Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi)

Sẽ thay đổi nhận thức, tư duy, hành động

- Chủ Nhật, 25/10/2020, 08:47 - Chia sẻ
Trong phiên thảo luận trực tuyến sáng qua, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, chỉ nên dùng một loại giấy phép môi trường, trong đó bao gồm cả nội dung cấp phép nước xả thải vào công trình thủy lợi. Quy định này sẽ giúp đơn giản hóa thủ tục hành chính thông qua tích hợp giấy phép, rút ngắn thời gian, thủ tục cấp giấy phép, giảm bớt phiền hà cho doanh nghiệp. Đây sẽ là sự thay đổi có tính đột phá, theo hướng đơn giản, nhưng vẫn quản lý được. Nhờ vậy, chúng ta sẽ thay đổi từ nhận thức, tư duy, đến hành động trong công tác bảo vệ môi trường.

Đơn giản hóa thủ tục hành chính

Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) trình Quốc hội lần này đề xuất hai phương án về giấy phép môi trường. Với phương án 1 (phương án Chính phủ trình), sẽ chỉ dùng một loại giấy phép môi trường, trong đó bao gồm cả nội dung cấp phép nước xả thải vào công trình thủy lợi theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2014, Luật Thủy lợi và Luật Tài nguyên nước. Với phương án 2, sẽ vẫn có giấy phép “xả thải vào công trình thủy lợi” theo quy định của Luật Thủy lợi năm 2017 và đang được triển khai thực hiện một cách thuận lợi.

Đồng tình với phương án 1, tức là chỉ dùng một loại giấy phép môi trường, trong đó bao gồm cả nội dung cấp phép xả nước thải vào công trình thủy lợi, các ĐBQH Lê Minh Chuẩn (Quảng Ninh), Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp)... cho rằng, việc xác định một loại giấy phép môi trường thể hiện đúng thẩm quyền là giao cho một cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành quản lý. Đồng thời, khắc phục tình trạng nước xả thải ra môi trường phải chịu sự quản lý của hai loại giấy tờ từ hai cơ quan quản lý cấp. Phương án này sẽ đơn giản hóa thủ tục hành chính thông qua hình thức tích hợp giấy phép, rút ngắn thời gian, thủ tục cấp giấy phép, giảm bớt phiền hà cho doanh nghiệp. Đây là xu hướng tất yếu trong lộ trình cải cách mà Chính phủ đang triển khai thực hiện một cách quyết liệt.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp) phát biểu tại hội trường  

Ảnh: Quang Khánh 

Theo ĐBQH Mai Hồng Hải (Hải Phòng), việc dùng một giấy phép môi trường ngay từ đầu dự án thay cho nhiều giấy phép ở các giai đoạn thực hiện sau sẽ làm thay đổi từ nhận thức, tư duy đến hành động ở cả phía cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp trong công tác bảo vệ môi trường. Như vậy, phương án 1 sẽ là "thay đổi có tính đột phá" theo hướng "đơn giản nhưng quản lý được và có tính động viên trong công tác bảo vệ môi trường”. Hiện nay, các quy định với nhiều thủ tục hành chính xin giấy phép về môi trường làm cho doanh nghiệp có tâm lý coi đó là rào cản, phải tìm mọi cách để vượt qua, nhưng lại ít quan tâm thực hiện đúng giấy phép trong quá trình sản xuất. Khi đơn giản hóa thủ tục hành chính sẽ đặt ra yêu cầu doanh nghiệp tự giác, nghiêm túc hơn trong công tác bảo vệ môi trường, còn cơ quan quản lý nhà nước thì tập trung vào hướng dẫn, xây dựng quy chuẩn, tiêu chuẩn, thanh tra, kiểm tra. Kinh nghiệm từ công tác quản lý thuế cũng cho thấy, giao cho doanh nghiệp tự khai, tự chịu trách nhiệm, Nhà nước tập trung vào quản lý rủi ro là một hướng đi đúng, ĐB Mai Hồng Hải nhấn mạnh.

Trả lời câu hỏi có nên tích hợp hay không tích hợp giấy phép xả thải vào nguồn nước thủy lợi, ĐB Mai Hồng Hải đề nghị nên chọn phương án 1 và cho rằng lý do viện dẫn phải sửa tới 13 điều của Luật Thủy lợi nếu theo phương án 1 là không thuyết phục. Vì rằng, phương án 1 vẫn có thể bảo đảm yêu cầu bảo vệ các công trình thủy lợi vì có sự tham gia của các cơ quan quản lý công trình thủy lợi khi cấp phép chung. Song ĐB Mai Hồng Hải cũng đề nghị chú ý hai điểm, đó là “một số quy định trong giấy phép hiện hành chỉ thực hiện sau khi đã hoàn thành công trình. Ví dụ, việc xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường nay tích hợp vào một giấy phép môi trường được cấp khi chưa hoàn thành xây dựng, thì cần rà soát nội dung giấy phép để tránh mâu thuẫn, không thực hiện được trong thực tiễn. Cần quy định rõ quyền và trách nhiệm giám sát, kiểm tra của cơ quan quản lý công trình thủy lợi đối với các cơ sở có xả thải vào nguồn nước thủy lợi khi đi vào hoạt động”.

Giảm phiền hà cho doanh nghiệp

Phân tích sâu hơn về lý do chọn phương án 1, ĐBQH Dương Tấn Quân (Bà Rịa - Vũng Tàu) nêu rõ, chỉ dùng một loại giấy phép môi trường, bao gồm cả nội dung giấy phép xả thải vào công trình thủy lợi, thay thế 7 thủ tục hành chính cấp phép về môi trường là quan điểm đổi mới, sáng tạo, thể hiện tinh thần Chính phủ kiến tạo vì người dân, doanh nghiệp. Quy định này sẽ khắc phục được những bất cập, chồng chéo trong thực tiễn, giảm phiền hà cho doanh nghiệp.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Trường Giang (Đắk Nông) phát biểu tại hội trường  

Ảnh: Quang Khánh 

ĐB Dương Tấn Quân dẫn chứng, vừa qua thực hiện cấp giấy phép xả nước thải bao gồm xả nước thải vào nguồn nước và xả nước thải vào công trình thủy lợi là thừa, không cần thiết. Khi doanh nghiệp đi vào hoạt động đã được cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường cấp giấy phép xác nhận giấy phép về môi trường khi công trình xử lý chất thải đáp ứng yêu cầu kỹ thuật. Do vậy, riêng một đối tượng nước thải xả ra môi trường, doanh nghiệp đang chịu ít nhất 2 thủ tục hành chính khác nhau. Hầu hết sẽ do 2 cơ quan hoặc ngành quản lý khác nhau. Bên cạnh đó, dù căn cứ cấp các loại giấy phép, giấy xác nhận nêu trên là giống nhau, nhưng thực tế đã có nhiều trường hợp các yêu cầu bảo vệ môi trường được cấp giấy phép này lại chưa đồng bộ, làm cho doanh nghiệp lúng túng khi thực hiện.

Nếu thực hiện như phương án 2, theo ĐB Dương Tấn Quân, việc tiếp tục giao cho cơ quan quản lý công trình thủy lợi cấp giấy phép nước thải vào công trình thủy lợi là phân tán đối tượng cũng như chức năng quản lý, không áp dụng đồng bộ, xuyên suốt các công cụ quản lý. Theo đó, cơ quan quản lý công trình thủy lợi không phải là cơ quan thẩm định, phê duyệt hoặc xác nhận các hồ sơ thủ tục hành chính về môi trường của doanh nghiệp, nên rất thiếu thông tin về thời điểm doanh nghiệp đi vào hoạt động và xả nước thải vào công trình thủy lợi do mình quản lý. Pháp luật quy định, các cơ sở có nguồn thải lớn phải lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải tự nguyện tự động liên tục và truyền dữ liệu về Sở Tài nguyên và Môi trường của địa phương để theo dõi, giám sát, không truyền về cơ quan quản lý công trình thủy lợi. Và, cơ quan này cũng không có chức năng thanh tra, kiểm tra chuyên ngành về môi trường nên việc phát hiện và xử phạt xả thải vượt quy chuẩn Việt Nam đối với doanh nghiệp không bảo đảm đồng bộ thường xuyên và kịp thời...

Ghi nhận và tiếp thu ý kiến của các ĐBQH, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, giấy phép môi trường là một nội dung rất quan trọng của dự thảo Luật lần này. Qua phiên thảo luận, đa số ĐBQH đồng tình phương án 1 là thích hợp. Tuy nhiên, cũng có một số ý kiến lo lắng đến vấn đề bảo đảm chất lượng nguồn nước cung cấp cho sản xuất, sinh hoạt của các công trình thủy lợi và vấn đề cấp phép xả nước thải đang được điều chỉnh tại Luật Tài nguyên nước và Luật Thủy lợi, theo phương án này sẽ phải điều chỉnh cả Luật Tài nguyên nước. Cho nên, theo Phó Chủ tịch Quốc hội, cần được cân nhắc kỹ lưỡng, và Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ nghiên cứu, báo cáo Quốc hội rõ về vấn đề này.

Ý Nhi