Sổ tay

Siết chặt khâu thẩm định giá

- Thứ Ba, 06/10/2020, 06:28 - Chia sẻ
Thời gian gần đây, liên tiếp xảy ra tình trạng các băng nhóm “xã hội đen” tham gia, trực tiếp “nhúng tay” gây rối các cuộc đấu giá đất để trục lợi. Mới đây nhất là vụ “xã hội đen” náo loạn phiên đấu giá đất ở Bình Thuận khống chế, ép những người đấu giá phải nhượng bộ theo ý đồ của chúng để hưởng lợi. Hay nghi vấn một số người đấu giá bị "tố" thông đồng, dìm giá 17 lô đất để hưởng chênh lệch, gây thiệt hại hàng tỷ đồng ngân sách nhà nước ở huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông...

Nguyên nhân dẫn đến việc dàn xếp, thông đồng, dìm giá hoặc đe dọa, khống chế, hành hung người tham gia đấu giá để buộc những người này phải bỏ cuộc cho chúng được lợi là do việc định giá khởi điểm đất công đưa ra đấu giá quá chênh lệch, thấp hơn giá thị trường nhiều lần. Đây chính là cơ hội, điều kiện thuận lợi để những kẻ “cò” đấu giá, băng nhóm “xã hội đen” thực hiện các chiêu trò nhằm trục lợi khoảng chênh lệch quá béo bở đó.

Khung giá đất do Nhà nước ban hành luôn phải 'lẽo đẽo' chạy theo thị trường với khoảng cách khá xa. Do đó, để khắc phục tình trạng này, Luật Đất đai năm 2013 và các văn bản liên quan đã quy định việc định giá đất không chỉ căn cứ vào khung giá đất do Nhà nước ban hành mà còn căn cứ vào tình hình thực tế thị trường để đưa ra phương pháp tính toán giá phù hợp.

Câu hỏi đặt ra là tại sao các đối tượng ở xa còn biết giá trị đất thấp hơn giá thị trường, trong khi cơ quan chức năng lại không biết, năng lực yếu kém để đưa ra mức giá quá thấp như vậy? Liên quan đến vấn đề này, cần làm rõ có hay không các cán bộ, công chức có liên quan đến việc đấu giá đất lợi dụng quyền hạn được giao để trục lợi cho cá nhân, nhóm lợi ích? Bởi khi định giá đất thấp thì mới có thể thỏa thuận, dàn xếp, tạo điều kiện cho nhau “kiếm chác”. Do đó, cơ quan chức năng cần vào cuộc làm rõ động cơ, mục đích của việc cá nhân, tổ chức có thẩm quyền trong việc định giá đất thấp hơn giá thực tế thị trường khi đưa ra đấu giá.

Đất đai có giá trị rất lớn và việc bán đấu giá đất công thời gian qua có quá nhiều sai phạm gây thất thoát tài sản Nhà nước. Tuy nhiên, mấu chốt của vấn đề vẫn chỉ là do khâu định giá của cơ quan chức năng quá thấp so với giá thực tế của thị trường dẫn đến kẽ hở, tạo điều kiện, cơ hội cho một số đối tượng lợi dụng để trục lợi.

Vì vậy, cơ quan chức năng cần có nhiều biện pháp đồng bộ, quyết liệt để ngăn chặn tình trạng này. Theo đó, cần thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ khâu thẩm định giá, phê duyệt giá khởi điểm đất đưa ra đấu giá sao cho thật sát với thị trường. Làm tốt điều này sẽ góp phần quan trọng trong việc ngăn chặn thông đồng, dìm giá, nhất là hạn chế sự can thiệp của các băng nhóm “xã hội đen” khống chế, đe dọa người có nhu cầu mua tài sản để trục lợi.

Bên cạnh đó, cần quy định đối với tài sản nhà nước, nhất là đất công nên giao cho cơ quan có chức năng đấu giá của Nhà nước thực hiện nhằm phòng ngừa sự cấu kết giữa doanh nghiệp đấu giá tài sản với “cò” hoặc các đối tượng “xã hội đen” để gây thất thoát tài sản nhà nước.

Phạm Chung