Sắt son lời thề

- Thứ Ba, 07/09/2021, 07:15 - Chia sẻ
"Nước Việt Nam mình sinh ra giữa chốn đây”... Đó là câu hát nổi tiếng nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý đã dành tặng cho Tuyên Quang - vùng đất đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp giải phóng dân tộc. Đã 76 năm trôi qua kể từ ngày Tuyên Quang được chọn là Thủ đô Khu Giải phóng, mảnh đất kiên trung, sắt son nghĩa tình này một lòng đi theo con đường Đảng và Bác Hồ đã lựa chọn.
	Bí thư Tỉnh ủy Chẩu Văn Lâm kiểm tra điều kiện cơ sở vật chất phục vụ các lực lượng phòng dịch tại chốt kiểm tra dịch bệnh Covid-19
Bí thư Tỉnh ủy Chẩu Văn Lâm kiểm tra điều kiện cơ sở vật chất phục vụ các lực lượng phòng dịch tại chốt kiểm tra dịch bệnh Covid-19
Ảnh: Bách Hợp

Hồi ức bên dòng Phó Đáy

Dù đã hơn 91 tuổi nhưng trong ký ức của ông Hoàng Văn Tam (thôn Làng Chạp, xã Trung Sơn, huyện Yên Sơn) vẫn vẹn nguyên những ký ức xúc động về những lần được gặp Bác Hồ. Theo lời kể của ông, vào ngày 20.5.1945, Bác Hồ về đến làng Chạp, thời điểm đó, làng của ông chỉ có 14 hộ, ông cùng nhóm bạn thiếu niên được giao nhiệm vụ nấu nước phục vụ Đoàn. Thế rồi, do nhiệm vụ cấp bách, Bác cùng Đoàn công tác phải đến Tân Trào ngay ngày hôm sau. Lúc mang cơm cho Bác, ông Tam được tận mắt chứng kiến Bác đã nhường ngựa cho đồng chí đi cùng vì đau chân khi lội qua suối (sau này mới biết đó là đồng chí Hoàng Quốc Việt). Những hành động đó của Người đã trong “in sâu” trong tâm trí của cậu bé 15 tuổi lúc bấy giờ. Để sau hơn 7 thập kỷ trôi qua, câu chuyện xúc động về Bác Hồ vẫn luôn sống động và vẹn nguyên trong tâm trí ông. 

Còn theo lời kể của các cụ cao niên ở mảnh đất Tân Trào - trái tim Thủ đô Khu giải phóng, khi từ Pắc Bó (Cao Bằng) về đến Bắc Kạn, Bác Hồ cứ men theo sông Phó Đáy mà về Tuyên Quang. Đầu mùa hạ, những cơn mưa rừng bất chợt thường ào ạt gây lũ cho dòng sông. Ngày 21.5.1945, khi vượt sông đến Tân Trào, các cán bộ trong đoàn ngần ngừ, lo lắng vì dòng lũ dữ, song Bác nói: Phải qua sông, không chậm trễ. Chờ đợi sẽ lỡ thời vận đang vùn vụt trôi đi như dòng nước lũ…

Cả vùng đất Tân Trào ngày ấy sừng sững tựa như những bức tường thành. Vây quanh thôn xóm là nhấp nhô các núi nhỏ và là hệ thống sông ngòi chằng chịt. Có lẽ chính vì thế núi, hình sông đắc địa, hiểm trở nên Bác đã chọn nơi đây là “trái tim Thủ đô Khu giải phóng”. Tại Tân Trào, Trung ương Đảng và Bác Hồ đã có những quyết định quan trọng. Đặc biệt, từ ngày 16 đến 17.8.1945, tại đình Tân Trào đã diễn ra Quốc dân Đại hội thông qua Nghị quyết Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước.

Hưởng ứng lời hiệu triệu của Chủ tịch Hồ Chí Minh, hơn 20 triệu đồng bào cả nước đã nhất tề đứng lên khởi nghĩa giành chính quyền trong toàn quốc. Để sáng ngày 2.9.1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, trước gần một triệu đồng bào, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời trịnh trọng đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, tuyên bố với quốc dân đồng bào và toàn thể thế giới: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập”…!

Quyết tâm thực hiện thắng lợi "mục tiêu kép"

Bên dòng Phó Đáy hôm nay, vẫn thoang thoảng hương thơm của cơm lam và vọng những câu thơ trong bài “Đi thuyền trên sông Đáy” do chính Người viết: Dòng sông lặng ngắt như tờ/ Sao đưa thuyền chạy, thuyền chờ trăng theo... 76 năm qua, vùng đất cách mạng Tuyên Quang luôn giữ vững "lời thề sắt son" với Bác, với Đảng. Kiên định đi theo con đường mà Người đã lựa chọn, Tuyên Quang từng ngày khoác lên mình diện mạo của hạnh phúc, ấm no. Bí thư Chi bộ thôn Pác Hóp (xã Linh Phú, huyện Chiêm Hóa) Hà Ngọc Thuyền tự hào chia sẻ: Là một Đảng viên, ông luôn tâm niệm học tập theo tấm gương đạo đức của Bác Hồ thiết thực nhất là phải xây dựng kinh tế vừa để thoát nghèo vừa làm gương cho người dân noi theo. Từ vùng đất trũng, rừng thiêng nước độc, đến nay trang trại trên 5ha của gia đình ông mang lại giá trị lên tới hàng tỷ đồng.

Cũng ở vùng đất Linh Phú này, chẳng ai nghĩ rằng cây chè của người Dao, người Tày, người Pà Thẻn trước đây chỉ dùng để “uống chơi” nay lại là cây “hái ra tiền” cho người dân. Còn đối với vùng đất Trung Minh (huyện Yên Sơn) nơi núi non bao bọc đã hình thành nhiều mô hình kinh tế như nuôi ong lấy mật, chăn nuôi trâu, lợn, ốc bươu và đặc biệt là trồng rừng... Cuộc sống của người dân khấm khá lên rất nhiều.

Chính nhờ sự cần cù, chịu thương chịu khó và khát vọng vươn lên của Nhân dân các dân tộc toàn tỉnh, trong những năm qua, Tuyên Quang đã dần thoát khỏi đói nghèo, lạc hậu. Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Chẩu Văn Lâm chia sẻ: Truyền thống quê hương cách mạng chính là sức mạnh nội sinh thúc đẩy Tuyên Quang phát triển như ngày hôm nay, "rút ngắn" khoảng cách giữa các tỉnh trong cả nước, đời sống của Nhân dân ngày một ấm no, hạnh phúc.

Chia sẻ về nhiệm vụ và mục tiêu trong thời gian tới, Bí thư Tỉnh ủy Chẩu Văn Lâm nhấn mạnh: Những tháng cuối năm được coi là thời điểm “vàng” để Tuyên Quang tạo nên bứt phá nhằm thực hiện thắng lợi "mục tiêu kép". Vì vậy, tỉnh sẽ tập trung phát triển các trụ cột của nền kinh tế. Đẩy nhanh tiến độ và sớm hoàn thành Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Cùng với đó, khẩn trương hoàn thiện và triển khai thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, bảo đảm trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải… Sớm đưa Tuyên Quang trở thành tỉnh phát triển khá, toàn diện, bền vững trong khu vực miền núi phía Bắc như mục tiêu Đại hội tỉnh đã đề ra.

Đặc biệt, trong bối cảnh cả nước đang phải căng mình với cuộc chiến chống dịch Covid-19, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân toàn tỉnh tích cực hưởng ứng lời “hiệu triệu” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, phát huy đạo lý tốt đẹp của dân tộc "tương thân tương ái" hướng về TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phía Nam bằng những hành động thiết thực, nhằm sớm đưa đất nước trở lại trạng thái bình thường mới.

Bách Hợp