Phát triển kinh tế hợp tác xã:

Sản xuất, kinh doanh gắn với chuỗi giá trị sản phẩm quốc gia

- Thứ Bảy, 24/10/2020, 18:52 - Chia sẻ
Hiện nay, trên địa bàn cả nước có nhiều hợp tác xã sản xuất, kinh doanh gắn liền với chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực của quốc gia, vùng, địa phương ngày càng được mở rộng. Mô hình này đã trở thành xu thế tổ chức sản xuất để hợp tác xã nâng cao hiệu quả và phát triển bền vững.
Đến nay, cả nước có hơn 2.000 hợp tác xã sản xuất, kinh doanh gắn với chuỗi giá trị, áp dụng công nghệ cao
Đến nay, cả nước có hơn 2.000 hợp tác xã sản xuất, kinh doanh gắn với chuỗi giá trị, áp dụng công nghệ cao

Đổi mới và đa dạng về loại hình để phát triển

Đến nay, cả nước có hơn 2.000 hợp tác xã sản xuất, kinh doanh gắn với chuỗi giá trị, áp dụng công nghệ cao, tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, ký kết hoạt động tiêu thụ sản phẩm dài hạn với doanh nghiệp. Lợi ích mang lại cho thành viên hợp tác xã là chi phí đầu vào thấp hơn 7%, chất lượng sản phẩm cao, giá bán tăng, thu nhập của thành viên tăng 36%Số hợp tác xã sản xuất gắn với chuỗi giá trị có xu hướng tăng; các bộ, ngành và địa phương đã tăng cường chỉ đạo, hỗ trợ các hợp tác xã  thành lập mới và cơ cấu lại các hợp tác xã nông nghiệp, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ... theo mô hình chuỗi giá trị. Theo đó, tỷ lệ hợp tác xã  sản xuất gắn với chuỗi giá trị so với tổng số hợp tác xã của vùng Tây Bắc 2,8%, Bắc Trung bộ 6,3%, Tây Nguyên 9,5%, Đông Nam bộ 5,3%, đồng bằng sông Cửu Long 7,7%.

Số lượng hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, tổ hợp tác thành lập mới tăng hằng năm, đa dạng về loại hình ở các địa phương gắn với quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế. Cả nước hiện có 27.266 hợp tác xã, 100 Liên hiệp hợp tác xã và 115.213 tổ hợp tác. Có 17.509 hợp tác xã nông nghiệp và 9.757 hợp tác xã phi nông nghiệp. Trong hợp tác xã phi nông nghiệp có 1.195 Quỹ tín dụng nhân dân, 2.204 hợp tác xã thương mại và dịch vụ, 1.596 hợp tác xã vận tải, 2.630 hợp tác xã công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, 1.075 hợp tác xã xây dựng, 553 hợp tác xã môi trường. Trong giai đoạn 2016 - 2020, vùng Đông Bắc, Đồng bằng sông Cửu Long và Tây Bắc có số lượng hợp tác xã thành lập mới cao nhất cả nước. Có 76 Liên hiệp hợp tác xã  nông nghiệp và 24 Liên hiệp hợp tác xã phi nông nghiệp tập trung chủ yếu ở Đồng bằng sông Hồng, Đông Nam bộ và Đồng bằng sông Cửu Long.

Từ thực tế, đầu ra của các sản phẩm nông nghiệp vẫn còn khá bấp bênh, sức tiêu thụ còn hạn chế, sức cạnh tranh kém, dẫn đến nông sản thường bị lép vế ngay trên sân nhà, chưa nói đến xuất khẩu. Vì vậy, trong điều kiện hội nhập hiện nay, để phát triển kinh tế hợp tác, các hợp tác xã đã đổi mới và đa dạng về loại hình để phát triển, trong đó lựa chọn xây dựng những hợp tác xã kiểu mới gắn với doanh nghiệp để hình thành chuỗi giá trị toàn cầu, góp phần bảo đảm hiệu quả sản xuất là hướng đi đúng đắn, phù hợp với xu thế phát triển hội nhập.

Đến cuối năm 2020, dự kiến cả nước có 115.213 tổ hợp tác, tăng 16% so với năm 2015, trong đó 80.649 tổ hợp tác nông nghiệp, 34.564 tổ hợp tác phi nông nghiệp; nhiều tổ hợp tác phát triển thành tổ hợp tác hoạt động hiệu quả. Số tổ hợp tác vùng Tây Bắc tăng 15,85% so với năm 2015, Đông Bắc tăng 7,84%, Đồng bằng sông Hồng tăng 6,02%, Bắc Trung Bộ tăng 6,54%, Duyên Hải miền Trung giảm 12,13%, Tây Nguyên tăng 2,61%, Đông Nam Bộ tăng 16,26%, Đồng bằng sông Cửu Long giảm 6%.

Dựa vào luật để hoạt động năng động, hiệu quả

Để đổi mới và đa dạng về loại hình phục vụ cho việc phát triển, thời gian qua, hầu hết các hợp tác xã đã đăng ký và chuyển đổi hoạt động theo mô hình hợp tác xã kiểu mới, phù hợp với Luật hợp tác xã năm 2012. Nhờ đó, các hợp tác xã thành lập từ năm 2013 đến nay hoạt động năng động, hiệu quả, mở rộng và nâng cao chất lượng dịch vụ cung ứng cho thành viên, tỷ lệ hợp tác xã hoạt động có hiệu quả tăng. Cụ thể, đến cuối năm 2020, cả nước có 96,8% hợp tác xã đã chuyển đổi hoạt động theo Luật hợp tác xã năm 2012, các hợp tác xã đã lấy lợi ích của thành viên là mục tiêu chính và cung ứng nhiều dịch vụ đầu vào, đầu ra cho thành viên. Hợp tác xã nông nghiệp cung ứng ít nhất là 03 dịch vụ cho thành viên là vật tư, tưới tiêu, khuyến nông và nhiều nhất là 16 dịch vụ là giống, vật tư, tưới tiêu, khai thác cơ sở hạ tầng, làm đất, thu hoạch, bảo quản, chế biến.... Hợp tác xã công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp cung ứng đầu vào, tổ chức sản xuất tập trung. Hợp tác xã vận tải chủ yếu cung ứng dịch vụ làm thủ tục cho phương tiện vận tải của thành viên, một số hợp tác xã  vận tải đường thủy, đường bộ có tài sản sở hữu tập thể lớn, cung ứng nhiều dịch vụ cho thành viên; các loại hình hợp tác xã khác cung ứng cả dịch vụ đầu vào, đầu ra cho thành viên.

Bằng sự chuyển đổi hoạt động theo Luật hợp tác xã năm 2012, vốn điều lệ của các hợp tác xã chủ yếu là tài sản không chia được hình thành từ các năm trước, còn hợp tác xã mới thành lập góp đủ vốn điều lệ. Tổng vốn Điều lệ cuối năm 2020 của các hợp tác xã là 39,83 nghìn tỷ đồng, bình quân 1,46 tỷ đồng/hợp tác xã ; tổng tài sản của hợp tác xã khoảng 230 nghìn tỷ đồng. Số hợp tác xã hoạt động hiệu quả là 15.191 hợp tác xã. Doanh thu, lợi nhuận của hợp tác xã, tổ hợp tác ngày càng tăng, tổng doanh thu đạt 126,2 nghìn tỷ đồng, bình quân 4,63 tỷ đồng/hợp tác xã, lợi nhuận sau thuế đạt 88,9 nghìn tỷ đồng, bình quân 326 triệu đồng/hợp tác xã .

Bảo Ngân