Sổ tay: Hướng dẫn mâu thuẫn, doanh nghiệp chịu thiệt

- Thứ Bảy, 31/07/2021, 07:15 - Chia sẻ
Liên quan đến đối tượng miễn kiểm tra chất lượng hàng hóa hiện đang được Bộ Tài chính và Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng 2 dự thảo, gồm: Dự thảo Nghị định quy định cơ chế quản lý, phương thức, trình tự, thủ tục kiểm tra nhà nước về chất lượng và kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu; Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 132/2008/NĐ-CP, Nghị định 74/2018/NĐ-CP, Nghị định 86/2012/NĐ-CP. Tuy nhiên, hiện 2 Dự thảo này có những quy định không thống nhất, gây khó khăn cho các doanh nghiệp trong quá trình áp dụng sau này.

Dự thảo Nghị định quy định cơ chế quản lý, phương thức, trình tự, thủ tục kiểm tra nhà nước về chất lượng và kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu do Bộ Tài chính chủ trì soạn thảo quy định về các trường hợp miễn kiểm tra chất lượng hàng hóa nhập khẩu trong đó có hàng hóa nhập khẩu là nguyên liệu. Theo đó, hàng hóa là nguyên liệu được xác định theo từng mục đích nhập khẩu để xác định các trường hợp được miễn kiểm tra.

Trong khi đó Khoản 1, Điều 1 Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 132/2008/NĐ-CP, Nghị định 74/2018/NĐ-CP, Nghị định 86/2012/NĐ-CP về biện pháp thi hành Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa về truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa do Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì soạn thảo lại quy định: Nguyên liệu để sản xuất hàng tiêu thụ nội địa trong trường hợp hàng hóa đã được quản lý chất lượng theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật địa phương tương ứng sẽ được miễn kiểm tra chất lượng.

Như vậy, cùng một đối tượng điều chỉnh nhưng hai Dự thảo đang có cách tiếp cận khác nhau. Hơn nữa, việc xác định nguyên liệu nhập khẩu được miễn kiểm tra chất lượng tại Dự thảo do Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì soạn thảo vẫn chưa đủ rõ ràng để thuận tiện trong thực hiện. Bởi vì, cùng một loại hàng hóa nhưng trong một số trường hợp được xác định là “nguyên liệu”, một số trường hợp khác lại là hàng hóa. Đơn cử, linh kiện, phụ tùng nhập khẩu để sản xuất, lắp ráp ô tô, xe máy - những loại hàng hóa đã được quản lý theo quy chuẩn kỹ thuật được xem là nguyên liệu; linh kiện, phụ tùng nhập khẩu không phải để sản xuất, lắp ráp ô tô, xe máy mà được bán trên thị trường như một loại hàng hóa thì lại không được xem là “nguyên liệu”. Vì vậy, cần phải xác định rõ khái niệm về “nguyên liệu” nhập khẩu để sản xuất hàng hóa nội địa đã có quy chuẩn kỹ thuật trong trường hợp được miễn kiểm tra.

Ngoài ra, liên quan trường hợp miễn kiểm tra đối với hàng hóa nhập khẩu là các loại hàng hóa khác không nhằm mục đích kinh doanh. Dự thảo do Bộ Khoa học và Công nghệ đưa ra hai phương án quy định về hàng hóa nhập khẩu không nhằm mục đích kinh doanh (hàng phi mậu dịch) như sau: Phương án 1, trao quyền cho Bộ Tài chính quy định cụ thể các loại hàng hóa này; Phương án 2, bỏ quy định hàng hóa nhập khẩu không nhằm mục đích kinh doanh được miễn kiểm tra chất lượng.

Song, cả hai phương án đề xuất nói trên đều chưa phù hợp với quy định tại Điểm v, Khoản 1, Điều 4, Dự thảo do Bộ Tài chính chủ trì soạn thảo. Bởi lẽ, Dự thảo Nghị định này quy định các loại hàng hóa khác không nhằm mục đích kinh doanh vẫn được miễn kiểm tra chất lượng nhưng Bộ quản lý chuyên ngành sẽ xác định cụ thể các loại hàng hóa này.

Có thể thấy, việc miễn kiểm tra chất lượng hàng hóa là sẽ mang lại nhiều lợi ích cho chính doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước. Phía doanh nghiệp sẽ giúp cắt giảm số lô hàng nhập khẩu phải kiểm tra, cắt giảm chi phí, thời gian thông quan. Phía cơ quan quản lý nhà nước sẽ cắt giảm chi phí, ngày công, nguồn lực do không phải thực hiện kiểm tra nhà nước về chất lượng, kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu, từ đó tập trung nguồn lực vào các mặt hàng có nguy cơ cao, các nhà nhập khẩu có khả năng gian lận. Tuy nhiên, việc quy định thiếu tính thống nhất sẽ gây khó khăn cho các doanh nghiệp trong quá trình áp dụng luật sau này.

Nguyễn Ngân