Sau làn sóng hồi hương

- Chủ Nhật, 10/10/2021, 05:49 - Chia sẻ
Hàng chục nghìn người dân từ tâm dịch phía Nam đã trở về quê nhà an toàn sau nhiều giờ chạy xe máy xuyên nắng mưa, đêm ngày; sau những chuyến ô tô, tàu hỏa do địa phương hoặc các nhóm thiện nguyện tổ chức, sắp xếp… Và hẳn là vẫn còn rất nhiều người khác đang trên hành trình trở về hoặc chờ đợi chính quyền địa phương lên phương án đưa đón…

Nhu cầu về quê của những lao động tha hương hoàn toàn chính đáng. Sống trong vùng dịch, họ phải chịu nỗi bất an về đời sống kinh tế cũng như tâm lý. Có thể trở thành F0 là rủi ro lớn; nếu không may nhiễm bệnh thì việc chữa chạy cũng trở nên khó khăn. Lo lắng lớn hơn là bài toán cơm áo gạo tiền khi việc làm không có, tiền dành dụm đã hết và tương lai không có gì bảo đảm.

Trở về quê nhà, khó khăn trước mắt họ chắc vẫn rất lớn khi việc làm chưa được bảo đảm. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh ở quê nhà có phần yên ổn hơn; có người thân, anh em, bạn bè “lá lành đùm lá rách” hỗ trợ. Ruộng vườn sẵn đó cũng có thể giúp họ vượt qua những ngày khốn khó. Hơn nữa, chi phí sinh hoạt ở quê “dễ thở” hơn rất nhiều so với đô thị.

Nếu như người lao động hồi hương với tâm lý “cứ về nhà đã, mọi việc tính sau” thì đối với chính quyền các cấp, yêu cầu đặt ra là cần có tầm nhìn xa hơn, tính toán đến các kịch bản và kế hoạch cụ thể để xử lý các vấn đề đặt ra khi tiếp nhận người lao động trở về. Làn sóng hồi hương đặt ra hai bài toán, cả ngắn hạn và dài hạn. Ngắn hạn là sắp xếp cách ly, xét nghiệm và chuẩn bị hệ thống y tế để điều trị nếu dịch bệnh diễn biến xấu. Dài hạn là xử lý các vấn đề kinh tế - xã hội đi kèm. Trong trường hợp đa phần người dân lựa chọn ở lại quê nhà sẽ tạo ra thách thức lớn về hạ tầng xã hội, gồm trường học, cơ sở y tế, an ninh trật tự... Việc làm và thu nhập cũng có thể là vấn đề lớn khi dân số đột ngột tăng lên.

Sau khi dịch bệnh lắng xuống, kinh tế phục hồi cũng đặt ra vấn đề phối hợp giữa địa phương trong việc đưa người dân trở lại làm việc trong các nhà máy, cơ sở sản xuất, dịch vụ. Các địa phương phát triển công nghiệp, trong đó có TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương… hầu như không có đủ nguồn lao động tại chỗ mà phải tuyển dụng thêm ở các tỉnh lân cận và các tỉnh miền Bắc. Doanh nghiệp không thể tự xoay xở để giải quyết bài toán đưa người lao động trở lại an toàn mà cần đến sự hỗ trợ từ chính quyền. Một kế hoạch bài bản hơn trong việc cung cấp thông tin cho người lao động, lên kế hoạch di chuyển an toàn, có tổ chức, được điều phối tốt từ Trung ương (thay vì tự phát như khi rời đi), là cần thiết. Điều này cũng cần tính toán và lên kế hoạch ngay từ bây giờ, tránh bị động để xảy ra tình trạng dịch đã được kiểm soát, có thể mở cửa trở lại thì các doanh nghiệp lại thiếu hụt lao động. Vai trò của cấp Trung ương là cần được nêu cao, gắn với trách nhiệm cụ thể, tránh tình trạng “khoán” cho các tỉnh tự lo như giai đoạn vừa qua.

Về mặt dài hạn, các cơ quan làm chính sách ở cấp độ quốc gia cũng cần nhìn lại vấn đề dòng người ồ ạt hồi hương vừa qua và các hệ quả, cũng như hàm ý chính sách của nó. Một loạt vấn đề đặt ra cần phải có câu trả lời. Chính sách công nghiệp hóa, kéo theo dòng người nhập cư đô thị trong 30 năm qua thành công đến mức nào trong việc thay đổi cuộc sống, sinh kế và an sinh xã hội cho lực lượng lao động này? Đâu là những lỗ hổng lớn về an sinh xã hội cần xử lý, để tránh lặp lại dòng “hồi hương ngược” đau lòng nếu có cú sốc kinh tế - xã hội xảy ra trong tương lai? Trong số những người ra Bắc lần này, có rất nhiều người dân tộc thiểu số, vậy phải chăng đã có một luồng di cư dân tộc thiểu số suốt thời gian qua? Mức độ và hệ quả của vấn đề này như thế nào?  

Câu chuyện không đơn giản là những cuộc trở về - ra đi. Những vấn đề phía dưới, thuộc về phần chìm của “tảng băng” là nghiêm trọng và cần có những đánh giá, nghiên cứu và giải pháp chính sách căn bản hơn.

Cẩm Phô