quần áo chống dịch các loại; 12.000.000 khẩu trang y tế. Trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ tiếp tục điều chuyển một số vật tư, trang thiết bị điều trị cho các tỉnh, thành phía Nam trên cơ sở đề xuất, đề nghị của Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế GS.TS Nguyễn Thanh Long, để bảo đảm trang thiết bị y tế, vật tư tiêu hao phục vụ công tác phòng, chống dịch, Bộ Y tế đã lên phương án đàm phán trực tiếp để mua test từ các nhà sản xuất nước ngoài và thúc đẩy sản xuất trong nước. Đồng thời, phối hợp với Bộ Ngoại giao, Bộ Tài chính… đàm phán mua máy móc phục vụ điều trị và hồi sức cho bệnh nhân Covid-19.

Thảo Mộc