Sẽ gỡ “thẻ vàng” trong năm 2022

- Thứ Bảy, 23/10/2021, 19:15 - Chia sẻ
Ngày 23.10, Hiệp hội Chế biến xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) đã tổ chức Hội nghị Đánh giá 4 năm triển khai chương trình doanh nghiệp hải sản cam kết chống khai thác IUU. Tại đây, với quyết tâm chính trị cao, về phía cơ quan chức năng, hiệp hội, doanh nghiệp đều nhấn mạnh sẽ quyết tâm ngăn chặn triệt để tình trạng tàu cá vi phạm nước ngoài và tiến tới gỡ thẻ vàng trong năm 2022.

Đã có nhiều nỗ lực

Phó Tổng thư ký VASEP Nguyễn Hoài Nam cho biết, trong 4 năm (2017 - 2021), VASEP và cộng đồng doanh nghiệp hải sản đã duy trì 4 nhóm hoạt động là cam kết chống khai thác IUU của doanh nghiệp, hoạt động đề xuất và góp ý sửa đổi văn bản pháp lý, hoạt động hợp tác các bên, quan hệ quốc tế và truyền thông. Tới nay, đã có 62 nhà máy chế biến và xuất khẩu hải sản tham gia cam kết chống IUU. VASEP đã phát hành “Sách Trắng về Nỗ lực chống Khai thác IUU tại Việt Nam”. 4 năm qua phía Tổng cục thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) cùng các doanh nghiệp đã cố gắng hoàn thiện khung pháp lý. Hoạt động hợp tác các bên cũng được đẩy mạnh, nỗ lực thực hiện cam kết với các bên để mở rộng công tác phối hợp không chỉ với EU mà còn trong nước.

Kiên quyết gỡ thẻ vàng trong năm 2022
Nguồn: INT

Ông Nam đánh giá, chương trình cam kết đã bám sát quy chế hàng năm, từ đó có kế hoạch, mục tiêu cụ thể, cố gắng có nguồn lực, thể hiện sự ưu tiên cho công tác này. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề còn tồn đọng như chưa có nhiều các hoạt động trực tiếp hỗ trợ ngư dân. Chưa phối hợp được nhiều với các cảng cá và Chi cục thủy sản, sự tham gia, chia sẻ từ doanh còn hạn chế. Chưa kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc của cộng đồng doanh nghiệp, còn ách tắc về nguyên liệu và một số quy định hành chính khác. Bên cạnh đó, dù quy định pháp luật đã có đủ và đều có cơ quan nhà nước cụ thể quản lý nhưng cơ chế thúc đẩy, giám sát việc cam kết tuân thủ của các doanh nghiệp chưa nhiều.

Phó giám đốc Trung tâm Vasep Pro Lê Hằng chi rõ, “thẻ vàng” không chỉ đến gây ảnh hưởng đến việc xây dựng nghề cá bền vững, có trách nhiệm mà còn khiến tình hình xuất khẩu bị sụt giảm. Nếu so sánh 2017 – 2019, sau 2 năm chịu tác động từ thẻ vàng xuất khẩu hải sản sang thị trường EU giảm 12%, tương đương 183,5 triệu USD. Tổng kim ngạch xuất khẩu hải sản giảm trên 10%, tương đương giảm 43 triệu USD. Xu hướng giảm này tiếp tục kéo dài hơn nữa vào năm 2020, đặc biệt trong bối cảnh Covid-19.

Tác động gián tiếp sẽ làm sụt giảm uy tín, gây ra áp lực nhiều hơn, không tận dụng được thuế quan ưu đãi của EVFTA. Nếu để bị thẻ đỏ, ngành thủy sản Việt Nam sẽ mất thị trường EU với trị giá xuất khẩu gần 480 triệu USD. Điều quan trọng sẽ không duy trì tăng trưởng trong những năm tới, khó đạt được mục tiêu mà Chính phủ đặt ra là xuất khẩu thủy sản 16-18 tỷ USD năm 2030. Ảnh hưởng đến đời sống của 4,7 triệu lao động và tác động mạnh đến các ngành khác do thay đổi cơ cấu lao động của ngành thủy sản. “Khó khăn có quá nhiều, việc cần làm bây giờ phải hướng tới nhanh chóng gỡ thẻ vàng sớm nhất có thể”, bà Hằng chỉ rõ.  

Kiên quyết chấm dứt tàu cá vi phạm

Vụ trưởng Vụ pháp chế-Thanh Tra, Tổng cục thủy sản Phan Thị Huệ thông tin, qua hai lần đánh giá trực tiếp vào năm 2018 và 2019, 2 cuộc trao đổi trực tuyến vào năm 2020, Ủy ban châu Âu (EC) đánh giá rất cao và ghi nhận quyết tâm chính trị của Việt Nam. Tuy nhiên, EC cũng từng khẳng định nếu Việt Nam không giải quyết tốt tình trạng gỡ tàu cá vi phạm ở vùng biển nước ngoài trong thời gian tới thì sẽ không gỡ thẻ vàng.  

Muốn hướng tới mục tiêu gỡ thẻ vàng, bà Huệ đề nghị, cần thực hiện các biện pháp mạnh, đồng bộ, quyết liệt để giảm số tàu cá vi phạm, chấm dứt hoàn toàn tình trạng tàu cá Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài. Tiếp tục triên khai quyết liệt, đồng bộ các ý kiến chỉ đạo của thương trực Ban bí thư, Thủ tướng Chính phủ, ban chỉ đạo quốc gia về IIUU. Quan trọng vẫn phải hoàn thiện hệ thống các văn bản thủy sản nói chung, về chống khai thác IUU nói riêng, phù hợp với yêu cầu EC. Bên cạnh đó, quan tâm bố trí nguồn vốn đầu tư công trung hạn để nâng cấp hạ tầng nghề cá ven biển.

“Ngày 27.10.2021 tới sẽ có một cuộc làm việc với EC về vấn đề thẻ vàng. Điều kiện đủ là chúng ta phải chấm dứt tàu cá vi phạm ở vùng biển nước ngoài nhưng điều kiện cần là phải quan tâm khung pháp lý và vực dậy được từng mắc xích trong chuỗi này. Hướng đến nghề cá phát triển, lấy lại uy tín, khẳng định vị trí xuất khẩu của Việt Nam trên trường quốc tế”, bà Huệ nhấn mạnh.

 “Tín hiệu đáng mừng là trong 1 năm qua số tàu cá vi phạm gần như giảm hẳn. Để giữ vững kết quả trên, thời gian tới lực lượng cảnh sát biển sẽ tích cực sử dụng nhiều lực lượng, tăng cừng hoạt động tuần tra giám sát. Nhưng quan trọng vẫn là thay đổi trong nhận thức chấp hành của ngư dân. Phải ngăn chặn từ gốc, từ bờ như vậy mới là hiệu quả”, Thượng tá Nguyễn Đình Phúc- Phó trưởng ban Phòng an ninh, an toàn hàng hải, Cảnh sát biển Việt Nam nhấn mạnh.

Nói về kế hoạch trong thời gian tới, ông Nguyễn Hoài Nam cho biết, VASEP sẽ tiếp tục duy trì các hoạt động được đánh giá cao trong 4 năm qua, cải thiện các hoạt động còn hạn chế, đồng hành với Chính phủ và Bộ NN-PTNT vì mục tiêu chung đến năm 2022 gỡ được thẻ vàng của EC. Mong muốn, có thể có nhiều hoạt động để hỗ trợ hơn 60 nhà máy trong vấn đề hoàn thiện hồ sơ kiểm soát IUU. Thời gian tới, sẽ cố gắng tuân thủ tôn chỉ mục tiêu hoạt động của Chương trình, duy trì 4 nhóm hoạt động và có kế hoạch cụ thể cho từng năm.

Hạnh Nhung