Chung sống với Covid-19

Singapore thận trọng tìm giải pháp cân bằng

- Thứ Tư, 29/09/2021, 06:18 - Chia sẻ
Bất chấp việc phủ sóng vaccine tới 82% dân số, những ngày gần đây, số ca nhiễm mới tại Singapore vẫn tiếp tục tăng cao trong một đợt bùng phát mới nhất. Điều này chỉ ra thực tế rằng, mức độ mà Singapore có thể tiến tới mục tiêu chung sống với Covid-19 phụ thuộc vào "cái giá" mà quốc gia này sẵn sàng trả để đạt được điều đó.

Hành trình chuyển tiếp đầy "khúc cua"

Hồi tháng 6, Singapore đề ra mục tiêu “chung sống với Covid-19” sau khi đạt được mục tiêu phủ sóng vaccine vào đầu tháng 9, tập trung vào theo dõi, khống chế các ổ dịch dựa trên chỉ số về tỉ lệ tiêm chủng vaccine và số ca nhập viện. Sẽ không còn đóng cửa chặt, kiểm soát biên giới nghiêm ngặt hay quy định làm việc tại nhà vốn được coi là những điểm đặc trưng trong kỷ nguyên đại dịch toàn thế giới.

Kể từ thời điểm đó, Singapore bắt đầu nới lỏng hạn chế. Nhưng thách thức đã lại xuất hiện trong tiến trình coi Covid-19 là bệnh đặc hữu. Bỏ giãn cách khiến số ca nhiễm tăng vọt, buộc kế hoạch mở cửa trở lại bị trì hoãn, nhiều quy định hạn chế được áp đặt trở lại.

Làn sóng lây nhiễm mới nhất tại Singapore bắt đầu ngày 23.8 với khoảng 10.000 trường hợp mắc mới Covid-19 đã được phát hiện. Số ca trung bình hàng ngày cũng tăng lên, từ 146 ca hồi đầu tháng lên 1.000 ca trong tuần qua.

Chính phủ coi đây là tín hiệu về “chặng đường quanh co” mà Singapore sẽ phải đi theo và điều chỉnh để hướng đến tầm nhìn sống chung với Covid-19 thay vì loại trừ tuyệt đối đại dịch này. “Chúng ta đang trên bước đường chuyển tiếp để tiến đến trạng thái "bình thường mới" sống chung với Covid-19. Đó là một hành trình khó đoán định, đầy những khúc cua”, Bộ trưởng Y tế Singapore Ong Ye Kung nêu quan điểm.

Điều chỉnh cách tiếp cận

Số ca nhập viện tăng, nhưng đa phần trong số này (98%) đều thuộc diện không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ và chỉ 0,1 - 0,2% cần điều trị ICU, 0,04% tử vong. Vì thế, chính phủ nước này không đưa ra các biện pháp siết chặt hạn chế như trong các làn sóng lây nhiễm Covid-19 trước đây. Thay vào đó, Singapore có thêm một số biện pháp hỗ trợ và thay đổi cách thức xử lý đối với các bệnh nhân Covid-19.

Cụ thể, Chính phủ Singapore mở rộng đối tượng điều trị, chăm sóc tại nhà (trung bình trong 10 người nhiễm bệnh sẽ có 7 người được điều trị tại nhà), áp dụng cho toàn bộ đối tượng nhiễm bệnh là người trong độ tuổi từ 12 - 69 tuổi và đã tiêm đủ liều vaccine, không có triệu chứng nặng. Điều này giúp giảm sức ép lên hệ thống y tế và đặc biệt là đội ngũ y bác sĩ, những người đã rơi vào tình trạng quá tải. Những nỗ lực truy vết tiếp xúc và cách ly được tập trung vào những ổ dịch lớn và những nơi dễ bị tổn thương như các bệnh viện. Thời gian cách ly giảm từ 14 ngày xuống còn 10 ngày.

Người dân Singapore tuân thủ quy định đeo khẩu trang và cài ứng dụng giúp truy vết nhanh chóng

Ảnh: AFP 

Lựa chọn sự đánh đổi tốt nhất

PGS. Hsu Li Yang, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Trường Y tế công cộng Saw Swee Hock thuộc Đại học Quốc gia Singapore (NUS) nhận định, không có lựa chọn nào hoàn hảo mà chỉ có sự đánh đổi nào là tốt nhất mà Singapore mong muốn có được. Ông cho biết bệnh nặng và tử vong sẽ tăng lên khi các biện pháp giảm bớt, nhưng đặt ra mục tiêu không có ca tử vong đồng nghĩa với việc phải áp dụng rất nghiêm ngặt những biện pháp giãn cách xã hội và đóng cửa kinh tế.

Singapore có gần 75.000 trường hợp mắc bệnh Covid-19, trong đó 59 người đã tử vong. Hiện có 77 người bị bệnh nặng và 12 người trong tình trạng nguy kịch. Theo GS. sư Hsu Li Yang, Singapore có thể mở cửa nhanh hơn nếu sẵn sàng chấp nhận 6 hoặc 7 ca tử vong mỗi ngày. “Chúng ta không thể đạt được mục tiêu sống chung nếu muốn giữ số ca tử vong gần hơn với những gì người ta thấy đối với bệnh cúm, tức là 2 ca tử vong một ngày”, ông nói.

Còn GS. Ooi Eng Eong của Trường Y Duke thuộc NUS thì cho rằng, khả năng giữ tỷ lệ tử vong của Singapore xuống dưới 0,1% là "cực kỳ phi thường", trong bối cảnh ở một số quốc gia khác, tỷ lệ này cao tới 3%.

Đồng quan điểm trên, GS. Leo Yee Sin, Giám đốc điều hành Trung tâm Quốc gia về bệnh truyền nhiễm của Singapore (NCID) chỉ ra rằng, nếu Singapore mở cửa quá sớm, quá thoải mái, nước này sẽ phải đối mặt với sự gia tăng số ca mắc Covid-19 trong đó có ca bệnh nặng và tử vong. Ngược lại, nếu Singapore quá siết chặt các biện pháp phòng, chống dịch, nước này sẽ phải chịu nhiều thiệt hại về các lĩnh vực khác, không chỉ là y tế mà còn có toàn bộ hệ sinh thái, nền kinh tế và nhiều điều kiện khác cần phải xem xét. Đây lại là một sự cân bằng rất mong manh khác.

Ông cho biết để dành ra một giường bệnh miễn phí cho bệnh nhân Covid-19, đồng nghĩa với việc rất nhiều trường hợp điều trị không khẩn cấp khác phải bị hoãn lại. Điều đó cũng gây tác động không nhỏ, ví dụ một ca thay thế khớp háng cho bệnh nhân không thể đi lại, nếu bị trì hoãn có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tim mạch của người đó khi họ không thể tập thể dục.

Ngoài ra, còn các vấn đề không liên quan đến sức khỏe. Chẳng hạn như trẻ em phải học tập online, hầu như không có giao tiếp trực tiếp với bè bạn, không có vui chơi hay các hoạt động tập thể đặc biệt có ý nghĩa rất quan trọng trong quá trình trưởng thành. Một phần lợi ích của giáo dục đại học là sinh viên tạo lập mạng lưới quan hệ và xây dựng kỹ năng xã hội của mình, từ đó là cơ sở để đưa họ đến với sự nghiệp sau này. Nhưng thực tế là sinh viên đại học của chúng tôi đã bị mắc kẹt ở nhà trong một năm rưỡi. Điều này gây ra những tổn hại khó có thể đong đếm đối với thế hệ tương lai của chúng ta, GS. Leo Yee Sin cho biết thêm.

“Biến số” Delta

Theo GS. Ooi Eng Eong, sự xuất hiện của biến thể Delta có khả năng lây nhiễm cao là một “biến số” đã làm đảo lộn các kế hoạch trước đây của Chính phủ Singapore. Thời gian ủ bệnh ngắn hơn của loại biến thể này khiến cơ thể con người có ít thời gian hơn để tự vệ. “Đó là một cuộc chạy đua sát sao giữa virus và hệ thống miễn dịch. Hệ thống miễn dịch mất 4 ngày để các tế bào có thể tự bảo vệ. Nhưng biến thể Delta chỉ mất 3 ngày để gây sốt và ốm, một tốc độ nhanh hơn nhiều so với 5 ngày của chủng ban đầu. Điều đó có nghĩa là vaccine kém hiệu quả hơn trong việc giảm lây nhiễm”.

Vì vậy, nhiều chuyên gia cảnh báo sẽ không có khả năng miễn dịch cộng đồng đối với Covid-19, cho dù tỷ lệ tiêm phòng cao đến đâu và các biện pháp đã có hiệu quả vào năm ngoái ở “đảo quốc sư tử” có thể không còn hiệu quả nữa. Điều này có nghĩa là vaccine không thể cung cấp lá chắn bảo vệ 100%. Nhưng sẽ thật sai lầm nếu bỏ đi một biện pháp can thiệp tốt như tiêm chủng chỉ vì hiệu quả của nó không phải là 100%. “Điều quan trọng là tiêm chủng đã cho thấy hiệu quả trong việc giảm thiểu các ca bệnh nặng và tử vong, trong khoảng 90%”, GS. Ooi Eng Eong chỉ rõ.

Trong khi mục tiêu chính của tiêm chủng là ngăn ngừa các ca bệnh và tử vong, TS. Lim cho biết, số ca nhiễm mới vẫn quan trọng bởi đây là những dấu hiệu cảnh báo sớm cho thấy các biện pháp cứng rắn hơn có thể cần thiết. “Chúng tôi luôn nói rằng chúng tôi kiểm soát Covid-19 bằng sự kết hợp của nhiều biện pháp, bao gồm khẩu trang, truy tìm đối tượng nhiễm bệnh, cách ly các trường hợp lây nhiễm và các biện pháp kiểm soát biên giới. Vì vậy, khi chúng tôi thấy sự gia tăng của các trường hợp lây nhiễm, chúng tôi phải rờ nhẹ đến chân phanh trong quá trình tăng tốc các biện pháp mở cửa”.

TS. Lim nói thêm rằng nếu nhìn vào cách tiếp cận của các quốc gia khác đã mở cửa nhanh chóng và sau đó bị ảnh hưởng bởi làn sóng lây nhiễm dẫn đến tử vong và quá tải tại các bệnh viện, thì cách tiếp cận cẩn thận, chậm rãi của Singapore đang tỏ ra hợp lý.

Tuy nhiên, Singapore sẽ phải nhanh chóng thoát khỏi thế tiến thoái lưỡng nan hiện nay bằng việc chấp nhận một cái giá để mở cửa trở lại. Bởi nếu như GS. Ooi Eng Eong nhận định, nếu không, vòng luẩn quẩn sẽ lặp lại không có hồi kết: đóng cửa - mở he hé - đóng cửa. “Virus sẽ không bao giờ mất đi và liệu chúng ta có chấp nhận việc sẽ không bao giờ tụ tập hay tổ chức bất kỳ một sự kiện đông người nào?", cái giá phải trả sẽ không chỉ là thiệt hại kinh tế, văn hóa, xã hội mà còn là sức khỏe tâm lý con người.

Đạt Quốc
Tổng hợp từ StraitsTimes, Channel News Asia