Sinh mệnh, sinh kế và kinh tế

- Chủ Nhật, 19/09/2021, 06:12 - Chia sẻ
Có mối liên hệ nào giữa việc hơn 20 địa phương bị giãn cách kéo dài là những địa phương đóng góp 70% cho ngân sách nhà nước; tăng trưởng kinh tế năm 2021 được dự báo sẽ đạt mức 3,5 - 4%, chỉ hơn phân nửa so với chỉ tiêu đề ra; khoản dự phòng ngân sách năm 2021 đã sử dụng hết cho công tác phòng, chống dịch; một quận có 700.000 dân tại TP. Hồ Chí Minh thì có hơn 600.000 người cần hỗ trợ hay không?

Đây đơn thuần là những sự kiện riêng lẻ nhưng thực chất là có mối quan hệ mật thiết, tác động qua lại lẫn nhau. Trong đợt dịch lần thứ 4 này, có địa phương bước sang tháng thứ 4 thực hiện giãn cách, hàng loạt doanh nghiệp đang ở ngưỡng không thể cầm cự thêm, cuộc sống của hàng chục triệu người dân cũng lâm vào cảnh kinh tế suy kiệt, các chỉ tiêu kinh tế sụt giảm nghiêm trọng trong khi ngân sách dành cho công tác phòng dịch cũng không còn. Nếu tiếp tục theo đuổi chiến lược “Zero Covid”, kỳ vọng khống chế tuyệt đối dịch Covid-19 thì sẽ chẳng đạt được mục tiêu nào cả.

Ngay cả quốc gia giàu có, có nền khoa học tiên tiến ở hàng top thế giới như Mỹ, hay có tỷ lệ tiêm phủ vaccine cao như Israel, Singapore còn thất bại với nỗ lực loại bỏ hoàn toàn virus, chấp nhận sống chung với virus, thì Việt Nam cũng cần điều chỉnh chiến thuật cho phù hợp với tình hình. Với những chủng virus mới, cuộc chiến chống dịch Covid-19 dự báo sẽ còn dài, chúng ta không thể chống dịch mà không có nguồn lực. Mục tiêu kép là phải tìm giải pháp chung sống với virus với tổn thất kinh tế, xã hội mà nó gây ra ở mức thấp nhất có thể. Có những lúc phải hy sinh lợi ích kinh tế để ưu tiên chống dịch, nhưng chống dịch cũng cần tạo không gian, dư địa cho phát triển kinh tế, sinh kế cho người dân và doanh nghiệp.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhiều lần nhấn mạnh việc cần xác định và sẵn sàng tư tưởng chung sống, thích ứng với tình hình mới của dịch bệnh tại các cuộc họp. Chúng ta không thể đóng băng cuộc sống quá mức cần thiết, sợ hãi, lúng túng, truy vết quá rộng hoặc dập dịch mà lại cứng nhắc theo địa giới hành chính. Chỉ một khu phố có F0 lại phong tỏa cả xã cả phường, chỉ một xã có F0 lại phong tỏa cả huyện. Khi phong tỏa một không gian quá rộng, khả năng kiểm soát thấp hơn, huy động lực lượng đông hơn, thiệt hại và lãng phí nguồn lực. Chính quyền và ngành y tế không đủ nhân lực để kiểm soát, gây hao hụt ngân sách và nguồn lực xã hội, hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân, doanh nghiệp cũng bị ảnh hưởng.

Đơn cử như tại TP. Hồ Chí Minh, những thiệt hại do dịch bệnh và thời gian phong tỏa dài khó có thể đong đếm hết được. Một quận có 700.000 thì có hơn 600.000 người cần hỗ trợ. Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên cho rằng, sức chịu đựng của xã hội tới giờ này gần như đến giới hạn, sức chịu đựng nền kinh tế cũng tổn thương, vì vậy cần phục hồi chứ không thể đóng cửa mãi. Nhiều địa phương đã kiểm soát dịch có hiệu quả, số ca nhiễm và tử vong giảm dần, tỷ lệ người được tiêm vaccine tăng nhanh, thì không nên phong tỏa rộng và kéo dài, hãy chuyển sang mô hình chia nhỏ, phân hóa địa bàn đang có dịch để xử lý triệt để, hiệu quả hơn. Đặc biệt là trong bối cảnh khoản dự phòng ngân sách năm 2021 sử dụng hết cho công tác phòng chống dịch thì áp lực mở cửa càng phải tính đến. Người dân và doanh nghiệp cần được trở lại hoạt động, phục hồi thì ngân sách mới có nguồn thu.

Tất nhiên, chấp nhận mở cửa thì không thể không có F0. Chiến lược “sống chung với virus” cũng không phải là giảm nhẹ công tác, nhiệm vụ chống dịch, quá coi trọng phát triển kinh tế mà còn phải đặt ra những nhiệm vụ, mục tiêu cao hơn cho công tác phòng, chống dịch. Để sống chung một cách an toàn, đầu tiên phải tiêm vaccine cho ít nhất 70% dân số trên 18 tuổi. Ngoài ra, đòi hỏi ngành y tế phải nâng cao năng lực, tăng công suất chữa bệnh, giảm thiểu tình trạng tử vong xuống mức thấp nhất. Cần áp dụng công nghệ thông tin cho các hoạt động truy vết, quản lý cách ly, xét nghiệm, điều trị, tiêm vaccine, cấp và quản lý "hộ chiếu vaccine"... để cập nhật và điều hành công việc nhanh chóng, thuận lợi.

Và cuối cùng, vấn đề quan trọng nhất vẫn là năng lực điều hành của lãnh đạo các địa phương, chất lượng nguồn cán bộ tham gia chống dịch. Bởi thực tế thời gian qua, không ít lãnh đạo địa phương tỏ ra “lơ mơ”, “mơ màng” với mục đích của phong tỏa và giãn cách; không xác định được mục tiêu, chương trình hành động trong thời gian vàng phong tỏa. Chỉ khi các địa phương xác định rõ các tiêu chí kiểm soát dịch phù hợp với tình hình mới, chống dịch phải đi kèm giảm thiểu tối đa tác động tiêu cực cho đời sống, sản xuất thì mới không gây ra sự đứt gãy cả về y tế và kinh tế.

Duy Anh