Sẽ có ngôi sao thứ 51 trên quốc kỳ Mỹ?

- Thứ Bảy, 30/01/2021, 06:32 - Chia sẻ
Một số nghị sĩ Hạ viện và Thượng viện Mỹ vừa tiếp tục giới thiệu dự luật có thể biến Thủ đô Washington, Đặc khu Columbia trở thành bang thứ 51 của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ. Nếu được thông qua, đây sẽ là cột mốc quan trọng trong lịch sử hình thành và phát triển nước Mỹ, có thể dẫn đến một ngôi sao mới trên lá quốc kỳ.

Lý lẽ thuyết phục

Tại Hạ viện, dự luật được bà Eleanor Holmes Norton, một đảng viên Dân chủ giới thiệu lại với tư cách là đại biểu không biểu quyết của Hạ viện, đại diện cho Đặc khu Columbia, tên chính thức của Thủ đô Washington. Đặc khu này có đại diện phục vụ trong các ủy ban, giới thiệu luật cũng như phát biểu ở Hạ viện nhưng không được phép bỏ phiếu thông qua bất kỳ luật nào. Trong khi đó, bản “đồng hành” của dự luật trên cũng được Thượng nghị sĩ Dân chủ Tom Carper của bang Delaware công bố ở Thượng viện.

		Nguồn: Getty Image
Nguồn: Getty Image

Trong tuyên bố của mình, bà Norton cho biết chưa bao giờ cơ hội để Đặc khu Columbia bước lên vị trí tiểu bang lại có tiềm năng như bây giờ. Bà cho biết thêm, dự luật tương tự từng được Hạ viện Mỹ thông qua lần đầu tiên vào năm ngoái và bản hiện tại đã có “kỷ lục” 202 nghị sĩ Hạ viện ủng hộ. Bên cạnh đó, dự luật đồng hành với nó tại Thượng viện cũng thu hút được nhiều nhà đồng bảo trợ. Vì vậy, bà lạc quan rằng “chúng tôi sẵn sàng đạt được mục tiêu có đại diện bỏ phiếu và toàn quyền tự quản địa phương cho hơn 712.000 công dân của Đặc khu Columbia”.

Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi và lãnh đạo phe đa số tại Hạ viện, ông Steny Hoyer đã cam kết đưa dự luật ra biểu quyết. Trong bối cảnh đảng Dân chủ chiếm đa số tại Hạ viện và Thượng viện, với sự ủng hộ của Tổng thống Joe Biden, bà Norton tin tưởng “đây là lúc có thể sửa chữa bất công lịch sử để mang lại cho công dân Đặc khu Columbia các quyền giống như những người Mỹ đóng thuế khác”.

Nhiều người dân tại Washington, Đặc khu Columbia lâu nay luôn tranh luận về việc họ không được coi là bang, bởi họ cũng đóng thuế nhưng lại không có đại diện tại Thượng viện và chỉ có đại biểu không được biểu quyết tại Hạ viện. Đảng Dân chủ có truyền thống ủng hộ quan điểm đó, vì thế người dân thủ đô thường có xu hướng tự do và nghiêng về ủng hộ đảng này. Đây cũng chính là lý do phe Cộng hòa không muốn Đặc khu Columbia trở thành bang.

Tuy nhiên, Thượng nghị sĩ Carper cho rằng, vị thế bang của Đặc khu Colombia “không phải vấn đề của người Cộng hòa hay người Dân chủ”. Theo ông, “đó là vấn đề của nước Mỹ, vì việc thiếu sự đại diện công bằng cho công dân Đặc khu Columbia không phù hợp với các giá trị mà đất nước được thành lập”. “Do đó, tất cả chúng ta, những người được quyền biểu quyết và đại diện, đều phải có trách nhiệm để hiện thực hóa mong muốn của công dân ở Đặc khu Columbia”, ông kêu gọi.

Bản thân Thống đốc Đặc khu Columbia Muriel Bowser đã lên tiếng hoan nghênh bước đi mới của các nghị sĩ. Bà viết trên Twitter: “Nhiều thế hệ người dân ở Washington đã bị từ chối quyền tham gia vào nền dân chủ của chúng ta - để có tiếng nói và phiếu bầu tại Quốc hội, giúp định hình tương lai của quốc gia và có tiếng nói về các thẩm phán của Tòa án Tối cao”. Thực tế, từ năm 2000, Thủ đô Washington bắt đầu in khẩu hiệu “Nộp thuế mà không có đại diện” trên tất cả biển số phương tiện giao thông của thành phố, và năm 2016, khẩu hiệu trên được cập nhật thành “Chấm dứt nộp thuế mà không có đại diện”.

Có dễ trở thành hiện thực?

Dự luật biến Thủ đô Washington trở thành bang thứ 51 từng được đưa ra năm 2013, và nó tiếp tục được đệ trình cho tới nay. Nhiều người ủng hộ chỉ ra rằng, không có lý do nào được hiến định, mà Thủ đô Washington, một thành phố rộng 68 dặm vuông với dân số đông hơn bang Utah và Vermont, lại không thể trở thành tiểu bang. Trong khi đó, những người phản đối lại lập luận Hiến pháp Mỹ đòi hỏi áp đặt thẩm quyền liên bang đầy đủ đối với Đặc khu Columbia, vì vậy phải loại bỏ quy chế tiểu bang. Tuy nhiên, có người phản biện Hiến pháp chỉ khẳng định những vùng đất thuộc thẩm quyền liên bang không thể vượt quá 10 dặm vuông, mà không cấm vạch ra khu vực hạn chế nơi đặt các tòa nhà chính phủ, nằm dưới sự kiểm soát của liên bang, trong khi biến phần còn lại của Thủ đô Washington thành bang.

Những kêu gọi biến Thủ đô Washington trở thành bang mới ngày càng tăng từ khi ông Donald Trump chiến thắng bằng lá phiếu đại cử tri nhưng thua phiếu phổ thông; cùng với hậu quả của cuộc biểu tình bạo lực tại Đồi Capitol vừa qua, do giới chức thủ đô không thể kích hoạt hoạt động Lực lượng Vệ binh quốc gia vì không thực sự là một bang, mà phải dựa vào Nhà Trắng để huy động lực lượng này.

Mặc dù dự luật có thể được thông qua tại Hạ viện, nơi vẫn nằm trong sự kiểm soát của đảng Dân chủ, nhưng cơ hội để nó qua được Thượng viện không dễ. Bởi với tương quan 50 - 50 ghế, mặc dù đảng Dân chủ có lợi thế từ lá phiếu quyết định của Phó Tổng thống Kamala Harris, nhưng để được thông qua, dự luật cần nhận được sự ủng hộ của ít nhất 60 Thượng nghị sĩ, nghĩa là phải có ít nhất 10 thành viên đảng Cộng hòa tại Thượng viện bỏ phiếu cho nó. Mà khả năng đó là tính đến trường hợp cả 50 Thượng nghị sĩ Dân chủ đều ủng hộ. Tuy nhiên, trên thực tế, Thượng nghị sĩ Dân chủ Joe Manchin của bang Virginia từng công khai phản đối việc đưa Washington trở thành bang riêng.

Trong khi đó, đề xuất của đảng Dân chủ luôn vấp phải sự phản đối của đảng Cộng hòa khi cho rằng đây là nỗ lực nhằm mở rộng lợi ích của đảng Con lừa tại Đồi Capitol. Theo nhiều nhà lập pháp Cộng hòa, nếu Đặc khu Columbia trở thành tiểu bang mới, thì đại diện của nơi này tại Quốc hội gần như chắc chắn thuộc về đảng Dân chủ.

Linh Anh