San sẻ khó khăn với người yếu thế

- Thứ Bảy, 25/09/2021, 06:55 - Chia sẻ
Cùng với cả nước, NHCSXH đã và đang nỗ lực vừa phòng chống dịch, vừa chuyển tải kịp thời nguồn vốn tới các hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách, giúp bà con khôi phục và mở rộng sản xuất. Song song đó, các cán bộ, viên chức và người lao động trên toàn hệ thống còn dành những ngày lương, những khoản tiết kiệm cá nhân để gửi đến những hoàn cảnh khó khăn và các lực lượng tuyến đầu đang căng mình giành giật sự sống cho người dân…

San sẻ gánh nặng nhà nông

Không chỉ vận động, tuyên truyền, chuyển vốn tới tận tay đối tượng thụ hưởng, động viên; khích lệ người vay phát huy tinh thần tự lực, tự cường để thay đổi cuộc sống… các cán bộ tín dụng chính sách còn kiêm cả vai kết nối quảng bá và tiêu thụ sản phẩm cho bà con. Tất cả những việc làm ấy chỉ hướng đến mục tiêu duy nhất: không để ai bị bỏ lại phía sau!

Bởi thế, khi những sản phẩm nông sản mà hộ nghèo, cận nghèo và gia đình chính sách làm ra bị ứ đọng do dịch Covid-19, gây ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống vốn đã khó khăn của bà con, khiến cho mỗi cán bộ tín dụng không thể khoanh tay đứng nhìn. Và một lần nữa, họ lại vào cuộc “giải cứu”!

Cán bộ chi nhánh NHCSXH tỉnh Quảng Ngãi hỗ trợ tiêu thụ tỏi cho người dân Lý Sơn. Nguồn: ITN
Cán bộ chi nhánh NHCSXH tỉnh Quảng Ngãi hỗ trợ tiêu thụ tỏi cho người dân Lý Sơn.
Nguồn: ITN

Đại diện UBND huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi cho biết, toàn huyện Lý Sơn có trên 325ha tỏi, mùa vụ tỏi năm nay, người dân thu hoạch với sản lượng lớn trên 2.000 tấn tỏi khô. Song, do dịch bệnh, đến nay toàn huyện mới chỉ tiêu thụ được 1/7 sản lượng tỏi với giá bán rất thấp. Hiện, vẫn còn trên 1.800 tấn tỏi chưa tiêu thụ được. Trước tình này, Chi nhánh NHCSXH tỉnh Quảng Ngãi phối hợp với Tỉnh đoàn Quảng Ngãi tổ chức chương trình “San sẻ yêu thương”, hỗ trợ kết nối giúp người dân huyện đảo Lý Sơn tiêu thụ tỏi. Kết quả ngay ngày đầu kêu gọi, Chương trình đã bán khoảng hơn 20 tấn tỏi, thu về cho bà con trên 1 tỷ đồng. Đây là nguồn động lực, thể hiện tinh thần chia sẻ, tương thân tương ái “lá lành đùm lá rách” cùng nhau chia sẻ của các cơ quan, đơn vị, cán bộ, đoàn viên giúp người dân vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, sớm ổn định cuộc sống, tránh tái nghèo.

Chung tay vì người nghèo, Công đoàn bộ phận NHCSXH huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp đã phát động toàn thể công đoàn viên hỗ trợ tiêu thụ hàng nghìn kilogam nông sản trong và ngoài tỉnh như hành tím Sóc Trăng, vải thiều Bắc Giang, khoai lang tím Châu Thành, bắp nếp Cao Lãnh và tỏi Lý Sơn (Quảng Ngãi).  

Trước đó, để hỗ trợ bà con tỉnh Bắc Giang tiêu thụ vải thiều bị ùn ứ do phải giãn cách xã hội phòng chống dịch Covid-19, Công đoàn NHCSXH đã phát động chương trình “Chung tay hỗ trợ tiêu thụ nông sản Bắc Giang”. Qua vận động, toàn thể cán bộ, viên chức và người lao động trong hệ thống đều nhiệt tình hưởng ứng và tích cực tham gia chương trình với mức mua tối thiểu 3kg/người. Đến ngày 17.6 hơn 53.000kg vải thiều Bắc Giang đã được phân phát đến từng gia đình các cán bộ.

Nghìn cánh tay cùng kết nối

Mệnh lệnh “không để ai bị bỏ lại phía sau” luôn chảy trong huyết mạch của mỗi cán bộ tín dụng chính sách. Bởi thế, mỗi khi hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách bị thiên tai, dịch bệnh tấn công thì cán bộ tín dụng chính sách luôn kịp thời có mặt để giúp bà con vượt qua khó khăn, mau chóng ổn định cuộc sống. Quan trọng hơn cả, họ đã cùng bà con bảo vệ vững chắc thành quả giảm nghèo.

Trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 từ năm 2020 đến nay cũng vậy, từ nguồn quỹ xã hội công đoàn, quỹ phúc lợi và đóng góp của cán bộ, người lao động tại đơn vị, các cấp Công đoàn NHCSXH đã thực hiện công tác an sinh xã hội với tổng số tiền hàng chục tỷ đồng. Tính riêng từ đầu năm 2021 đến nay, các đoàn viên công đoàn trong toàn hệ thống đã quyên góp, ủng hộ hơn 49.000 triệu đồng. Trong đó, đã chi 35.167 triệu đồng hỗ trợ công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại các tỉnh thành phố, đơn vị tuyến đầu, quỹ mua vaccine… Cụ thể, tháng 2.2021, ủng hộ tỉnh Quảng Ninh và Gia Lai mỗi tỉnh 200 triệu đồng; hỗ trợ 700 triệu đồng cho UBND huyện Bảo Yên (Lào Cai) để mua xe cứu thương vận chuyển bệnh nhân và phòng, chống dịch Covid-19. Tháng 5.2021 đã ủng hộ 5,1 tỷ đồng; trong đó ủng hộ tỉnh Bắc Giang - điểm nóng trong đợt dịch lần thứ 4 này là 2,3 tỷ đồng, tỉnh Bắc Ninh là 1,3 tỷ đồng, TP. Đà Nẵng 300 triệu đồng, Điện Biên 200 triệu đồng, Vĩnh Phúc 200 triệu đồng; ủng hộ Trung tâm cấp cứu 115 Hà Nội số tiền 200 triệu đồng; Bệnh viện K Tân Triều 300 triệu đồng; Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, cơ sở Kim Chung (Đông Anh, Hà Nội) 300 triệu đồng. Tại Công đoàn cơ sở NHCSXH các tỉnh, thành còn ủng hộ thêm số tiền 5,84 tỷ đồng…

Có thể thấy, tùy vào điều kiện, hoàn cảnh của từng địa phương, chi nhánh, phòng giao dịch hay từng cá nhân cán bộ, viên chức, người lao động trong toàn hệ thống, mỗi người đều ý thức chung tay hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch bệnh. Tuy nhiên, dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, khó lường; mức độ ảnh hưởng, thiệt hại chưa thể đo đếm hết, nguy cơ tái nghèo trong nhóm khách hàng của NHCSXH sẽ có xu hướng gia tăng. Cùng với đó là nhu cầu chuyển đổi việc làm, sinh kế để ổn định kinh tế và đời sống gia đình sẽ cần đến nhiều vốn… Do đó, lãnh đạo NHCSXH xác định, bên cạnh việc tham gia thực hiện trách nhiệm xã hội thì mỗi cán bộ trong toàn hệ thống cần làm tốt nhiệm vụ chuyên môn; luôn theo sát, nắm rõ tình hình của các hộ vay để kịp thời xử lý cũng như đề xuất giải pháp tháo gỡ vướng mắc khó khăn cho bà con; chủ động nguồn vốn và luôn sẵn sàng đáp ứng vốn vay khi người nghèo và các đối tượng chính sách có nhu cầu.

Đức Kiên