Siết kỷ cương để chống dịch

- Thứ Bảy, 14/08/2021, 06:34 - Chia sẻ
Đà Nẵng dự kiến sẽ thực hiện các biện pháp phòng dịch cấp cao hơn trong tuần tới. Nếu 4 ngày tới số ca mắc Covid-19 không giảm, Đà Nẵng có thể sẽ “án binh bất động” trong vòng 7 ngày. TP. Hồ Chí Minh cũng sẽ tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ sau ngày 15.8 và đặt mục tiêu kiểm soát dịch vào giữa tháng 9. Thành phố sẽ giữ nguyên các biện pháp chống dịch ở mức độ cao nhất: “ai ở đâu ở yên đấy”, không ra khỏi nhà sau 18h đến 6h sáng hôm sau; tiếp tục phát phiếu đi chợ, siêu thị cho người dân mỗi tuần hai lần…

Tỉnh Quảng Ngãi cũng đã thay đổi biện pháp chống dịch tương ứng với mức “nguy cơ cao” và thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15, người dân không ra khỏi nhà từ 21h đến 4h hôm sau, trừ các trường hợp cấp cứu, thiên tai, lực lượng phòng chống dịch, phóng viên, các hoạt động cung cấp hàng hóa thiết yếu... khi địa phương này xuất hiện nhiều chùm ca bệnh phức tạp với số lượng lớn. Trước đó, Hà Nội cũng xây dựng phương án chống dịch ở mức cao hơn, Thành ủy yêu cầu toàn hệ thống chính trị và người dân triển khai nghiêm túc 12 biện pháp cấp bách.

Siết chặt quản lý, áp dụng các biện pháp mạnh toàn thành phố trong 1 thời gian nhất định chắc chắn sẽ gây nhiều khó khăn trong sinh hoạt đời sống, cung ứng lương thực thực phẩm, hoạt động sản xuất của doanh nghiệp... nhưng là quyết định cần thiết lúc này. Trong bối cảnh dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, khó lường, bất kỳ sự lơ là, chủ quan nào cũng tạo ra những lỗ hổng, khiến dịch lan nhanh như đám cháy. Trong lúc này, phải ưu tiên lo sức khỏe cho toàn dân, cho chống dịch đặt trên mọi nhiệm vụ khác.

Dập dịch là phải chớp thời cơ, nếu có cơ hội thì phải đi trước một bước. Nghị quyết 86/NQ-CP về các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh Covid-19 để thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 đã thể hiện quyết tâm của Chính phủ về kiểm soát, dập dịch với những mốc thời gian rất cụ thể để thực hiện an sinh xã hội, cuộc sống sớm trở lại bình thường, khôi phục và phát triển kinh tế. Cụ thể, đặt mục tiêu TP. Hồ Chí Minh phấn đấu kiểm soát được dịch bệnh trước ngày 15.9.2021. Các tỉnh: Bình Dương, Long An, Đồng Nai phấn đấu kiểm soát được dịch bệnh trước ngày 1.9.2021. Các tỉnh, thành phố khác (trong đó có Thủ đô Hà Nội) phấn đấu kiểm soát được dịch bệnh trước ngày 25.8.2021.

Cuộc chiến với Covid-19 đã qua gần 2 năm với những hậu quả nặng nề tác động đến mọi mặt dân sinh. Bởi vậy, đây không phải là cuộc chiến của riêng một ai, của riêng địa phương nào nên luôn cần đến sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội. Căn cứ tình hình và yêu cầu phòng, chống dịch bệnh, các địa phương cần chủ động áp dụng linh hoạt các biện pháp cần thiết như: Hạn chế một số phương tiện, yêu cầu người dân không ra khỏi nơi cư trú trong khoảng thời gian nhất định, tại một số khu vực, địa bàn nhất định trên nguyên tắc “ai ở đâu thì ở đó”; dứt khoát không để người dân tự phát rời khỏi địa bàn đang có dịch làm lây lan sang các địa bàn, địa phương khác. Đặc biệt, trong quá trình chống dịch, nên chia thành từng khu vực cụ thể, phân công người đứng đầu có đầy đủ quyền hạn và trách nhiệm.

Tại nhiều địa phương, thời gian giãn cách xã hội đã kéo dài, nếu không áp dụng triệt để, kiên quyết những biện pháp phòng, chống dịch, quyết tâm cao thì dịch bệnh không biết khi nào mới kết thúc. Chính phủ quyết tâm, địa phương quyết tâm, người dân đồng lòng chấp nhận những bất tiện không thể tránh khỏi khi buộc phải giãn cách. Nếu không quyết tâm, không nỗ lực hết mình thì cũng đồng nghĩa với việc phá hỏng những thành quả chống dịch cũng như sự đồng cam cộng khổ của Nhân dân trong suốt thời gian dài qua. Các địa phương không thể trì hoãn, không thể lùi thêm.

Trong cuộc chiến với Covid-19, đoàn kết, đồng lòng là cần thiết nhưng kiên quyết không “đoàn kết xuôi chiều”. Cá nhân nào, tập thể nào làm nghiêm, làm tốt cần được khen thưởng kịp thời; ngược lại phải bị xử lý, kỷ luật nghiêm minh. Trong quá trình thực thi, không tránh khỏi những phát sinh vướng mắc hoặc áp dụng quy định quá chặt chẽ đôi lúc đã khiến người dân, doanh nghiệp và chính lực lượng thực thi công vụ gặp khó khăn, phiền hà. Điều này đòi hỏi bản lĩnh của người đứng đầu các địa phương mềm dẻo hơn để giải quyết những vướng mắc đã phát sinh trong thực tế.

Cho đến thời điểm này, việc thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng trên phạm vi nhiều địa phương để tăng cường ở mức tối đa hiệu quả phòng chống dịch Covid-19 là giải pháp cần thiết và đúng đắn. Mỗi người dân có thể cảm thấy khó khăn hơn, các biện pháp giãn cách có thể sẽ ở mức cao hơn nhưng đó là việc cần phải làm. Cần phải hiểu sự nghiêm khắc lúc này chính là bảo vệ từng cá nhân, bảo vệ cộng đồng vì mục tiêu chung là sớm đẩy lùi dịch bệnh.

Duy Anh