Sẽ lập nên kỳ tích phát triển mới

- Thứ Bảy, 23/01/2021, 04:47 - Chia sẻ
Chỉ còn hai ngày nữa, Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng - sự kiện chính trị trọng đại của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta, dấu mốc rất quan trọng trong quá trình phát triển của Đảng và đất nước - sẽ chính thức khai mạc. Trao đổi với báo chí tại cuộc họp báo chiều qua, 22.1, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng tin tưởng, với sự lãnh đạo của Đảng, đất nước Việt Nam sẽ bước vào một giai đoạn mới, lập nên kỳ tích phát triển mới, phồn vinh và hạnh phúc.

Định hướng tương lai

Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực diễn biến rất nhanh, phức tạp, khó dự báo; đất nước đang đứng trước nhiều thời cơ, thuận lợi và nhiều khó khăn, thách thức đan xen, nhiều vấn đề mới đặt ra phải giải quyết; cán bộ, đảng viên, nhân dân đặt niềm tin và kỳ vọng vào những quyết sách đúng đắn, mạnh mẽ của Đảng để phát triển đất nước nhanh và bền vững hơn. 

Trao đổi với hơn 500 phóng viên, biên tập viên của gần 200 cơ quan báo chí trong nước và quốc tế tại cuộc họp báo chiều qua, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Nguyễn Đắc Vinh khẳng định, Đại hội lần thứ XIII của Đảng là sự kiện chính trị có ý nghĩa định hướng tương lai, từ đó tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, hội nhập, phát triển đất nước. Công tác chuẩn bị Đại hội đã được Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đặc biệt quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ, sát sao. Các dự thảo văn kiện trình Đại hội lần này đã được chuẩn bị rất công phu, bài bản, chu đáo; là kết tinh trí tuệ và sức sáng tạo của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta. "Tới nay, công tác chuẩn bị đã sẵn sàng mọi điều kiện với chất lượng cao nhất để tổ chức Đại hội thành công", Phó Chánh Văn phòng Trung ương cho biết. 

1.587 đại biểu đại diện cho hơn 5,1 triệu đảng viên trong cả nước sẽ tham dự Đại hội, tăng gần 80 đại biểu so với Đại hội lần thứ XII và đông nhất trong 13 kỳ Đại hội Đảng toàn quốc. Trong đó, đại biểu đương nhiên chiếm tỷ lệ 12,04%; đại biểu được bầu tại các đại hội Đảng bộ trực thuộc Trung ương chiếm tỷ lệ 87,02%; đại biểu chỉ định chiếm tỷ lệ 0,95%; đại biểu nữ chiếm tỷ lệ 13,99%; đại biểu là người dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ 11,03%... Về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, đại biểu là giáo sư, phó giáo sư chiếm tỷ lệ 4,47%; tiến sĩ chiếm tỷ lệ 12,54%; thạc sĩ chiếm tỷ lệ 54,69%; đại học chiếm tỷ lệ 32,77%. Đại biểu có trình độ lý luận chính trị cử nhân, cao cấp chiếm tỷ lệ 99,49%; trung cấp chiếm tỷ lệ 0,38%; sơ cấp chiếm tỷ lệ 0,13%. Về độ tuổi, đại biểu dưới 40 tuổi chiếm 3,59%, trên 70 tuổi chiếm 0,19%. Độ tuổi trung bình của đại biểu dự Đại hội là 52,18 tuổi, đại biểu cao tuổi nhất là 77 tuổi, đại biểu ít tuổi nhất là 34 tuổi. 

Trao đổi về các nội dung sẽ được trình Đại hội, Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng nêu rõ, quá trình chuẩn bị văn kiện luôn gắn liền với yêu cầu tổng kết thực tiễn. Dự thảo văn kiện trình Đại hội có rất nhiều điểm mới, nhất là về cách tiếp cận. Khi đưa ra tầm nhìn và định hướng phát triển đất nước thì không chỉ đặt ra cho 5 năm tới mà Trung ương đã đưa ra tầm nhìn, định hướng đến giữa thế kỷ với khát vọng phát huy ý chí, sức mạnh của người Việt Nam để xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong điều kiện mới.

Liên quan đến những điểm mới về công tác xây dựng Đảng trong dự thảo Báo cáo tổng kết công tác xây dựng và thi hành Điều lệ Đảng nhiệm kỳ Đại hội XII, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng cho biết, trong công tác xây dựng Đảng, chúng ta nhấn mạnh công tác cán bộ là then chốt, xây dựng Đảng toàn diện về mọi mặt, cả về tư tưởng chính trị, đạo đức, tổ chức và cán bộ. Công tác xây dựng Đảng gắn liền với công tác phòng, chống tham nhũng, đẩy mạnh kiểm tra, giám sát, công tác dân vận. "Chúng ta xây dựng Đảng dựa vào nhân dân, đó là điểm rất mới của văn kiện lần này".

Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương cũng chỉ rõ, các nội dung này là kết quả tổng kết thực tế công tác xây dựng Đảng thời gian qua. Xây dựng Đảng về tư tưởng, đó là kiên định nền tảng tư tưởng của Đảng, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, kiên định đường lối đổi mới của Đảng, các nguyên tắc xây dựng Đảng và thường xuyên phải đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng. Dự thảo Văn kiện nhấn mạnh xây dựng Đảng về chính trị, điều này cho thấy sự đồng bộ trong đổi mới chính trị gắn liền với sắp xếp, bố trí cán bộ, nhấn mạnh vai trò của người đứng đầu lãnh đạo Đảng và tăng cường vai trò của các cơ quan Đảng.

Cũng theo Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, rất nhiều nội dung mới, nhưng phải đồng bộ về công tác tổ chức sắp xếp bộ máy thế nào cho tinh gọn, hiệu quả trong từng lực lượng, từng tổ chức, từng cơ quan, đơn vị và đặc biệt là công tác cán bộ, 5 khâu của công tác cán bộ phải chú ý, trong đó chú ý nhất là đánh giá cán bộ. "Tới đây, Trung ương sẽ cụ thể hóa nội dung này bằng việc phải có được cơ chế để vừa khuyến khích, vừa bảo vệ được người dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới sáng tạo và dám chịu trách nhiệm về các hành động. Điều này rất mới. Nếu không có một cơ chế như vậy, chúng ta sẽ không khuyến khích được đổi mới sáng tạo theo tinh thần mới của văn kiện lần này”, ông nhấn mạnh. 

Kế thừa liên tục, vững vàng

Trao đổi với báo chí về vấn đề lựa chọn nhân sự Đại hội Khóa XIII, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương Mai Văn Chính khẳng định, đây là vấn đề có vị trí, vai trò, tầm quan trọng đặc biệt. Ngay từ đầu nhiệm kỳ, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Khóa XII đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, toàn diện, thường xuyên, chặt chẽ, bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ, đoàn kết, thống nhất cao, đồng thời tiến hành một cách khoa học, bài bản, khách quan, toàn diện theo phương châm làm từng bước, từng việc, từng khâu, làm một cách thận trọng, chặt chẽ, kỹ lưỡng, làm đến đâu chắc đến đó. 

Về cơ cấu, dự kiến Ban Chấp hành Trung ương Khóa XIII có 200 đồng chí, trong đó có 180 ủy viên chính thức và 20 ủy viên dự khuyết. Ban Chấp hành Trung ương cần có 3 độ tuổi: dưới 50, từ 50 - 60 và từ 61 tuổi trở lên; phấn đấu dưới 50 tuổi chiếm từ 15 - 20%; từ 50 - 60 tuổi khoảng 70% và 61 tuổi trở lên trên dưới 10%. Ban Chấp hành Trung ương cũng quan tâm đến cán bộ nữ, cán bộ trẻ, trong đó, cán bộ trẻ khoảng 10%, nữ khoảng 12%... 

Tỷ lệ 3 độ tuổi trong cơ cấu Ban Chấp hành Trung ương Khóa XIII như vậy, theo Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng, cũng tạo ra một sự kế thừa liên tục, vững vàng trong đội ngũ cán bộ, lãnh đạo cấp cao của Đảng. "Chúng tôi kế thừa những kinh nghiệm quý báu và cách làm hiệu quả của các kỳ đại hội trước, đồng thời bổ sung một số biện pháp phù hợp với yêu cầu tình hình thực tiễn hiện nay. Phải nói rằng, đến giờ này chúng tôi chuẩn bị khá chu đáo. Tôi lấy một ví dụ về quy trình, lần này Trung ương chuẩn bị cho các đối tượng rất chặt chẽ. Chẳng hạn như đối với Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương làm trước, tái cử làm trước, ứng cử lần đầu làm sau, sau đó mới tới Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cũng tái cử làm trước, ứng cử lần đầu làm sau, sau đó mới tới lãnh đạo chủ chốt, có trường hợp đặc biệt...", Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương thông tin thêm. 
Chỉ còn vài ngày nữa, Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng sẽ khai mạc. Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng về mọi mặt, có niềm tin chắc chắn rằng Đại hội sẽ thành công rực rỡ. Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng "tin tưởng rằng, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đất nước Việt Nam sẽ bước vào giai đoạn mới, lập nên kỳ tích mới, vì một nước Việt Nam vững mạnh". Đó cũng là niềm tin, là kỳ vọng lớn lao của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân đang hướng về Đại hội.

Nguyễn Bình - Phương Thủy