ĐBQH Đoàn Thị Lê An (Cao Bằng):

Số người dân tộc thiểu số không có điều kiện tiếp cận BHYT là rất lớn

- Thứ Tư, 27/10/2021, 16:51 - Chia sẻ
Trong những năm qua Đảng, Nhà nước ta đã quan tâm, nỗ lực ban hành nhiều chính sách dành cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, đặc biệt là các chính sách về y tế, giáo dục, theo đại biểu Đoàn Thị Lê An, những chính sách này có ý nghĩa rất lớn đối với người dân về đảm bảo an sinh xã hội, phát triển kinh tế.
ĐBQH Đoàn Thị Lê An (Cao Bằng) phát biểu
Ảnh: Quang Khánh

BHYT là một trong những chính sách trụ cột của hệ thống an sinh xã hội, để chăm sóc sức khoẻ cho người dân. Nhằm cụ thể hoá nội dung trên, ngày 29.11.2013 Quốc hội Khoá XIII đã ban hành Nghị quyết số 68 về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế, tiến tới bảo BHYT toàn dân. Sau 7 năm thực hiện Nghị quyết, tính đến ngày 31.12.2020 số người tham gia bảo hiểm y tế là 87,97 triệu người, tăng 2,23 triệu người (1,75%) so với năm 2019, đạt tỷ lệ bao phủ khoảng 90,85% dân số, vượt 10,85% so với chỉ tiêu được giao tại Nghị quyết 68. Tính đến hết ngày 31.8.2021, tổng số người tham gia BHYT là 85,21 triệu người, giảm 0,53 triệu người so với năm 2019 và giảm 2,76 triệu người so với năm 2020 (tương ứng với 3,1%).

Theo đại biểu An, nguyên nhân của việc giảm tỷ lệ số người tham gia BHYT phần lớn là do tình hình dịch bệnh Covid-19 gây ra, do các địa phương khó khăn trong bố trí ngân sách hỗ trợ thêm mức đóng BHYT cho một số đối tượng theo quy định, do Luật Bảo hiểm y tế còn thiếu quy định, chế tài cụ thể áp dụng đối với đối tượng tự đóng, được hỗ trợ đóng nhưng không tham gia (học sinh, sinh viên, hộ gia đình)… Ngoài ra còn có nguyên nhân khác nữa đó là do ảnh hưởng của việc triển khai thực hiện Quyết định 861/QĐ-TTg ngày 4.6.2021 của Chính phủ về phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025. Theo đó, các xã đã hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới chuyển từ vùng 3 sang vùng 2 hoặc về vùng I, do đó các đối tượng là người dân tộc thiểu số thuộc đối tượng được ngân sách nhà nước đóng BHYT không được hưởng chính sách nữa, hoặc bị cắt đột ngột làm cho người dân khó khăn trong quá trình đi khám chữa bệnh, hoặc không có điều kiện tham gia BHYT tự nguyện, dẫn đến tỷ lệ bao phủ y tế toàn dân giảm, có địa phương giảm từ 95% xuống còn 90%, có địa phương giảm từ 95% xuống còn 89%...

Thực hiện Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 4.6.2021 của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Cao Bằng có 33 xã, phường, thị trấn thuộc khu vực I, tăng 22 xã, phường, thị trấn so với giai đoạn 2016 - 2020 với trên 41,8 nghìn người dân tộc thiểu số không còn thuộc đối tượng được ngân sách nhà Nước đóng BHYT. Qua một thời gian triển khai tuyên truyền, vận động, đến thời điểm hiện nay mới có 24,6 nghìn người tiếp tục tham gia, còn trên 17 nghìn người dân tộc thiểu số không có điều kiện để tham gia. Bên cạnh đó, nhiều người dân tự đóng BHYT theo hộ gia đình nhưng cũng chỉ có khả năng đăng ký tham gia 3 tháng, dẫn đến không bền vững. Bởi vì, đại đa số người dân tộc thiểu số làm nông nghiệp, thu nhập thấp và không ổn định, cuộc sống còn nhiều khó khăn. Vì vậy, số lượng người dân tộc thiểu số không có điều kiện để tiếp cận và thụ hưởng chính sách BHYT là rất lớn.

Để người dân tộc thiểu số tiếp tục được tiếp cận và thụ hưởng chính sách bảo hiểm y tế, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, trật tự an toàn xã hội tại các địa bàn vùng cao, biên giới, đại biểu An đề nghị, Chính phủ nghiên cứu có chính sách hỗ trợ cho người dân tộc thiểu số, nhất là người dân tộc thiểu số sinh sống ở các khu vực mới ra khỏi vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn theo quy định tại Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 4.6.2021 của Thủ tướng Chính phủ, Quyết định số 612/QĐ-UBDT ngày 16.9.2021 của Ủy ban Dân tộc hoặc nghiên cứu nâng mức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước đối với một số đối tượng. Cụ thể nâng mức hỗ trợ bằng 100% (hiện nay ngân sách nhà nước hỗ trợ 70%) đối với người thuộc hộ nghèo đa chiều theo quy định tại Khoản 2, Điều 4, Nghị định số 146/2018/NĐ-CP. Nâng mức hỗ trợ bằng 70% (hiện nay ngân sách nhà nước hỗ trợ 30%) đối với học sinh, sinh viên. Nâng mức hỗ trợ bằng 70% (hiện nay ngân sách nhà nước hỗ trợ 30%) đối với người thuộc hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp có mức sống trung bình. Hỗ trợ bằng 30% trên mức đóng đối với người tham gia theo hộ gia đình.

Cùng với đó, đại biểu An cũng đề nghị nâng mức hỗ trợ đóng cho người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Theo đại biểu trong những năm gần đây, số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện tăng rất cao, tuy nhiên, để người dân tham gia một cách bền vững Chính phủ cần có cơ chế, chính sách thuận lợi và hấp dẫn hơn để khuyến khích người dân ở vùng nông thôn, miền núi, vùng cao biên giới tham gia tự nguyện, nhất là người có thu nhập dưới mức trung bình. 

"Cụ thể, hiện nay, ngân sách nhà nước hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện theo mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn là 30% đối với người thuộc hộ nghèo, 25% đối với người thuộc hộ cận nghèo, 10% đối với người thuộc các đối tượng khác. Tuy nhiên với đặc thù của các địa phương miền núi, người lao động có thu nhập rất thấp, việc làm thường không ổn định, do vậy để khuyến khích người dân, nhất là người có thu nhập dưới mức trung bình tham gia, đề nghị nâng mức hỗ trợ đóng lên 50% đối với người thuộc hộ nghèo, 40% đối với người thuộc hộ cận nghèo và 20% đối với người thuộc các đối tượng khác", đại biểu An đề nghị. 

Cùng với đó, cần nghiên cứu, sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội số 58/2014/QH13 trong thời gian tới, với các chính sách hướng tới bao phủ toàn dân theo hướng không bỏ sót đối tượng có điều kiện và khả năng như chủ hộ kinh doanh cá thể; người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã không hưởng tiền lương, người lao động theo chế độ khoán việc có nhu cầu nhưng chưa được quy định trong Luật Bảo hiểm xã hội là đối tượng bắt buộc tham gia. Nghiên cứu quy định giảm thời gian đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để hưởng lương hưu từ 20 năm xuống còn 15 năm, hướng tới còn 10 năm với mức hưởng được tính toán phù hợp nhằm tạo điều kiện cho người lao động cao tuổi, có số năm tham gia thấp được tiếp cận và thụ hưởng quyền lợi bảo hiểm xã hội. Bổ sung dần các chế độ hưởng như thai sản, ốm đau, tai nạn lao động… để hấp dẫn người lao động.

Xuân Tùng