Sau 2 năm, nền kinh tế phải thật đứng vững!

- Thứ Tư, 05/01/2022, 06:22 - Chia sẻ
Theo các chuyên gia, Kỳ họp bất thường thứ Nhất thể hiện sự nhập cuộc quyết liệt, trách nhiệm cao của Quốc hội trong việc sát cánh cùng Chính phủ phục hồi kinh tế nhanh và bền vững. Các chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ phục hồi kinh tế - xã hội làm tăng bội chi và nợ công nhưng điều quan trọng là nền kinh tế phải thực sự đứng vững sau 2 năm thực hiện Chương trình.

TS. LÊ BÁ CHÍ NHÂN, chuyên gia kinh tế:
Phải rõ đối tượng, có kế hoạch và lộ trình cụ thể

Việc Quốc hội tổ chức Kỳ họp bất thường thứ Nhất, trong đó sẽ xem xét thông qua Dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Sau 2 năm chống chọi với Covid-19, nền kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn. Nếu chúng ta không nhanh chóng đưa ra được chương trình tổng thể để phục hồi và phát triển kinh tế thì nguy cơ tụt hậu sẽ rất lớn, khi các nền kinh tế đã sẵn sàng cho quá trình này.

Đặc biệt, Kỳ họp bất thường thể hiện sự nhập cuộc quyết liệt, trách nhiệm cao của Quốc hội trong việc sát cánh cùng Chính phủ nhanh chóng đưa nền kinh tế khôi phục và phát triển. Đây sẽ là tiền đề để có kỳ họp bất thường lần sau cho những vấn đề cấp bách của đất nước, thể hiện một Quốc hội thực sự vì dân.

Lần này, Chính phủ đề xuất gói hỗ trợ nền kinh tế lên tới trên 290.000 tỷ đồng, trong đó nhiệm vụ trước tiên là dành nguồn lực để mở cửa nền kinh tế và đầu tư nâng cao năng lực y tế phòng, chống dịch bệnh. Tôi hoàn toàn nhất trí với nội dung này! Chúng ta sẽ không thể phục hồi nếu như nền kinh tế chậm mở cửa hay chậm khống chế được dịch bệnh. Mà muốn phục hồi, không gì khác ngoài việc doanh nghiệp phải “sống”, thông qua các chính sách tài khóa, tiền tệ, trong đó có việc giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) 2%.

Việc triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế sẽ làm tăng bội chi ngân sách bình quân năm 2022 - 2023 khoảng 1,2% GDP/năm, làm tăng nợ công. Tôi cho rằng điều này là tất yếu và không đáng ngại. Điều chúng ta cần quan tâm là sau hai năm thực hiện chương trình này, nền kinh tế phải thật sự đứng vững và phát triển bền vững. Muốn vậy, nếu được Quốc hội thông qua, Chính phủ cần xây dựng kế hoạch, chương trình hành động, lộ trình cụ thể cho Chương trình bởi khối lượng công việc sẽ rất đồ sộ. Trong đó, phải giao rõ đầu việc, gắn trách nhiệm cho từng bộ, ngành, địa phương để bảo đảm tính khả thi, hiệu quả.

Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Mekong PHÙNG ĐỨC TÙNG:
Tính khả thi cao

So với gói hỗ trợ theo đề xuất của các chuyên gia trước đó vào khoảng 800.000 tỷ đồng thì gói hỗ trợ mà Chính phủ trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp bất thường này có quy mô thấp hơn nhiều nhưng tôi cho rằng tính khả thi sẽ cao hơn.

Về cơ bản, tôi đồng tình với nội dung của Dự thảo Nghị quyết. Tuy vậy, theo tôi, vẫn cần quan tâm tới hai vấn đề. Một là, chính sách hỗ trợ liên quan tài khóa như miễn giảm thuế cho doanh nghiệp, trong đó có đề xuất giảm 2% thuế VAT; hỗ trợ lãi suất. Hai là, năng lực thực thi của Chính phủ.

Thực tế, thời gian qua, rất nhiều doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp trong ngành dịch vụ, du lịch đã không có doanh thu, thậm chí đã phải đóng cửa, nợ xấu. Do vậy, chính sách hỗ trợ lãi suất sẽ hầu như không có tác dụng với họ.

Nhiều khi, điều doanh nghiệp cần trước nhất chưa phải là chính sách hỗ trợ về lãi suất hay miễn giảm thuế mà là sự nhất quán, tháo bỏ rào cản trong các quy định về phòng chống dịch để họ có thể hoạt động bình thường. Chẳng hạn, hiện Hà Nội và một số địa phương chỉ cho các hàng quán bán hàng mang về mà không cho ăn uống tại chỗ. Hay việc một số địa phương yêu cầu du khách phải có xét nghiệm PCR có thể sẽ khiến người dân ngại đi du lịch đến vùng đó. 

Về năng lực thực thi, điều khiến tôi lo ngại hơn cả là gói hơn 110.000 tỷ đồng đầu tư hạ tầng. Năng lực giải ngân vốn của chúng ta nhiều năm qua đều không đạt 100%. Do vậy, Chính phủ và Quốc hội cần rà soát, xem với những dự án trọng điểm nào thì cần có chính sách đặc biệt, đặc thù, từ đấu thầu, giải phóng mặt bằng, chọn nhà thầu… để giải ngân nhanh chóng. Khi đó, Chương trình phục hồi mới thực sự có hiệu quả. 

Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn VŨ MINH TIẾN:
Cần quan tâm tới đối tượng “yếu thế của yếu thế”

Đọc Dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội tôi rất phấn khởi. Đây có thể ví như chìa khóa, đóng vai trò then chốt để chúng ta khôi phục sản xuất, qua đó giúp nền kinh tế phục hồi và phát triển, khi đó sẽ tạo công ăn việc làm, bảo đảm an sinh xã hội.

Chương trình cũng xác định hỗ trợ việc làm, bảo đảm an sinh xã hội; hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động với gần 60.000 tỷ đồng. Đây là mức hỗ trợ rất cần thiết và kịp thời. Thời gian qua, rất nhiều lao động chỉ mất việc nửa tháng đã không còn đủ tiền sinh hoạt, chi trả tiền thuê nhà trọ và phải về quê.

Tuy nhiên, tôi cho rằng, hỗ trợ cho người lao động căn cơ nhất vẫn là bảo đảm tiền lương đủ sống. Đồng thời, phải quan tâm tới nhà ở cho công nhân, như xây dựng các khu ký túc xá, để họ được thuê nhà giá rẻ.

Nếu được thông qua, việc triển khai Chương trình hỗ trợ cần có thủ tục đơn giản, thuận tiện, như với việc giải ngân khoản bảo hiểm thất nghiệp vừa qua, tránh bớt khâu trung gian. Đặc biệt, cần quan tâm tới nhóm lao động “yếu thế của yếu thế”, là những phụ nữ lao động di cư đang mang thai hoặc nuôi con nhỏ, hay lao động mà trong nhà có người ốm đau bệnh tật… để có hỗ trợ thỏa đáng.

Đan Thanh thực hiện