Sáng kiến giữa mùa dịch

- Chủ Nhật, 22/08/2021, 05:33 - Chia sẻ
Với những diễn biến phức tạp, khó lường, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng lớn tới tình hình kinh tế - xã hội, đời sống Nhân dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh. Song, nhìn ở một khía cạnh khác, dịch Covid-19 cũng thúc đẩy các sáng kiến và những phát minh mang tính ứng dụng cao.

Xuất phát từ những khó khăn trong công tác điều trị cho bệnh nhân Covid-19 nặng, các bác sĩ tuyến đầu ở Bệnh viện Dã chiến thu dung và điều trị Covid-19 số 6 (TP. Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh) - một trong những bệnh viện mới được thành lập đầu tháng 7.2021, vừa sáng chế thành công hệ thống cung cấp oxy cùng lúc cho nhiều bệnh nhân. Thông thường mỗi bình oxy sử dụng cho 1 bệnh nhân, được gắn 1 đồng hồ có chức năng kiểm tra áp suất khí oxy trong bình và điều chỉnh lượng oxy bệnh nhân cần sử dụng. Tuy nhiên, với diện tích phòng bệnh không lớn, thiếu nhân lực vận chuyển bình oxy, các bác sĩ đã sáng chế 1 bình oxy sử dụng cùng lúc cho 6 - 10 bệnh nhân Covid-19, chỉ với 1 đồng hồ oxy nhiều dây dẫn với giá thành rẻ. Tương tự, mới đây ở Khoa Hồi sức tích cực của Trung tâm Điều trị bệnh nhân Covid-19 thuộc Bệnh viện Quân y 175 đã thực hiện thành công sáng tạo mới trong kỹ thuật ECMO (tim, phổi nhân tạo) cho hai bệnh nhân cùng chạy một máy, cứu sống sản phụ Covid-19 nguy kịch.

Với tỷ lệ bệnh nhân suy hô hấp mức độ vừa khá cao; các nhà khoa học Việt Nam thuộc Trường Đại học Bách khoa Hà Nội và nhiều chuyên gia từ VMED Group vừa nghiên cứu và sản xuất thành công máy oxy dòng cao KVM-HF1 phục vụ cho công tác phòng, chống dịch. Máy có chức năng cung cấp liên tục khí thở lưu lượng cao (lên tới 60l/phút) với nồng độ oxy điều chỉnh được (từ oxy không khí đến nguyên chất). Dòng khí thở được ổn định ở 37oC với độ ẩm bão hòa và cấp qua gọng mũi để giúp điều trị bệnh nhân suy hô hấp. Các đơn vị chuyên môn Bộ Y tế đã hỗ trợ nhanh thủ tục pháp lý để có thể sản xuất hàng loạt máy oxy dòng cao BKVM-HF1, nhằm kịp thời chuyển đến các điểm nóng điều trị bệnh nhân Covid-19 cũng như nhanh chóng trang bị cho các bệnh viện, phục vụ công tác điều trị bệnh nhân.

Trước đó, vượt qua 2.000 sáng kiến từ 79 quốc gia, sản phẩm “Băng ca chuyên dụng vận chuyển bệnh nhân áp lực âm” của nhóm nghiên cứu PGS.TS Phan Trung Nghĩa và cộng sự (Viện Kỹ thuật hóa học - Trường Đại học Bách khoa Hà Nội) đã nhận được khoản tài trợ 14.000 USD của Quỹ ứng phó Covid-19 thuộc Tổ chức Đại học Pháp ngữ (AUF). Nhờ chiếc băng ca chuyên dụng áp lực âm, tất cả không khí phải đi qua màng lọc hiệu suất cao mới thoát ra ngoài được. Vì vậy, luồng không khí đi ra bên ngoài có thể gọi là không khí sạch. Sáng kiến hữu ích này đã góp phần không nhỏ hỗ trợ các y, bác sĩ, nhân viên y tế và cộng đồng tránh khỏi nguy cơ lây nhiễm chéo khi tiếp xúc hoặc di chuyển bệnh nhân nhiễm Covid-19…

Không chỉ tại Việt Nam, nhiều nước trên thế giới cũng đã phát minh ra các sáng kiến, ứng dụng phòng, chống dịch Covid-19. Đơn cử như Mỹ với thiết bị có tên gọi Jellyfish, rất nhỏ gọn, được gắn lên tường ở những nơi công cộng có nhiều người qua lại như trung tâm thương mại, nhà hàng khách sạn… giúp phát hiện virus nhờ ứng dụng công nghệ phản quang. Nếu có virus, đèn sẽ sáng và các tín hiệu sẽ được gửi về máy chủ, báo hiệu cho mọi người biết có mầm bệnh. Trong khi đó, tại Paris, Pháp lại áp dụng công nghệ phân tích nước thải để kiểm soát sự lây lan của virus mà không làm ảnh hưởng tới sinh hoạt của người dân. Trên cơ sở phân tích các mẫu gene từ các mẫu nước thải sinh hoạt trong hộ gia đình, công nghệ phân tích nước thải đã giúp phát hiện virus lây bệnh trên diện rộng ở các hộ dân cư khác nhau, giúp tiết kiệm thời gian và kinh phí hơn cách lấy mẫu thông thường. Còn tại Hàn Quốc, một số bệnh viện đã cải tiến buồng xét nghiệm virus SARS-CoV-2 thành một phòng khám di động không tiếp xúc có thể lấy mẫu xét nghiệm và điều trị cơ bản từ xa, bệnh nhân vào phòng điều trị này sẽ ngăn mầm bệnh phát tán, các bác sĩ và y tá không phải mặc bảo hộ cũng có thể điều trị cho bệnh nhân qua cửa sổ và hệ thống video. 

Rõ ràng, đại dịch Covid-19 đã và đang ảnh hưởng tới mọi mặt đời sống và những khó khăn trong công tác điều trị, truy vết, xét nghiệm luôn thường trực. Bởi thế, ý tưởng sáng tạo từ những điều nhỏ nhất cũng góp phần tiếp thêm sức mạnh cho công tác phòng, chống dịch Covid-19. 

Đỗ Quyên