Siết chặt quản lý giấy đi đường

- Thứ Sáu, 13/08/2021, 06:31 - Chia sẻ
Thực hiện Chỉ thị số 17/CT -UBND ngày 23.7 về thực hiện giãn cách xã hội trên địa bàn thành phố theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và triển khai các chỉ đạo của UBND thành phố về việc siết chặt quản lý Giấy đi đường đối với người đến làm việc trực tiếp tại cơ quan, đơn vị trên địa bàn các quận huyện. UBND thành phố tiếp tục yêu cầu lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra đối với người dân ra ngoài nhằm bảo đảm thực chất việc giãn cách trong 15 ngày tiếp theo.

Còn lúng túng trong triển khai thực hiện

Với tinh thần quán triệt, thực hiện nghiêm, thực chất, hiệu quả, kiên quyết yêu cầu người dân “ai ở đâu thì ở đó”, UBND thành phố đã ban hành Công văn số 2562/UBND-KT nhằm giảm lượng người ra đường, tận dụng khoảng thời gian “vàng” để thực hiện truy vết, khoanh vùng các ổ dịch và các nguồn có nguy cơ lây nhiễm cộng đồng.

Ngày 9.8, sau khi thành phố siết chặt quy định về xác nhận Giấy đi đường, tại nhiều chốt kiểm soát trong nội đô đã xảy ra tình trạng ùn ứ do nhiều người dân không có đủ giấy tờ cần thiết theo quy định. Tại trụ sở UBND cấp phường cũng có tình trạng người dân tập trung đông người để xin xác nhận giấy đi đường theo quy định mới. 

Sáng cùng ngày, tại chốt trực trên đường Bạch Đằng (lối duy nhất còn lại để đi vào trung tâm phường Thanh Lương, quận Hai Bà Trưng), thay vì chỉ trình 2 loại giấy tờ gồm Giấy đi đường và chứng minh nhân dân như mọi ngày, nhiều người có việc phải ra đường bị bất ngờ khi lực lượng làm nhiệm vụ tại đây yêu cầu phải có lịch làm việc, phân công nhiệm vụ của cơ quan và có xác nhận của chính quyền phường, xã. Ghi nhận tại đây thời điểm 8h30 sáng 9.8, không chỉ ô tô, xe máy của người dân bị chặn lại để hỏi các giấy tờ và lịch trực làm việc mà xe tải chở hàng có treo giấy “luồng xanh” (miễn kiểm tra trên đường) cũng bị chốt trực tại đây dừng lại.

Theo đại diện lãnh đạo một quận trên địa bàn thành phố cho biết, vừa qua, việc cấp Giấy đi đường do các Công ty, đơn vị chủ động tự triển khai, chính quyền quản lý hậu kiểm nên rất khó để xác minh. Khi chuyển sang chính quyền phê duyệt các Giấy đi đường, chỉ những trường hợp được chính quyền đồng ý mới được ra đường. Vị này cũng cho rằng, chính quyền cơ sở cấp phường sẽ chịu áp lực rất lớn, khối lượng công việc nhiều. Chủ tịch phường Dịch Vọng Hậu cho biết nếu cơ quan, đơn vị của người đến xin xác nhận được hoạt động thì cơ quan đó phải có giấy tờ chứng minh. Sau đó, đơn vị phải đăng ký với chính quyền địa phương về số người lao động, thời gian làm việc và các biện pháp phòng chống dịch tại cơ sở… Bảo đảm đủ yếu tố, đơn vị mới được xác nhận giấy đi đường.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy một số nội dung tại văn bản chưa được các cơ quan, đơn vị thống nhất cách hiểu dẫn đến còn lúng túng trong triển khai thực hiện, chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân, doanh nghiệp cũng như yêu cầu phòng, chống dịch bệnh.

Hà Nội đã có điều chỉnh phù hợp đối với người đi làm việc trực tiếp tại các cơ quan, đơn vị

Ảnh: Cổng thông tin điện tử Hà Nội

Lắng nghe, điều chỉnh phù hợp

Trên cơ sở thực tiễn triển khai tại các địa bàn và tiếp thu ý kiến phản hồi từ người dân, cộng đồng doanh nghiệp và qua phản ánh của các cơ quan truyền thông, UBND thành phố đã làm rõ và yêu cầu thực hiện việc cấp và sử dụng Giấy đi đường trong thời gian giãn cách xã hội theo Công điện số 18/CĐ-UBND ngày 6.8.2021 của Chủ tịch UBND thành phố. Cụ thể, người đi đường chỉ cần xuất trình giấy tờ tùy thân (Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân/Hộ chiếu) kèm theo Giấy đi đường (mẫu Giấy đi đường đã được ban hành kèm theo Công văn số 2434/UBND-KT ngày 29.7.2021).

Qua phản ánh của người dân, doanh nghiệp, các cơ quan báo chí, thành phố đã lắng nghe, tiếp nhận những phản ánh từ thực tiễn, chính vì vậy, đã có những điều chỉnh, làm rõ những nội dung quy định về Giấy đi đường cho người dân. Điều này cho thấy chính quyền thành phố có tính cầu thị, muốn tạo điều kiện tốt nhất cho người dân, cho doanh nghiệp, các cơ quan đơn vị trên địa bàn, hạn chế tối đa các thủ tục, tiếp tục gỡ khó, bảo đảm hoạt động sản xuất, tránh đứt gãy bên cạnh việc phòng chống dịch, truy vết các F0 trong cộng đồng. Việc ban hành các biện pháp siết chặt về Giấy đi đường cũng nhằm mục đích tận dụng thời gian “vàng”, bóc tách F0, đưa thành phố sớm ổn định. Ngoài ra, việc nhiều người ra ngoài khi không thực sự có việc cần thiết cũng là yếu tố khiến thành phố có những biện pháp hạn chế.

Theo một cán bộ tại UBND phường Hoàng Liệt, sáng 9.8 có người đến xin xác nhận Giấy đi đường vì… ở nhà chán quá! Khi được hỏi làm công việc gì thì người này trả lời là lao động tự do. Cùng với đó, nhiều đơn vị, cơ sở không đúng ngành nghề thiết yếu cũng đến trụ sở xin xác nhận Giấy đi đường, còn “kèm” cả những người không thuộc diện lao động trong đơn vị. "Họ cứ thấy có thông báo yêu cầu xác nhận Giấy đi đường là họ kéo đến mà không cần biết mình thuộc nhóm đối tượng nào. Khi không được xét duyệt giấy tờ, có người còn to tiếng. Phía phường cũng chỉ biết tuyên truyền, vận động để người dân hiểu và nắm rõ quy định của thành phố" - vị cán bộ này cho biết thêm.

Nhìn từ thực tế triển khai, người dân, doanh nghiệp, các cơ quan đơn vị trong diện được phép hoạt động vẫn cần tuân thủ chặt chẽ các biện pháp phòng chống dịch của thành phố cũng như chia sẻ với chính quyền về các biện pháp ban hành nhằm hạn chế người ra đường. Muốn sớm đưa thành phố trở lại trạng thái bình thường mới, mỗi người dân cần phải có ý thức, trách nhiệm của mình trong việc phòng chống dịch, chấp hành nghiêm việc giãn cách, “ai ở đâu thì ở đó”.

Bên cạnh việc triển khai tiêm vaccine diện rộng cho người dân, tạo miễn dịch cộng đồng, hơn lúc nào hết thành phố cần thêm những liều “vaccine đoàn kết”, sự đồng lòng của quân và dân Thủ đô trong cuộc chiến chống dịch. Sự cảm thông, chia sẻ, đồng hành của người dân với mỗi quyết sách của thành phố sẽ là nguồn động lực to lớn để Thủ đô chiến thắng Covid-19, sớm trở lại trạng thái bình thường mới.

Việt Anh