Sẵn sàng ứng phó với áp thấp nhiệt đới có thể mạnh lên thành bão

- Thứ Tư, 07/07/2021, 16:13 - Chia sẻ
Tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai tổ chức cuộc họp về công tác ứng phó với áp thấp nhiệt đới trên biển Đông ngày 7.7, ông Trần Quang Hoài, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai (Bộ NN-PTNT) nhấn mạnh, phải theo dõi chặt chẽ tình hình áp thấp nhiệt đới đặc biệt là tình hình mưa lớn, lũ, lũ quét, sạt lở đất... để có những kịch bản ứng phó hiệu quả, đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân.

Nhiều địa phương cấm biển, chủ động phương tiện ứng phó

Khả năng trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão, đổ bộ vào đất liền rất nhanh. Từ chiều ngày 7.7, nhiều tỉnh, thành khu vực Bắc Bộ sẽ có mưa to đến rất to; các tỉnh miền núi cần đề phòng hiện tượng lũ quét và sạt lở đất.

Tổng cục trưởng Tổng cục phòng, chống thiên tai Trần Quang Hoài phát biểu tại cuộc họp
Tổng cục trưởng Tổng cục phòng, chống thiên tai Trần Quang Hoài phát biểu tại cuộc họp
Nguồn: ITN 

Theo Vụ Quản lý Đê điều, hiện đê biển, đê cửa sông khu vực từ Quảng Ninh - Hà Tĩnh có 33 vị trí đê điều xung yếu gồm 24 đoạn đê (với chiều dài 37,22 km) và 9 cống dưới đê (Quảng Ninh 2, Hải Phòng 10, Thái Bình 10, Nam Định 6, Ninh Bình 2, Thanh Hoá 3). Có 5 công trình đê điều đang thi công trên các tuyến đê biển, đê cửa sông (Thái Bình 2, Nam Định 1, Nghệ An 1). Các địa phương thực hiện gia cố công trình đang thi công và sẵn sàng phương án bảo vệ.

Để ứng phó với áp thấp nhiệt đới có thể mạnh lên thành bão, đến 6 giờ sáng 7.7, Bộ đội Biên phòng, đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 54.386 phương tiện với 232.828 người, trong đó hoạt động ơn khu vực nguy hiểm là 77 tàu với 552 người; hoạt động tại các khu vực khác là 9.348 tàu với 52.162 người; neo đậu tại bến là 44.961 tàu với 180.114 người.

Các tỉnh Quảng Ninh, Thanh Hoá dự kiến cấm biển từ 13 giờ ngày 7.7, tỉnh Thái Bình cấm biển từ 12 giờ ngày 7.7.

Thượng tá Nguyễn Đình Hưng, Phó trưởng phòng Cứu hộ cứu nạn (Bộ Tham mưu - Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng), cho biết đến 6 giờ sáng nay, đơn vị đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 54.386 tàu/232.828 người biết hướng di chuyển của áp thấp nhiệt đới để chủ động phòng tránh.

“Hiện còn 77 tàu/552 người đang di chuyển ra khỏi vùng nguy hiểm. Đối với các tàu hoạt động ở quần đảo Hoàng Sa ngày hôm qua, đơn vị đã đôn đốc các tàu di chuyển ra khỏi vùng nguy hiểm. Đến 6 giờ sáng nay, chưa có thiệt hại ở khu vực quần đảo Hoàng Sa, hiện cơ bản các phương tiện đã nằm ngoài vùng nguy hiểm. Ngoài ra, lực lượng biên phòng các tỉnh đã yêu cầu 7.858 người dân ở trên lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy hải sản vào bờ trước khi áp thấp nhiệt đới đổ bộ”, Thượng tá Nguyễn Đình Hưng thông tin.

Đại diện Cục Cứu hộ cứu nạn (Bộ Quốc phòng) cho biết Bộ Quốc phòng đã có công điện yêu cầu các đơn vị liên quan triển khai sẵn sàng lực lượng, phương tiện ứng phó khi có sự cố xảy ra với tổng số 264.000 người ứng trực và 1.979 phương tiện.

Không chủ quan, lơ là

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Tổng cục trưởng Tổng cục phòng, chống thiên tai Trần Quang Hoài cho biết, mặc dù áp thấp nhiệt đới không lớn nhưng các hình thế thời tiết nguy hiểm như dông lốc, lũ quét có thể gây thiệt hại về người và tài sản nếu chủ quan lơ là.

Ông Hoài đề nghị lực lượng Bộ đội Biên phòng phối hợp với các địa phương căn cứ vào tình hình thực tế của áp thấp thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của áp thấp nhiệt đới để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm. Trong chiều và đêm nay phải đưa toàn bộ dân trên lồng bè, chòi canh lên bờ; đề nghị biên phòng từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa bắn pháo hiệu để báo áp thấp nhiệt đới cho người dân sơ tán.

Tổ chức theo dõi, kiểm đếm tàu thuyền đang hoạt động trong khu vực ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, giữ thông tin liên lạc thường xuyên với chủ các phương tiện để xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra; kiểm tra hướng dẫn neo đậu tàu thuyền tại bến; quản lý chặt chẽ phương tiện ra khơi.

Đối với khu vực đê xung yếu, Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai yêu cầu các địa phương phải có phương án ứng phó, dừng thi công các đê điều đang thực hiện.

Đối với tuyến đất liền, dự báo mưa lớn nên cần chủ động rà soát, sẵn sàng phương án sơ tán dân ra khỏi khu vực có nguy cơ sạt lở đất ở miền núi, đặc biệt kiểm tra, rà soát nhà ở không an toàn, các khu dân cư tại các khu vực nguy cơ cao, và có phương án đảm bảo an toàn cho các thí sinh thi tốt nghiệp THPT khi có mưa lớn, giông lốc xảy ra.

Bên cạnh đó, các khu vực nuôi trồng hải sản không được chủ quan, người dân hiện sống trong trên các lồng bè, chòi canh cần sơ tán vào đất liền; các khu sơ tán thực hiện các biện pháp 5K trong tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp.

“Trưa 7.7, Tổng cục phòng, chống thiên tai sẽ cử cán bộ trực tiếp xuống Nam Định, Thái Bình để cùng địa phương trực, theo dõi diễn biến thiên tai, việc bắn pháo hiệu cảnh báo... Tại Hà Nội, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai Nguyễn Văn Tiến sẽ họp với bộ phận trực ban để chỉ đạo công tác phòng chống thiên tai phù hợp đối với các địa phương để có hướng dẫn ứng phó kịp thời và hiệu quả”, ông Trần Quang Hoài nhấn mạnh.

Thảo Anh