“Selftest” – nên hay không?

- Thứ Tư, 04/08/2021, 06:05 - Chia sẻ
Trong công văn khẩn vừa gửi Thủ tướng, Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính cho biết, cộng đồng doanh nghiệp tiếp tục đề xuất Thủ tướng quan tâm đặc biệt tới chiến dịch “selftest - tự mua dụng cụ để chủ động xét nghiệm”.

Doanh nghiệp muốn được “selftest” vì 2 lý do. Trước hết, giải pháp này giúp họ tiết kiệm được khoản chi phí tương đối lớn so với hình thức xét nghiệm dịch vụ, thậm chí có nơi độc quyền bởi các trung tâm y tế.

Xét nghiệm Covid hiện được tiến hành bởi các cơ sở y tế do Sở Y tế địa phương chấp thuận. Chi phí khoảng 700.000 - 1.000.000 đồng nếu xét nghiệm PCR, xét nghiệm nhanh trung bình trên 200.000 đồng. Ban IV cho biết, theo số liệu ước tính của Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam và Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, chỉ tính riêng nhóm lái xe vận tải hàng hóa vào khoảng 800.000 người trên cả nước, với tần suất xét nghiệm PCR từ 11 - 15 lần/tháng, các doanh nghiệp vận tải đã phải bỏ ra chi phí hàng nghìn tỷ đồng. Đó là chưa kể các doanh nghiệp thực hiện “3 tại chỗ” cho hàng trăm nghìn công nhân phải xét nghiệm Covid 3 ngày/lần, và hàng chục triệu người lao động trong các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh khác cũng phải thực hiện xét nghiệm.

Nếu doanh nghiệp được tự mua dụng cụ để chủ động xét nghiệm, chắc chắn chi phí họ bỏ ra sẽ thấp hơn. Theo công bố của Bộ Y tế, hiện có 7 sản phẩm test kit nhanh kháng nguyên đã được cho phép lưu hành, bao gồm 1 sản phẩm sản xuất trong nước và 6 sản phẩm nhập khẩu, giá từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng/test kit. Chỉ cần chọn loại kit test nhanh giá 100.000 đồng, doanh nghiệp đã có thể tiết kiệm được một nửa chi phí.

Lý do thứ 2 là giải pháp này giúp người lao động tránh được các rủi ro lây lan dịch bệnh khi thường xuyên phải xếp hàng tập trung đông người để đăng ký xét nghiệm, kiểm tra giấy kết quả xét nghiệm... Trên thực tế, không khó để bắt gặp sự đông đúc, đôi khi không bảo đảm giãn cách ở các điểm xét nghiệm Covid trên cả nước. Chỉ cần có một F0 trong số đó là hệ quả đã khôn lường.

Tuy vậy cũng có một số vấn đề đặt ra nếu doanh nghiệp được phép tự mua dụng cụ để chủ động xét nghiệm. Chẳng hạn tình trạng “loạn” kit test nhanh Covid - 19 trên thị trường hiện nay có thể đưa doanh nghiệp vào “ma hồn trận” kit thật - kit giả và đưa đến kết quả không chính xác. Hơn nữa, khi doanh nghiệp “selftest”, vẫn cần phải có cơ sở y tế giám sát, công nhận kết quả xét nghiệm. Sau đó, phải có khâu hậu kiểm sau đó để ngăn ngừa trường hợp gian lận.

Trong bối cảnh dịch bệnh vô cùng phức tạp, khó lường hiện nay doanh nghiệp vừa phải nỗ lực, cố gắng vận hành kinh doanh dưới áp lực gia tăng chi phí vô cùng lớn, gồm cả chi phí chống dịch. Nhiều doanh nghiệp đang đuối sức, khả năng chống chịu đã bị bào mòn. Vì vậy, song song với việc nghiên cứu áp dụng chiến lược “selftest” như đề xuất của doanh nghiệp, Nhà nước có thể xem xét hỗ trợ một phần chi phí chống dịch, trong đó có chi phí xét nghiệm Covid. Như vậy, chính sách sẽ đến ngay được với doanh nghiệp, giúp họ giảm bớt khó khăn.

Cẩm Phô