Sẵn sàng trở thành trung tâm chế biến nông sản lớn nhất

- Thứ Năm, 22/07/2021, 06:28 - Chia sẻ
Là tỉnh có nhiều mặt hàng nông sản thuộc danh mục 15 sản phẩm chủ lực quốc gia, Đồng Nai quyết tâm phấn đấu trở thành trung tâm chế biến nông sản cả nước. Tỉnh xác định, kết nối nông nghiệp với công nghiệp chế biến và xuất khẩu là giải pháp cho phát triển bền vững và hội nhập sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Thu hút nhiều doanh nghiệp đầu tư

Ngành công nghiệp chế biến nông sản và thực phẩm chiếm 21% trong sản xuất công nghiệp của tỉnh. Các doanh nghiệp trên lĩnh vực chế biến nông sản và thực phẩm gồm có doanh nghiệp có vốn đầu tư trong nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Sản phẩm làm ra tiêu thụ ở cả thị trường nội địa lẫn xuất khẩu, trong đó trên 60% sản lượng hàng hóa xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới.

Từ năm 2018, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN-PTNT) đã chú trọng thúc đẩy toàn diện lĩnh vực chế biến, từ khâu sơ chế, bảo quản đến chế biến tinh và chế biến sâu. Phát triển hệ thống chế biến gắn kết với vùng nguyên liệu, có thiết bị hiện đại, mang tầm khu vực và thế giới. Có chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư vào nông nghiệp, vì thế các địa phương nên tập trung tổ chức triển khai để thu hút doanh nghiệp tham gia.

Đối với Đồng Nai, tỉnh hiện đang tập trung triển khai Đề án “Nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm nông nghiệp trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế”. Trong đó, các mặt hàng chủ lực như cao su, cà phê, điều, hồ tiêu, trái cây tươi… có nhiều lợi thế cạnh tranh khi tham gia thị trường xuất khẩu vì có diện tích lớn, nhất là đã thu hút được nhiều tập đoàn lớn đầu tư chế biến sâu các mặt hàng này. Bên cạnh đó, với tổng diện tích cây ăn trái gần 70 nghìn ha, cây công nghiệp gần 99 nghìn ha, tỉnh có nhiều lợi thế để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chế biến. 

Hiện nay trên phạm vi cả nước có 20 nhà máy chế biến cà phê hòa tan nguyên chất, cà phê hòa tan phối trộn với tổng công suất trên 75 nghìn tấn/năm, thì chỉ tính riêng 3 nhà máy chế biến ở Đồng Nai là Vinacafé Biên Hòa, Nestlé Việt Nam và Nhà máy sản xuất cà phê hòa tan Tín Nghĩa đã chiếm khoảng 2/3 sản lượng cả nước.

Tỉnh đã thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư chế biến sâu cho dòng sản phẩm cà phê, kể cả những tập đoàn lớn hay những doanh nghiệp tư nhân. Đơn cử như, Nestlé Việt Nam đã đưa vào hoạt động dây chuyền sản xuất viên nén NESCAFÉ Dolce Gusto với công suất 2.500 tấn cà phê/năm tại Khu công nghiệp AMATA. Công ty CP Cà phê Tín Nghĩa cũng đầu tư nhà máy cà phê hòa tan 3.200 tấn thành phẩm/năm tại Khu công nghiệp Nhơn Trạch 3.

Tỉnh cũng khuyến khích các doanh nghiệp tập trung nghiên cứu sâu về các ngành hàng nông sản; xây dựng cơ sở dữ liệu về ngành hàng, sản phẩm đặc trưng của địa phương để có hướng xây dựng các chuỗi liên kết với chính sách phù hợp. Tỉnh cũng đặt ra những mục tiêu, mục đích cụ thể trong hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư từ trong tỉnh, ở cấp quốc gia và quốc tế để phát triển ngành chế biến cho các sản phẩm thế mạnh của địa phương.

Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng nhấn mạnh, tỉnh ưu tiên mời gọi các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chế biến sâu nông sản, thực phẩm để hạn chế xuất khẩu thô, nhằm nâng giá trị gia tăng cho nông sản. Hiện tỉnh còn nhiều diện tích đất sản xuất nông nghiệp và đang hình thành các vùng chuyên canh sản xuất theo hướng hàng hóa. Do đó, các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chế biến nông sản thực phẩm sẽ được tỉnh hỗ trợ hình thành chuỗi liên kết từ sản xuất đến chế biến và xuất khẩu.

Đồng Nai thu hút doanh nghiệp đầu tư chế biến nông sản
Nguồn: ITN

Xây dựng 2 cụm công nghiệp chế biến sâu nông sản 

Các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp đầu tư tại Đồng Nai luôn được chính quyền địa phương tạo mọi điều kiện để phát triển. Gần đây, nhiều hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và các nước chính thức có hiệu lực đã mở ra cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu cũng như khuyến khích hơn nữa các nhà đầu tư vào ngành chế biến nông sản.

Đề ra mục tiêu nâng cao giá trị cho nông sản và phát triển ngành nông nghiệp bền vững, tỉnh đang triển khai nhiều đề án, chương trình thu hút đầu tư phát triển khâu chế biến, bảo quản. Trong đó, triển khai thực hiện 2 cụm công nghiệp điểm trong lĩnh vực chế biến nông sản là Cụm công nghiệp Phú Túc (huyện Định Quán) và Cụm công nghiệp Long Giao (huyện Cẩm Mỹ). Bên cạnh đó, những vướng mắc trong quá trình triển khai nghị định 57 của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn cũng được tập trung tháo gỡ nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp dễ tiếp cận hơn những chính sách ưu đãi của Nhà nước.

Giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam Nguyễn Hồng Sơn cho rằng, tỉnh phải gắn kết được các vùng trồng với các nhà máy chế biến trên cơ sở tính toán kỹ từng bước đi để tránh tình trạng “trồng rồi lại chặt”. Ngoài ra, cần lưu ý đầu tư khu bảo quản, kho trữ nguyên liệu cho chế biến để khắc phục tính chất thời vụ của nông sản. Mặt khác, doanh nghiệp đầu tư nhà máy chế biến cần quan tâm đến các giải pháp cho nhà máy hoạt động hiệu quả hơn; tính toán gần vùng nguyên liệu để giảm chi phí đầu vào; tập trung vào những mặt hàng có lợi ở địa phương.

Mặc dù vậy, đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp chế biến có nhiều khó khăn vì đòi hỏi nguồn vốn rất lớn. Ông Hồ Quốc Thái, Chủ tịch HĐQT Công ty CP công nghệ thực phẩm Lương Gia (TP. Long Khánh) cho biết, “chúng tôi đầu tư 2 nhà máy chế biến nông sản ở TP. Long Khánh và huyện Nhơn Trạch nên cần vốn đầu tư lớn. Tuy chính sách có nhưng doanh nghiệp rất khó tiếp cận nguồn vốn ưu đãi. Những chính sách hỗ trợ khác của Nhà nước không thiếu và rất tốt nhưng vẫn chưa đi vào thực tế. Doanh nghiệp mong có được sự đồng hành của Nhà nước trong việc xây dựng vùng nguyên liệu cho chế biến”.

Thảo Anh