Bạn đọc viết

Sẽ không còn tình trạng “ôm” phí bảo trì chung cư

- Thứ Hai, 05/04/2021, 06:59 - Chia sẻ
Với những quy định được đánh giá là cụ thể hơn, chế tài mạnh hơn đối với chủ đầu tư nhằm bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư, người mua nhà Nghị định số 30/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 99/2015/NĐ-CP ngày 20.10.2015 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Nhà ở, Chính phủ đã sửa đổi, bổ sung Điều 37 thủ tục cưỡng chế bàn giao kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư.

Theo đó, trong trường hợp chủ đầu tư không bàn giao kinh phí bảo trì theo quy định thì Ban quản trị nhà chung cư có văn bản đề nghị UBND cấp tỉnh - nơi có nhà chung cư - yêu cầu chủ đầu tư bàn giao kinh phí bảo trì theo quy định. Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được văn bản của Ban quản trị nhà chung cư, UBND cấp tỉnh có văn bản yêu cầu tổ chức tín dụng nơi chủ đầu tư mở tài khoản tiền gửi kinh phí bảo trì cung cấp thông tin về số tài khoản, số tiền trong tài khoản. Trong thời hạn 7 ngày, kể từ ngày nhận được văn bản của UBND cấp tỉnh, tổ chức tín dụng có trách nhiệm cung cấp thông tin cho UBND cấp tỉnh. Căn cứ vào thông tin do tổ chức tín dụng cung cấp, UBND cấp tỉnh ban hành quyết định cưỡng chế thu hồi kinh phí bảo trì để bàn giao cho Ban quản trị nhà chung cư. Quyết định cưỡng chế này được gửi đến Sở Xây dựng, chủ đầu tư, Ban quản trị nhà chung cư và tổ chức tín dụng nơi chủ đầu tư mở tài khoản để thực hiện chuyển giao kinh phí bảo trì.

Nghị định cũng nêu rõ, trong thời hạn 5 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định cưỡng chế, tổ chức tín dụng đang quản lý tài khoản tiền gửi kinh phí bảo trì có trách nhiệm chuyển kinh phí này sang tài khoản do Ban quản trị nhà chung cư lập để quản lý, sử dụng theo quy định của pháp luật về nhà ở. Sau khi chuyển kinh phí bảo trì sang tài khoản của Ban quản trị nhà chung cư, tổ chức tín dụng phải có văn bản thông báo cho UBND cấp tỉnh, Sở Xây dựng, chủ đầu tư và Ban quản trị nhà chung cư biết.

Đặc biệt, Nghị định cũng quy định thủ tục cưỡng chế kê biên tài sản của chủ đầu tư đối với trường hợp không có kinh phí để bàn giao được thực hiện như sau: Trường hợp chủ đầu tư có tài khoản kinh doanh nhưng không còn tiền hoặc không còn đủ tiền để khấu trừ, UBND cấp tỉnh chỉ đạo Sở Xây dựng chủ trì, phối với cơ quan công an và cơ quan liên quan kiểm tra, xác định cụ thể diện tích nhà, đất của chủ đầu tư tại dự án nơi có nhà chung cư hoặc tại dự án khác để thực hiện việc kê biên và tổ chức bán đấu giá, thu hồi kinh phí bảo trì.

Trường hợp chủ đầu tư không có diện tích nhà, đất hoặc có diện tích nhà, đất để kê biên nhưng không đủ giá trị để bán thu hồi kinh phí bảo trì thì thực hiện xác định tài sản khác của chủ đầu tư để bán đấu giá thu hồi đủ kinh phí chuyển giao cho Ban quản trị nhà chung cư. UBND cấp tỉnh chỉ thực hiện kê biên diện tích nhà, đất hoặc tài sản khác có giá trị tương đương với số kinh phí bảo trì phải thu hồi để bàn giao cho Ban quản trị nhà chung cư và chi phí cho việc tổ chức thi hành cưỡng chế, bán đấu giá tài sản này. Trên cơ sở diện tích nhà, đất hoặc tài sản khác của chủ đầu tư đã được xác định theo quy định tại Điểm a khoản này, trong thời hạn 10 ngày, Sở Xây dựng phải có văn bản báo cáo UBND cấp tỉnh ban hành quyết định cưỡng chế kê biên tài sản của chủ đầu tư để bán đấu giá thu hồi kinh phí bảo trì nhà chung cư. Trong quyết định cưỡng chế kê biên tài sản phải nêu rõ căn cứ ban hành quyết định, tên, trụ sở của chủ đầu tư thực hiện kê biên tài sản, số kinh phí bảo trì phải thu hồi, chủng loại, số lượng tài sản phải kê biên và địa điểm kê biên tài sản.

Như vậy, với quy định UBND tỉnh được áp dụng biện pháp cưỡng chế thông qua sự hỗ trợ của tổ chức tín dụng; cưỡng chế tài sản... cũng như các quy định về thời hạn ban hành, thực hiện quyết định cưỡng chế và cơ chế trao đổi thông tin giữa UBND tỉnh, sở chuyên môn, tổ chức tín dụng, hy vọng sẽ góp phần giải quyết được tình trạng chủ đầu tư “ôm tiền phí bảo trì chung cư”. Hiện, tính riêng TP Hồ Chí Minh có hơn 1.400 chung cư, nhưng chỉ gần 200 chung cư được chủ đầu tư bàn giao phí bảo trì chung cư, số còn lại chây ì hoặc đang tranh chấp, khiếu nại. 

Đình Khoa