Thái Nguyên

Sản xuất công nghiệp duy trì đà tăng trưởng

- Thứ Sáu, 19/11/2021, 06:36 - Chia sẻ
Theo dự thảo Báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 của tỉnh Thái Nguyên, trong điều kiện dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh; sự linh hoạt, quyết liệt của các cấp, ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và người dân, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh đã đạt được những kết quả tích cực, hầu hết các chỉ tiêu đều đạt và vượt so với kế hoạch đề ra, kinh tế duy trì mức tăng trưởng khá 6,56%, cao gấp 2 lần bình quân chung cả nước. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục phát huy vai trò là động lực cho tăng trưởng của toàn ngành công nghiệp.

Sản xuất công nghiệp ước đạt 844 nghìn tỷ đồng

Tại Phiên họp thứ 4 UBND tỉnh Thái Nguyên, đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2022. Thông qua dự thảo Báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 của tỉnh Thái Nguyên cho thấy, trong điều kiện dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, tỉnh đã thực hiện mục tiêu kép, vừa phát triển kinh tế - xã hội vừa phòng, chống dịch.

		Khu công nghiệp Điềm Thụy – một điểm sáng trong thu hút đầu tư của Thái Nguyên Nguồn: ITN
Khu công nghiệp Điềm Thụy – một điểm sáng trong thu hút đầu tư của Thái Nguyên
Nguồn: ITN

Với sự quyết liệt của các cấp, ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và người dân, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh đã đạt được những kết quả tích cực, hầu hết các chỉ tiêu đều đạt và vượt so với kế hoạch đề ra. Kinh tế duy trì mức tăng trưởng khá là 6,56%, cao gấp 2 lần bình quân chung cả nước (cả nước 9 tháng năm 2021 chỉ tăng 1,42%). 

Trong đó, sản xuất công nghiệp duy trì đà tăng trưởng và hoàn thành nhiệm vụ kế hoạch năm 2021, với giá trị ước đạt 844 nghìn tỷ đồng (theo giá so sánh năm 2010), tăng 7,7% so với cùng kỳ và bằng 100,38% kế hoạch. Công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục phát huy vai trò là động lực cho tăng trưởng của toàn ngành, tăng trưởng công nghiệp địa phương đạt mức cao, tăng 9,18% so với cùng kỳ và vượt mục tiêu kế hoạch.

Cơ cấu kinh tế chuyển biến tích cực, tăng tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ, giảm tỷ trọng nông lâm thủy sản; giá trị kim ngạch xuất khẩu ước đạt 28,8 tỷ USD, tăng 17,9% so với cùng kỳ và đạt 102,38% kế hoạch; thu ngân sách ước đạt 17,3 nghìn tỷ đồng, bằng 110,6% dự toán; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội ước đạt 52 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 10% so với cùng kỳ. Tính từ đầu năm đến tháng 10.2021, trên địa bàn tỉnh có 14 dự án FDI được cấp giấy chứng nhận đầu tư mới với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 110 triệu USD; số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động là 1.080 doanh nghiệp. Giải ngân vốn đầu tư công đạt trên 3.100 tỷ đồng, bằng 60% kế hoạch tỉnh giao và bằng 88% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Trịnh Việt Hùng yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành, đơn vị, các chủ đầu tư chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh về tiến độ giải ngân vốn được giao; nghiêm túc phê bình, kiểm điểm những đơn vị chậm giải ngân hoặc chưa đạt yêu cầu; chấn chỉnh lại công tác mua sắm đầu tư trang thiết bị, đấu thầu, các sở, ngành, đơn vị, địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh về công tác phòng, chống dịch Covid-19, chủ động thích ứng linh hoạt trong phòng, chống dịch. Đồng thời, triển khai các nội dung chuẩn bị diễn tập khu vực phòng thủ tỉnh, xác định đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng của tỉnh trong năm 2022.

Tăng tốc công nghiệp bù đắp phần thiếu hụt 

Đa số đại diện các sở, ngành nhận định, tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) năm 2021 không đạt kế hoạch là do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tăng trưởng khu vực công nghiệp xây dựng và dịch vụ đạt thấp hơn nên đã ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng chung cả năm. Tuy nhiên, với quyết tâm cao trong việc thực hiện mục tiêu kép, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã chủ động áp dụng linh hoạt các giải pháp, phù hợp với tình hình thực tế để duy trì và phát triển sản xuất. Mặc dù trong bối cảnh khó khăn chung, nhưng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh vẫn đạt cao, nằm trong nhóm 10 tỉnh đứng đầu cả nước về thu ngân sách. 

Đặc biệt nhấn mạnh về nội dung quan trọng, bảo đảm hoàn thành kế hoạch năm 2021, cần tăng cường xúc tiến, thu hút đầu tư; khuyến khích, động viên, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp lớn của tỉnh đẩy mạnh sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, hoàn thành và vượt mục tiêu sản xuất trong năm của đơn vị, với mục tiêu dựa vào phát triển tăng tốc của khu vực công nghiệp để bù đắp phần thiếu hụt của khu vực dịch vụ. Ngoài ra, có giải pháp bình ổn giá cả hàng hóa, đặc biệt những tháng cuối năm; phát triển đô thị đồng bộ, hiện đại để xứng đáng là trung tâm vùng trung du miền núi phía Bắc; tăng cường bảo vệ môi trường trong các khu công nghiệp và khu vực nông thôn. Về các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2022, các đại biểu cho rằng, cần tính toán kỹ lưỡng trên cơ sở kết quả thực hiện của năm 2021 để đề ra chỉ tiêu phù hợp, khả thi. 

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Trịnh Việt Hùng, các sở, ngành, đơn vị, địa phương nêu cao tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm và dám tham mưu; nghiên cứu, thực hiện nghiêm quy chế làm việc của UBND tỉnh và văn bản số 3039/UBND-TH ngày 1.7.2021 của UBND tỉnh về nâng cao chất lượng tham mưu của các sở, ngành, địa phương. Trong công tác tham mưu phải nắm chắc về lý luận, tham mưu đúng, trúng nội dung theo quy định pháp luật hiện hành. Trong đó, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về thu hút đầu tư, có giải pháp đẩy mạnh thu hút vốn đầu tư từ các dự án trong và ngoài nước; đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, quản lý giám sát nghiêm các nhà thầu trong bảo đảm chất lượng và tiến độ công trình, dự án.

Phan Phương