Chọn nhân sự - Lựa nhân tài:

Sàng lọc để chọn được "hạt giống" tốt

- Thứ Hai, 17/08/2020, 08:10 - Chia sẻ
Xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên vừa có tài, có đức, vừa trong sạch, vững mạnh không chỉ là mong muốn chung của đất nước mà còn là yêu cầu tất yếu đối với Đảng. Song, thời gian gần đây chúng ta cũng liên tiếp chứng kiến nhiều bài học đau xót về công tác cán bộ. Vì thế, nguyên Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh LÊ QUỐC LÝ cho rằng, trong tìm kiếm, lựa chọn nhân tài cho đất nước nhất định phải công tâm, khách quan, “có con mắt tinh đời” để sàng lọc, lựa chọn được đâu là “hạt giống” tốt thật sự, đồng thời loại bỏ những “hạt lép”, “quả dại”.

Tăng cường sức chiến đấu của Đảng

- Sức mạnh lãnh đạo của Ðảng thể hiện ở vai trò tiền phong, gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Tuy nhiên thực tiễn cho thấy, sự tha hóa quyền lực của một bộ phận cán bộ, đảng viên giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý đang diễn ra bằng nhiều phương thức rất đa dạng, tinh vi, phức tạp…, thưa ông?

- Mục tiêu, lý tưởng của Đảng ta là xây dựng đất nước dân chủ, giàu mạnh; đem lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân và đi lên CNXH phồn vinh. Để đạt được mục tiêu này, Đảng phải có đội ngũ cán bộ có tài, có đức, hết lòng vì công việc, không tham nhũng, không tha hóa, không vì lợi ích cá nhân. Đây là điều mà nhân dân cả nước kỳ vọng và cũng chỉ có như vậy thì Đảng mới vững bền. Bài học từ sự sụp đổ của chế độ XHCN ở Liên Xô và Đông Âu đã cho thấy, chính sự tự thoái hóa khiến Đảng không còn đủ uy tín để lãnh đạo, mất khả năng kiểm soát, dẫn đến sụp đổ.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng ta, trong 35 năm qua, kể từ khi bắt đầu công cuộc Đổi mới, đất nước đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế. Tiềm lực, vị thế và uy tín của đất nước trên trường quốc tế ngày càng được nâng lên. Song mặt khác, tình trạng tham nhũng, tha hóa, biến chất của một bộ phận cán bộ, đảng viên đang ảnh hưởng đến uy tín của Đảng trong nhân dân. Từ đầu nhiệm kỳ Khóa XII đến nay, rất nhiều cán bộ, đảng viên, kể cả Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương Đảng, đã bị xử lý kỷ luật. Nhưng dư luận nhân dân vẫn đặt câu hỏi: Như vậy liệu đã hết chưa? Thực sự, người dân vẫn mong muốn công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng của Đảng phải được làm quyết liệt hơn nữa, làm thường xuyên, liên tục.

Những vi phạm trong công tác cán bộ, như vụ việc nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Lê Phước Thanh bị cách chức do sai phạm trong quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm con trai là Lê Phước Hoài Bảo giữ các chức vụ không đủ tiêu chuẩn, điều kiện; vụ Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh bị cách chức vì vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và các quy định của Đảng, Nhà nước trong công tác cán bộ, kê khai, sử dụng bằng cấp không đúng quy định, thiếu trung thực…; và nhiều chuyện khác liên quan đến việc bố trí, bổ nhiệm cán bộ ở một số địa phương đang gây xôn xao dư luận, làm xói mòn niềm tin trong nhân dân. Thực tế đó đòi hỏi, với công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, chống tham nhũng, chống tha hóa, biến chất trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, Đảng đã và đang làm mạnh nhưng vẫn cần quyết liệt hơn nữa. 

- Công tác chỉnh đốn Đảng, xử lý đảng viên vi phạm Điều lệ Đảng, vi phạm pháp luật đã được Trung ương tiến hành rất nghiêm, rất mạnh thời gian qua. Ông đánh giá hiệu quả của công tác này trên thực tế như thế nào? 

- Trung ương làm nghiêm nhưng khi về cơ sở, tôi cho rằng, có nơi không làm đến nơi đến chốn. Ví dụ, vừa qua, thực hiện thông báo kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương về kết quả kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm liên quan quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm, Ban Thường vụ Thành ủy TP Hồ Chí Minh đã chỉ đạo xem xét trách nhiệm của 66 đảng viên có khuyết điểm, vi phạm. Kết quả cho thấy, số đông cán bộ, đảng viên vi phạm trong vụ việc này đều nhận hình thức xử lý là cảnh cáo, phê bình. Ngay Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Công trình lịch sử thành phố, nguyên Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải Tất Thành Cang bị xác định có khuyết điểm, vi phạm đến mức phải thi hành kỷ luật, nhưng do đến nay đã hết thời hiệu xử lý kỷ luật đảng nên Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hồ Chí Minh cũng thống nhất kết luận phê bình.

Trước đó, như chúng ta đã biết, Ban Chấp hành Trung ương đã tiến hành xem xét thi hành kỷ luật ông Tất Thành Cang bằng hình thức cách chức Ủy viên Trung ương Đảng Khóa XII, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy TP Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2015 - 2020 vì đã có những khuyết điểm, vi phạm rất nghiêm trọng. Hoặc trong vụ việc Giám đốc và 2 Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh có các sai phạm, thiếu sót về quản lý, lãnh đạo, trong đó có việc dùng tiền ngân sách đi nước ngoài không đúng quy định cũng chỉ bị “phê bình nghiêm khắc” (?). 

Khuyết điểm nặng như thế, nhưng chỉ áp dụng hình thức phê bình thì liệu đã trung thực với Đảng hay chưa? Đảng muốn làm trong sạch đội ngũ cán bộ, đảng viên thì cần nghiêm khắc loại bỏ những thành phần có thói hư tật xấu như vậy. Nếu sai phạm rồi chỉ bị phê bình thì tham ô, tham nhũng, thoái hóa, biến chất của cán bộ, đảng viên sẽ còn tiếp diễn. Vì thế, muốn chọn được nhân tài để lãnh đạo đất nước thì phải tăng cường sức chiến đấu của Đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên. 

Thực hiện nghiêm kỷ luật Đảng

- Theo ông, sức chiến đấu của Đảng trong công tác cán bộ được cụ thể hóa như thế nào?

- Sức chiến đấu của Đảng thể hiện ở nhiều mặt: Ý thức giác ngộ, trình độ trí tuệ, chuyên môn nghiệp vụ, phẩm chất đạo đức; tính tiền phong, gương mẫu và bản lĩnh chính trị của mỗi cán bộ, đảng viên; ở khả năng khắc phục những hạn chế, biểu hiện tiêu cực trong bộ máy đảng, chính quyền, đoàn thể và nhân dân; tinh thần đấu tranh ủng hộ cái đúng, cái mới, tiến bộ, phê phán, loại bỏ cái cũ, lạc hậu… 

Sức chiến đấu của Đảng còn thể hiện ở việc duy trì và thực hiện các nguyên tắc tổ chức sinh hoạt và kỷ luật đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình; xây dựng sự đoàn kết thống nhất trong nội bộ; chống những biểu hiện tiêu cực, những hành vi sai trái, tư tưởng, quan điểm phản động, những phần tử cơ hội trong tổ chức; chủ động ngăn chặn và đẩy lùi các biểu hiện giảm sút, phai nhạt lý tưởng và ý chí phấn đấu; chống tư tưởng thực dụng, tệ quan liêu, tham nhũng và sự thoái hóa về đạo đức, lối sống; đấu tranh kiên quyết, có hiệu quả với những biểu hiện của tư tưởng phong kiến, gia trưởng, cục bộ trong tổ chức đảng, chính quyền và các đoàn thể trong xã…

- Trong những vụ việc cán bộ quản lý, lãnh đạo vi phạm đến mức phải xử lý kỷ luật thời gian qua, có những vụ việc liên quan đến bố trí, bổ nhiệm người thân, người nhà, gây dư luận xấu trong nhân dân, ảnh hưởng đến uy tín của Đảng. Tất nhiên, "con cháu lãnh đạo lại làm lãnh đạo" cũng không hoàn toàn là câu chuyện tiêu cực. Nhưng rõ ràng, phải có sự đánh giá thật sự công bằng, khách quan để bảo đảm lựa chọn được người tài đức vào bộ máy, thưa ông?

- Đúng vậy! Sự tha hóa, biến chất trong một bộ phận cán bộ, đảng viên còn diễn ra trên phương diện không ít cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu không chăm lo cho công việc chung mà chỉ lo vun vén cho lợi ích cá nhân và gia đình; không lo tìm kiếm, trọng dụng nhân tài mà chỉ lo đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch cho con cháu để bố trí, sắp xếp vào các vị trí lãnh đạo.

Đương nhiên, nhìn nhận một cách công bằng thì cũng có rất nhiều cán bộ là "con cháu lãnh đạo" nhưng họ thực sự giỏi, phấn đấu đi lên bằng tài năng, năng lực và trình độ thực sự. Những trường hợp như vậy cần ủng hộ, cổ vũ. Tuy nhiên, với những trường hợp “con ông cháu cha” không đủ tiêu chuẩn nhưng vẫn “ngoi” lên các vị trí lãnh đạo, quản lý nhờ mối “quan hệ huyết thống” thì phải lên án, xử lý nghiêm. Trong tìm kiếm, lựa chọn nhân tài cho đất nước nhất định phải công tâm, khách quan, “có con mắt tinh đời” để sàng lọc, lựa chọn được đâu là “hạt giống” tốt thật sự, đồng thời loại bỏ những “hạt lép”, “quả dại”.

Xin cảm ơn ông!

Nhật An thực hiện