Phát triển đối tượng bảo hiểm xã hội tự nguyện:

Sáng tạo, linh hoạt trong tuyên truyền

- Chủ Nhật, 28/02/2021, 09:20 - Chia sẻ
Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện vẫn được ngành BHXH xác định là nhiệm vụ trọng tâm. Để vượt qua khó khăn chung, việc phát huy sáng kiến, kinh nghiệm tuyên truyền, vận động về chính sách BHXH tự nguyện là yêu cầu cấp thiết đặt ra, nhằm chuyển đổi nhận thức, thu hút người dân tham gia.

Huy động sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền

Chia sẻ về số lượng người tham gia BHXH tự nguyện trong năm 2020, Giám đốc BHXH tỉnh Bắc Giang Thân Đức Lại cho biết, diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 trong năm qua đã khiến công tác phát triển đối tượng gặp khó khăn. Song, nhờ sự quan tâm, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan, đơn vị từ tỉnh đến huyện, coi đây là một trong những nhiệm vụ, giải pháp quan trọng hàng đầu trong tổ chức thực hiện chính sách an sinh xã hội trên địa bàn, nên BHXH tỉnh đã vận động được 13.821 người tham gia BHXH tự nguyện mới, nâng tổng số người tham gia trên toàn tỉnh lên 21.233 người, đạt khoảng 2,21% lực lượng lao động trong độ tuổi.

Với BHXH tỉnh Cà Mau, thành công nhất trong thực hiện BHXH tự nguyện trong năm 2020 là huy động được cả hệ thống chính trị cơ sở vào cuộc. Giám đốc BHXH tỉnh Cà Mau Trịnh Trung Kiên chia sẻ, các cấp ủy, chính quyền cơ sở đều ký quy chế phối hợp với cơ quan BHXH, giao chỉ tiêu cụ thể đến từng ấp, khóm và các đoàn thể; các bí thư chi bộ, trưởng ấp/khóm, chi hội trưởng các đoàn thể tích cực tham gia tuyên truyền, vận động để người dân hiểu và tham gia BHXH tự nguyện. Tính đến 31.12.2020, tỉnh Cà Mau đã phát triển được 21.926 người tham gia BHXH tự nguyện, đạt 106,61% kế hoạch giao, tăng 13.106 người, bằng 240,31% so với năm 2019. Tỷ lệ dân số tham gia BHXH tự nguyện đạt 3,29% so với lực lượng lao động trong tỉnh.

Những năm qua, BHXH các tỉnh, thành phố đã chủ động tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh trong việc chỉ đạo triển khai thực hiện chính sách BHXH, BHYT trên địa bàn; ban hành các văn bản cụ thể chỉ đạo trực tiếp công tác này. Đặc biệt là có nhiều đổi mới trong tiếp cận các nhóm đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, phù hợp với từng giai đoạn trước, trong và sau giãn cách xã hội do dịch Covid-19. Bên cạnh đó, tổ chức phát động phong trào thi đua rộng khắp toàn hệ thống BHXH, mỗi cán bộ là một tuyên truyền viên, vận động người thân, bạn bè, nhân dân... tham gia BHXH tự nguyện; tổ chức khen thưởng, động viên kịp thời các tập thể, cá nhân và các đại lý thu có thành tích xuất sắc...

Đưa chính sách đến gần dân

Đại diện BHXH Việt Nam khẳng định, thành công lớn nhất trong thực hiện chính sách BHXH tự nguyện chính là sự thay đổi hàng ngày, hàng giờ trong nhận thức của người dân. Điều này đến từ sự chủ động, tích cực của các đơn vị trong tuyên truyền, vận động. 

Đơn cử như tại Sóc Trăng, bên cạnh các giải pháp chung, để thực hiện hiệu quả chính sách BHXH tự nguyện, BHXH tỉnh đã chú trọng các hình thức, giải pháp tuyên truyền phù hợp với từng nhóm đối tượng. Trong năm 2020, BHXH tỉnh đã phối hợp với Ban Tôn giáo, Ban Dân tộc tỉnh tuyên truyền về chính sách BHXH tự nguyện tại các cơ sở thờ tự trên địa bàn nhằm đưa chính sách, pháp luật về BHXH tự nguyện đến gần hơn với giáo dân, tín đồ phật tử, người dân tộc Khmer… Bên cạnh đó, mô hình tổ chức các hội nghị tuyên truyền, đối thoại chính sách BHXH tự nguyện trong khu dân cư được xem là bước đột phá và đang phát huy hiệu quả nhờ sự vào cuộc, phối hợp của chính quyền và đoàn thể địa phương. 

Trên cơ sở ủng hộ của chính quyền địa phương trong giao chỉ tiêu phát triển BHXH tự nguyện, các già làng, trưởng bản tại Sơn La đã chuyển hóa nội dung tuyên truyền hội nghị sang tiếng dân tộc, “lồng” nội dung chính sách vào ca dao, tục ngữ dân tộc để giúp bà con thấu hiểu chế độ, chính sách ưu việt của Đảng và Nhà nước ta dành cho người dân, người lao động, trong đó có người nông dân... Nhờ đó, từ tháng 10.2020, số người tham gia BHXH tự nguyện trên địa bàn tỉnh Sơn La đã đạt 101,7% kế hoạch được BHXH Việt Nam giao đầu năm; tính đến ngày 31.12.2020, toàn tỉnh đã có 25.226 người tham gia, đạt 116,3% kế hoạch, chiếm 3,74% lực lượng lao động.

Phát huy sáng kiến thu hút đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện

Nguồn: ITN 

Quyết liệt và đồng bộ

Nhằm hướng tới thực hiện BHXH toàn dân theo tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TW, nhiều địa phương đã thể hiện quyết tâm thực hiện đồng bộ các giải pháp đã được nêu trong Nghị quyết cũng như hướng dẫn của BHXH Việt Nam. Đại diện BHXH tỉnh Bắc Giang cho biết, trong quý I.2021, BHXH tỉnh đã chủ động tham mưu cho UBND tỉnh trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị về việc “đẩy mạnh phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT trên địa bàn tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2021 - 2025”. Dựa trên việc cập nhật, rà soát, thống kê, phân loại đối tượng chưa tham BHXH tự nguyện, BHXH các huyện sẽ tập trung nhóm đối tượng có thu nhập ổn định độ tuổi từ 40 - 50 tuổi và người từ 51 tuổi trở lên; người lao động nghỉ việc chấm dứt hợp đồng lao động ở các doanh nghiệp...

Trong khi đó, với BHXH tỉnh Hải Dương, tiếp tục đẩy mạnh tham mưu, phối hợp triển khai, tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện. Trước hết là tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh có chính sách hỗ trợ bổ sung 10% mức đóng BHXH tự nguyện theo mức chuẩn hộ nghèo khu vực nông thôn cho người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo; hiện thực hóa Nghị quyết số 14/2020 của HĐND tỉnh về hỗ trợ mức đóng BHYT và hỗ trợ bổ sung mức đóng BHXH tự nguyện cho một số đối tượng trên địa bàn. Đồng thời, tiếp tục huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, đồng hành với cơ quan BHXH trong tuyên truyền, phát triển người tham gia...

Năm 2021 và những năm tiếp theo, BHXH Việt Nam xác định, sẽ tiếp tục duy trì thành tích, quyết tâm tăng thêm nhiều người tham gia BHXH tự nguyện. Theo đó, sẽ chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp, quyết liệt ứng dụng công nghệ thông tin, mở rộng giao dịch điện tử, hoàn thiện cơ sở dữ liệu, tiếp tục phối hợp với các sở, ngành đẩy mạnh công tác truyền thông. 

Thảo Mộc