Sổ tay:

Siết chặt "hàng xách tay”

- Chủ Nhật, 18/10/2020, 06:05 - Chia sẻ
Từ việc đặt niềm tin, sính hàng ngoại, đã có không ít vụ việc người tiêu dùng bị mắc lừa khi mua phải hàng “xách tay” giả, để rồi khi sự việc xảy ra như uống thực phẩm chức năng, bôi mỹ phẩm “ngoại” bị dị ứng... mà không biết tìm ai để kiện, để đòi công lý. Tuy vậy, từ ngày 15.10.2020 hoạt động buôn bán hàng “xách tay” sẽ bị xử phạt nặng theo Nghị định số 98/2020/NĐ-CP, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Thời gian qua, đánh vào tâm lý của nhiều người tiêu dùng thích dùng hàng ngoại giá rẻ, xu hướng kinh doanh các mặt hàng quần áo thời trang, hóa mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, sữa… xách tay từ nước ngoài về ngày càng mở rộng với nhiều hình thức, nhất là các kênh bán hàng trực tuyến, mạng xã hội.

Thực tế, cách gọi “hàng xách tay” xuất phát từ giới kinh doanh và đây là cách gọi thông dụng ngoài thị trường. Về bản chất, hàng xách tay nhiều khi chính là hàng lậu. Và do tâm lý sính hàng ngoại, nhiều người tiêu dùng đã chọn mua hàng xách tay, nhưng thực ra là mua hàng nhập lậu, trốn thuế chưa được kiểm định chất lượng. Do vậy, ngoài nguy cơ mua hàng thực phẩm kém chất lượng, họ có thể mua nhầm hàng giả. Bởi người tiêu dùng khi mua hàng xách tay đều đặt niềm tin vào người bán, rất khó để xác định được đó là hàng thật, hàng giả hay hàng lậu. Trong khi đó, những người bán hàng nhái thường sử dụng chiêu trò giảm giá để giải thích cho mức giá rẻ của các sản phẩm đạo nhái, nhiều người do ham rẻ đã bị mắc lừa dẫn đến hậu quả tiền mất, tật mang.

Đặc biệt đối với những trường hợp người mua hàng qua mạng, nhất là các loại hàng hóa xách tay, người tiêu dùng có thể đánh cược với những rủi ro lớn, rất khó kiểm soát, kiểm tra chất lượng. Điển hình như trong tháng 6.2020, lực lượng chức năng của Hà Nội đã kiểm tra, phát hiện và niêm phong lô hàng có vận đơn số 738.4744-6512 được vận chuyển từ sân bay Tân Sơn Nhất ra sân bay quốc tế Nội Bài. Khi kiểm tra cho thấy toàn bộ số hàng hóa là do nước ngoài sản xuất, không có hóa đơn chứng từ kèm theo. Số hàng này bao gồm mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, thực phẩm bổ sung, tân dược, đồ gia dụng, đồ chơi (con thú), sữa các loại có tổng số 1.877 sản phẩm các loại được chứa đựng trong 43 kiện và 10 thùng chứa hàng.

Theo Nghị định số 98/2020/NĐ-CP, hàng nhập lậu gồm: Hàng thuộc danh mục cấm nhập khẩu hoặc tạm ngừng nhập khẩu; hàng nhập khẩu không có giấy phép nhập khẩu, không đi qua cửa khẩu quy định, không làm thủ tục hải quan hoặc gian lận số lượng, chủng loại hàng hóa khi làm thủ tục hải quan. Ngoài ra, hàng hóa nhập khẩu lưu thông trên thị trường không có hóa đơn, chứng từ kèm theo... cũng được xếp vào diện hàng lậu.

Như vậy, căn cứ vào quy định trên, hàng xách tay không có hóa đơn, chứng từ như quy định, không làm thủ tục hải quan... cũng là hàng hóa nhập lậu. Nghị định 98/2020 quy định, cá nhân kinh doanh hàng nhập lậu sẽ bị phạt 500.000 đồng - 50 triệu đồng, tùy giá trị hàng hóa nhập lậu. Trong đó, mức phạt cao nhất là 50 triệu đồng được áp dụng với hành vi buôn lậu hàng có giá trị từ 100 triệu đồng trở lên. Đặc biệt, với hàng hóa nhập lậu là hàng cấm, hàng thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất bảo quản thực phẩm, trang thiết bị y tế, thuốc phòng bệnh và thuốc... gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người sử dụng, có giá trị dưới 100 triệu đồng hoặc từ 100 triệu đồng mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì sẽ bị xử phạt tối đa 100 triệu đồng đối với cá nhân và 200 triệu đồng đối với tổ chức.

Với chế tài trên, "hàng xách tay” sẽ bị xử phạt nặng và bị xem là hàng lậu nếu không có hóa đơn, chứng từ. Điều này sẽ góp phần hạn chế tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ. Tuy vậy, để triệt để ngăn chặn hàng nhập lậu, ngành chức năng cần tăng cường kiểm tra, tuyên truyền và giáo dục ý thức cho người dân nói chung, người tiêu dùng nói riêng trong việc cần cảnh giác, thông thái và tìm hiểu kỹ trước khi lựa chọn, mua sản phẩm.

Hải Thanh