Sổ tay: Kinh doanh có trách nhiệm

- Chủ Nhật, 25/04/2021, 07:16 - Chia sẻ
Mức độ nhận thức về thực hành kinh doanh có trách nhiệm của các doanh nghiệp ở Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp tư nhân vẫn còn thấp là điểm đáng lưu ý trong nghiên cứu "Đánh giá nhận thức và tình hình thực hiện các thực hành kinh doanh có trách nhiệm tại các doanh nghiệp ở Việt Nam" do Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) và Đại sứ quán Thụy Điển tại Việt Nam vừa công bố.

Theo đó, khoảng 56% doanh nghiệp được khảo sát đồng ý với khái niệm đầy đủ về thực hành kinh doanh có trách nhiệm, đó là “chủ động đánh giá các tác động của doanh nghiệp đối với môi trường và xã hội, thực hiện các biện pháp phòng tránh các tác động tiêu cực và đưa ra các biện pháp khắc phục hiệu quả khi các tác động tiêu cực xảy ra, bao gồm cả việc vượt mức tuân thủ các quy định của luật pháp quốc gia khi cần thiết để phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế”.

Mặc dù, mức độ thực hiện kinh doanh có trách nhiệm khác nhau, hầu hết các doanh nghiệp không thực hiện các thực hành nằm ngoài phạm vi tuân thủ các quy định pháp luật của Chính phủ. Việc thực hiện các thực hành kinh doanh có trách nhiệm chủ yếu ở mức độ tuân thủ, cụ thể: 62% doanh nghiệp tuân thủ đầy đủ quy định của pháp luật Việt Nam; 27% doanh nghiệp không tuân thủ đầy đủ các yêu cầu của pháp luật Việt Nam. Chỉ 11% doanh nghiệp không chỉ tuân thủ đầy đủ quy định của pháp luật trong nước mà còn áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế.

Trong ba nhóm thực hành kinh doanh có trách nhiệm về lao động, môi trường, và quản trị; khía cạnh lao động được các doanh nghiệp hưởng ứng tích cực nhất, trong khi các khía cạnh về môi trường và quản trị chưa được quan tâm nhiều. Khảo sát cho thấy 82% doanh nghiệp được hỏi khẳng định họ đã tuân thủ đầy đủ các quy định hiện hành về lao động liên quan tới chế độ đãi ngộ và điều kiện làm việc (như chế độ bảo hiểm, thúc đẩy bình đẳng giới; lương, thưởng; an toàn và vệ sinh lao động, vv). Đây là tỷ lệ tuân thủ cao nhất so với tỷ lệ trung bình tương ứng về các vấn đề quản trị và môi trường là 71% và 66%.

Trong các lĩnh vực lao động, môi trường, và quản trị, việc thực hiện các thực hành kinh doanh có trách nhiệm của các doanh nghiệp cũng có sự khác nhau. Các doanh nghiệp đã nỗ lực để đảm bảo tuân thủ một số tiêu chuẩn lao động nhất định như chế độ lương thưởng, phúc lợi và vệ sinh, an toàn lao động. Tuy nhiên, khoảng 23% doanh nghiệp được khảo sát cho biết họ chỉ tuân thủ một phần các quy định về cơ chế đối thoại tại nơi làm việc, hòa giải tranh chấp lao động hoặc các biện pháp khắc phục.

Các hoạt động có tác động trực tiếp và lớn đến môi trường như hệ thống thu gom và xử lý nước thải, quản lý chất thải rắn, giảm bụi, khói và tiếng ồn có tỷ lệ tuân thủ cao nhất, khoảng 59% các doanh nghiệp tham gia khảo sát. Tuy vậy, các hoạt động liên quan đến quan trắc và đánh giá tác động môi trường chỉ có tương ứng 45% và 52% doanh nghiệp được khảo sát có thực hiện. Khoảng 65% doanh nghiệp được khảo sát cho biết họ tuân thủ các quy định bắt buộc như cung cấp đầy đủ thông tin về sản phẩm/dịch vụ cho người tiêu dùng và ban hành chính sách mua sắm, đấu thầu minh bạch. Các quy định không bắt buộc hoặc khuyến khích thực hiện như lập báo cáo thường niên có nội dung phi tài chính/báo cáo phát triển bền vững không phải là ưu tiên đối với nhiều doanh nghiệp nên chỉ có hơn 55% doanh nghiệp thực hiện.

Khảo sát này đã cho thấy, các bộ ngành liên quan, nhất là Bộ Tư pháp sớm hoàn thiện Kế hoạch Hành động Quốc gia đầu tiên của Việt Nam về Thực hành Kinh doanh Có trách nhiệm vào năm 2022. Kế hoạch Quốc gia này cần có sự tương thích với các Nguyên tắc Hướng dẫn của Liên Hợp Quốc về Kinh doanh và Nhân quyền; đồng thời có sự đồng hành giữa các bộ, ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp. 

Đình Khoa