Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long

Sâu sát, cầu thị và trách nhiệm

- Thứ Năm, 11/11/2021, 06:17 - Chia sẻ
Là “tư lệnh ngành” đầu tiên đăng đàn trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội trong nhiệm kỳ Khóa XV, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long ghi dấu ấn trên nghị trường là một Bộ trưởng thẳng thắn, sâu sát và nắm rất vững lĩnh vực phụ trách dù y tế thời gian qua, trước những diễn biến khó lường của đại dịch Covid-19, luôn là lĩnh vực “nóng” nhất, căng thẳng nhất, phức tạp nhất. 32 đại biểu chất vấn trực tiếp, 6 đại biểu tranh luận, 1 Phó Thủ tướng và 3 Bộ trưởng khác tham gia giải trình đã cho thấy "sức nóng" của lĩnh vực liên quan trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng của Nhân dân và cả sự phục hồi kinh tế - xã hội của đất nước trong thời gian tới.
	Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long
Bộ trưởng Bộ Y tế  Nguyễn Thanh Long

Công khai, minh bạch toàn bộ quá trình quản lý

Phiên chất vấn dành cho Bộ trưởng Bộ Y tế “nóng” ngay từ những phút đầu khi các đại biểu Quốc hội đề cập trực diện đến vấn đề có hay không lợi ích nhóm trong việc nhập kít xét nghiệm Covid-19, có hay không tình trạng Bộ Y tế buông lỏng quản lý để giá xét nghiệm dịch Covid-19 “trôi nổi” mỗi nơi một kiểu và những sai phạm của cán bộ quản lý, cụ thể là lãnh đạo một số bệnh viện trong việc thực hiện đấu thầu, mua sắm trang thiết bị y tế…

Chủ động “xin Quốc hội cho dành thời gian dài hơn” cho câu hỏi về giá kít xét nghiệm, quản lý giá trang thiết bị y tế sinh phẩm phòng, chống dịch, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long đã giải trình cặn kẽ những nguyên nhân khách quan, chủ quan dẫn đến tình trạng giá mỗi nơi một kiểu, mỗi hãng một giá, mỗi thời điểm do cung - cầu khác nhau cũng có giá khác nhau và khẳng định “biện pháp của Bộ Y tế cũng đã triển khai rất quyết liệt”. Trong đó, Bộ đã từng bước minh bạch hóa việc cung ứng trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế. Đặc biệt, Bộ Y tế đang phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa mặt hàng sinh phẩm chẩn đoán dịch Covid-19 vào diện bình ổn giá trong trường hợp cần thiết. Các sản phẩm này hiện đã được đưa vào diện quản lý giá. Ngay trước phiên chất vấn này, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư 16 về giá xét nghiệm và chỉ tính giá tối đa với xét nghiệm nhanh là 106.000 đồng, nếu đơn vị y tế đấu thầu với giá sinh phẩm thấp hơn thì chỉ được thu giá thấp hơn.

Những hành động cụ thể đã làm và đang làm, những cam kết đối với từng nội dung chất vấn của đại biểu Quốc hội cũng đã được Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long đưa ra tại phiên chất vấn, thể hiện tinh thần cầu thị, trách nhiệm của một “tư lệnh ngành”. Kể cả trong những lĩnh vực mà ông thừa nhận là “hết sức đau lòng” như cán bộ ngành y tế bị kỷ luật, khởi tố, đặc biệt là có cả những cán bộ là giáo sư, bác sĩ có năng lực chuyên môn hàng đầu của ngành y tế, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cũng không vòng vo, né tránh thực tế. Ông cũng không tranh thủ diễn đàn của Quốc hội để kể về những thành tựu, những nỗ lực, vất vả, hy sinh của ngành y tế trong gần 2 năm qua khi kẻ thù vô hình mang tên Covid-19 ập đến và tàn phá khốc liệt hơn bất kỳ dịch bệnh nào từng xảy ra trước đó, ngược lại, đã chủ động nhận trách nhiệm trong nhiều việc như: chiến lược vaccine phòng Covid-19 tiếp cận sớm nhưng việc mua được vaccine còn chậm; những vướng mắc về cơ chế tài chính đối với trung tâm y tế huyện…

Dù vậy, có sự tiếc nuối ở phiên chất vấn đầu tiên này khi một số đại biểu Quốc hội dù đã sử dụng quyền tranh luận nhưng vẫn chưa truy được đến cùng sự việc. Như tình trạng “loạn giá xét nghiệm” Covid-19, rõ ràng câu trả lời “do quá bận về công tác phòng, chống dịch” nên một số đơn vị vẫn thu giá xét nghiệm “trên trời” so với yêu cầu phải “thực thanh, thực chi” của Bộ Y tế mà Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long đưa ra chưa thể làm hài lòng cử tri. Đằng sau câu chuyện đó liệu có đơn giản chỉ là “do quá mải mê, quá bận chống dịch”? Và nếu thực sự chỉ đơn giản là thế thì những thiệt hại mà người dân, doanh nghiệp phải gánh chịu trong thời gian qua do chi phí xét nghiệm quá cao - ai sẽ chịu trách nhiệm? Chưa kể, dịch đã bùng phát gần 2 năm nhưng đến ngày 8.11 vừa qua, tức là chỉ 2 ngày trước phiên chất vấn, Bộ Y tế mới có Thông tư 16 về giá dịch vụ xét nghiệm Covid-19 là quá chậm.

Hôm qua, trên nghị trường, Bộ trưởng Bộ Y tế nhiều lần nhắc đến bốn chữ “chưa có tiền lệ”. Đúng là vì “chưa có tiền lệ” nên sự lúng túng là có và trong một số trường hợp có thể thông cảm được nhưng rõ ràng cũng phải nghiêm khắc rút kinh nghiệm trong công tác quản lý thời gian tới.

Tuyệt đối không để xảy ra bị động, lúng túng, bất ngờ

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trong phát biểu kết luận phiên chất vấn đối với Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhận xét, phần trả lời của Bộ trưởng “đã cơ bản làm hài lòng đa số các đại biểu Quốc hội”. Điều đó cũng có nghĩa là, vẫn còn rất nhiều việc mà Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long và ngành y tế phải làm sau phiên chất vấn. Trong đó, có ba việc mà Chủ tịch Quốc hội đặc biệt lưu ý trong quá trình điều hành.

Một là, phải đúc kết được kinh nghiệm phòng, chống dịch vừa qua để sớm tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành chiến lược tổng thể về kiểm soát dịch bệnh Covid-19 trong điều kiện thích ứng an toàn, kiểm soát hiệu quả và linh hoạt; tuyệt đối không để xảy ra bị động, lúng túng, bất ngờ trên cơ sở nâng cao năng lực phân tích, đánh giá, dự báo và xây dựng các kịch bản, các phương án đối phó phù hợp nhất.

Hai là, theo tinh thần Nghị quyết 19 của Trung ương về sắp xếp, đổi mới các đơn vị sự nghiệp công lập, với các bệnh viện đã tự chủ hoàn toàn thì được phép tổ chức hạch toán như doanh nghiệp và phải kiểm toán hằng năm báo cáo về tài chính, hoặc là Kiểm toán nhà nước hoặc là kiểm toán độc lập phải làm việc này. Vậy chúng ta đã thực hiện nghiêm việc này chưa, hay là đến khi "mất bò mới lo làm chuồng"? Những câu chuyện như liên kết đặt máy, mua bán thuốc, vật tư, thiết bị y tế theo Nghị quyết 19 của Trung ương đều phải tiến hành kiểm toán và công khai. Do đó, phải kiểm tra lại việc này.

Ba là, các đơn vị y tế cấp huyện sau khi sắp xếp, trong đề án đã nói rõ, ngành y tế chỉ quản lý về mặt chuyên môn, còn vấn đề con người, nhân sự, quản lý đất đai… thuộc trách nhiệm của địa phương. Việc này đã thực hiện 4 - 5 năm nay nhưng tại sao bây giờ lại làm rất khác nhau, rất không thống nhất giữa các địa phương? Đây là vấn đề rất lớn, qua phòng, chống dịch, năng lực của y tế cơ sở càng bộc lộ rõ nét, thậm chí đã khiến chúng ta phải trả giá rất đắt như nhận định của nhiều đại biểu Quốc hội công tác trong ngành y tế tại các phiên thảo luận vừa qua. 

Sau phiên chất vấn, Quốc hội sẽ ban hành nghị quyết, xác lập rõ các mục tiêu, yêu cầu, thời hạn để Chính phủ, bộ trưởng và các bộ, ngành liên quan triển khai. Với tinh thần cầu thị, trách nhiệm, sự sâu sát trong lĩnh vực quản lý của Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long và cả những tồn tại, hạn chế, những bài học kinh nghiệm quý giá và đau xót đã được nhận diện, đúc rút vừa qua, có cơ sở để mong đợi những chuyển biến của lĩnh vực y tế trong thời gian tới.

Lam Anh