Sổ tay: Xã hội hoá cơ chế tống đạt giấy tờ, hồ sơ

- Thứ Năm, 24/06/2021, 07:10 - Chia sẻ
Một trong những đề xuất mới tại Dự thảo Thông tư Quy định chi tiết và hướng dẫn thực hiện tống đạt giấy tờ, hồ sơ, tài liệu của nước ngoài qua Văn phòng Thừa phát lại, là Bộ Tư pháp lựa chọn và ký hợp đồng với Văn phòng Thừa phát lại thực hiện tống đạt giấy tờ của cơ quan nước ngoài. Để được lựa chọn, Văn phòng Thừa phát lại phải đáp ứng 5 tiêu chí được quy định tại dự thảo. Đây là những đề xuất nhằm thúc đẩy chủ trương xã hội hóa dịch vụ công liên quan đến lĩnh vực tư pháp.

Dự thảo Thông tư có 6 chương, 31 điều, gồm: Quy định chung; Lựa chọn Văn phòng Thừa phát lại thực hiện tống đạt giấy tờ hồ sơ, tài liệu của cơ quan nước ngoài; Hợp đồng thực hiện tống đạt giấy tờ, hồ sơ, tài liệu; thực hiện tống đạt giấy tờ, hồ sơ, tài liệu của cơ quan nước ngoài; Trách nhiệm của các bên và các cơ quan, tổ chức trong tống đạt giấy tờ của cơ quan nước ngoài và điều khoản thi hành.

Ngoài việc làm rõ một số nội dung về phạm vi điều chỉnh; đối tượng áp dụng; chi phí thực hiện tống đạt, dự thảo thông tư đã quy định chi tiết về cách thức lựa chọn và ký hợp đồng với Văn phòng Thừa phát lại thực hiện tống đạt giấy tờ của cơ quan nước ngoài. Đây là nội dung mới, chưa được pháp luật hiện hành quy định.

Theo đó, Bộ Tư pháp sẽ lựa chọn một hoặc một số Văn phòng Thừa phát lại thực hiện cung cấp dịch vụ. Số lượng Văn phòng Thừa phát lại được lựa chọn có thể thay đổi phù hợp với điều kiện thực tế từng thời điểm mà không phải sửa đổi thông tư. Việc xác định số lượng Văn phòng Thừa phát lại thực hiện tống đạt dựa trên việc đánh giá số lượng yêu cầu và thực tiễn tống đạt giấy tờ của cơ quan nước ngoài tại các địa phương.

Dự thảo cũng quy định rõ thủ tục lựa chọn Văn phòng Thừa phát lại tương tự như thủ tục tổ chức đấu thầu để lựa chọn một hoặc một số Văn phòng Thừa phát lại có năng lực phù hợp nhất để thực hiện một công việc thay cho Tòa án Nhân dân cấp tỉnh. Kết quả của thủ tục này là hợp đồng dân sự được ký giữa Bộ Tư pháp và Văn phòng Thừa phát lại được lựa chọn. Nhà nước không thanh toán chi phí tống đạt giấy tờ cho Văn phòng Thừa phát lại mà khoản tiền này sẽ do cá nhân, cơ quan, tổ chức nước ngoài chi trả.

Tuy nhiên, do có thể có nhiều Văn phòng Thừa phát lại có khả năng thực hiện việc tống đạt giấy tờ nước ngoài, trong khi chủ trương chỉ lựa chọn một hoặc một số nên cần quy định cách thức lựa chọn cụ thể. Chính vì thế, dự thảo thông tư quy định 5 tiêu chí đánh giá, lựa chọn Văn phòng Thừa phát lại, các tiêu chí này được xây dựng dựa trên yêu cầu của hoạt động tống đạt giấy tờ của cơ quan nước ngoài, đặc điểm của hoạt động thừa phát lại. Mỗi lần tổ chức lựa chọn, Tổ đánh giá xây dựng các tiêu chí cụ thể cho từng thời kỳ dựa vào những tiêu chí chung quy định tại thông tư. 

Như vậy, không phải cố định một hoặc một số Văn phòng Thừa phát lại được thực hiện cung cấp dịch vụ mà dự thảo thông tư tạo cơ hội cho nhiều văn phòng nếu đạt được các tiêu chí đề ra. Đây là nhân tố bảo đảm được chất lượng dịch vụ, đồng thời là cơ hội cho các Văn phòng Thừa phát lại khác được tham gia vào cung ứng dịch vụ công. Muốn được lựa chọn, và tiếp tục được ký hợp đồng cung ứng dịch vụ không có giải pháp nào khác ngoài việc phải bảo đảm chất lượng dịch vụ. Tuy nhiên, để đáp ứng được yêu cầu này thì không chỉ từ phía Văn phòng Thừa phát lại mà còn ở sự công tâm trong quá trình lựa chọn của các Tổ công tác.

Đình Khoa