San sẻ áp lực về vaccine

- Thứ Bảy, 17/07/2021, 06:36 - Chia sẻ
Trong khi ngày càng nhiều người dân, doanh nghiệp mong muốn có cơ chế mua vaccine tiêm chủng cho các đơn vị có nhu cầu và tổ chức tiêm dịch vụ, thì hôm qua, An Giang đã họp khẩn xem xét xử lý một bệnh viện tư nhân tại địa phương này thông báo tiêm vaccine Covid-19 dịch vụ.

Bệnh viện này chưa có nguồn cung chắc chắn, nước ta cũng chưa có chính sách, lộ trình về việc mua vaccine và tiêm chủng cho các nhóm ngoài nhóm ưu tiên nên không có cơ sở để bệnh viện tư nhân nêu trên nhận tiêm dịch vụ. Nhưng có thể thấy, nhu cầu tiêm vaccine dịch vụ phòng Covid-19 rất lớn. Chỉ trong vài ngày thông báo nhận đặt trước tiêm dịch vụ với giá dự kiến 1,5 triệu đồng/mũi, bệnh viện nhận được đăng ký của hơn 36.000 người. Trước đó, Công ty Cổ phần Vắc-xin Việt Nam (VNVC) cũng cho biết, có hơn 1 triệu khách hàng là cá nhân, doanh nghiệp đăng ký tiêm vaccine Covid-19 trên hệ thống tiêm chủng của VNVC dù đơn vị này chưa công bố thời gian triển khai, giá tiền cho mỗi liều vaccine.

Trong kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm chủng lớn nhất lịch sử từ tháng 7.2021 đến tháng 4 năm sau, Bộ Y tế đưa ra 16 nhóm đối tượng và 4 nhóm tỉnh, thành được ưu tiên tiêm vaccine Covid-19. Nhiều tổ chức, cá nhân không nằm trong danh sách thuộc diện ưu tiên được tiêm mong muốn được tiêm dịch vụ bởi với họ “trả tiền cũng là đóng góp, giảm gánh nặng cho ngân sách”. Nhiều doanh nghiệp cũng cần một cơ sở tiêm vaccine dịch vụ có chất lượng để họ tổ chức tiêm cho công nhân lao động, an tâm sản xuất.

Chính phủ đã có nhiều cơ chế “mở” như khuyến khích các địa phương chủ động tìm nguồn cung ứng và cắt giảm các thủ tục cản trở để sớm nhập khẩu được vaccine. Đầu tháng 6, Bộ Y tế công bố danh sách 36 doanh nghiệp được cấp phép nhập khẩu, bảo quản, vận chuyển vaccine ở Việt Nam. Dù đã được tạo điều kiện tối đa, nhưng để doanh nghiệp nhập được vaccine về Việt Nam là chặng đường khó khăn. Đến nay, cũng chỉ mới 2 công ty là VNVC mua được 30 triệu liều vaccine của AstraZeneca và Công ty Dược Sài Gòn được nhập 5 triệu liều vaccine Sinopharm.

Một nguyên nhân khiến nhiều doanh nghiệp tỏ ra ngại ngần bởi thực tế chưa có cơ chế rõ ràng cho hợp tác công tư và xã hội hóa tiêm chủng vaccine Covid-19. Nhiều vấn đề như: mua được vaccine thì bán cho ai, tiến độ tiêm chủng như thế nào, các tổ chức có nhu cầu tiêm vaccine cho thành viên của mình nhưng không thuộc đối tượng ưu tiên thì cơ chế ra sao, có quyền ký hợp đồng trực tiếp với các doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng vaccine hay không hay phải ưu tiên cho đối tượng tuyến đầu… vẫn chưa được làm rõ. Nhu cầu được tiêm chủng sớm là chính đáng, vì thế cần huy động thêm những nguồn lực từ doanh nghiệp để nhập khẩu vaccine sớm hơn, nhiều đối tượng được tiêm hơn, mở rộng các hình thức tiêm, san sẻ được gánh nặng cho cơ sở y tế công lập.

Nếu tiêm chủng theo thứ tự ưu tiên như hiện nay, để đạt ngưỡng miễn dịch cộng đồng chắc chắn phải cần thời gian rất dài. Nên chăng, cùng với việc tiêm chủng cho các đối tượng ưu tiên, chúng ta cần có chính sách huy động các nguồn lực, các thành phần cùng tham gia tìm nguồn vaccine, tự trả phí? Từ đó, duy trì hai loại hình tiêm vaccine, nguồn Nhà nước thì tiêm cho người lao động, người nghèo… theo quy định, nguồn các tổ chức, doanh nghiệp thì hỗ trợ Nhà nước tiêm cho chính các tổ chức, doanh nghiệp và có thể tiêm dịch vụ?

Tất nhiên, nếu có chính sách tiêm vaccine phòng Covid-19 dịch vụ sẽ cần sự giám sát sát sao của Bộ Y tế, của Chính phủ để tránh những rủi ro như hàng giả, hàng kém chất lượng, nguy cơ vaccine hết hạn sử dụng, xử lý những biến chứng sau tiêm… Chúng ta không thể biết được đại dịch Covid-19 bao giờ sẽ chấm dứt, nên những chính sách lâu dài để ứng phó là điều cần phải tính đến. Với nhiều mũi tiến công “trợ lực” cho chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 như vậy, chúng ta hoàn toàn hy vọng sớm đạt được mục tiêu miễn dịch cộng đồng. Quan trọng hơn, việc chuyển trạng thái phòng chống dịch từ phòng ngự sang chủ động tấn công sẽ sớm đạt kết quả, có thể bắt kịp đà phục hồi của kinh tế thế giới.

Chi An