Sóc Trăng: Khuyến công giúp công nghiệp nông thôn khởi sắc

- Thứ Hai, 08/11/2021, 04:35 - Chia sẻ
Năm 2021, Sóc Trăng triển khai 23 đề án khuyến công với kinh phí hơn 10,6 tỷ đồng, qua đó giúp nhiều nông dân được hưởng lợi khi các sản phẩm nông sản được bao tiêu, đa dạng hóa các sản phẩm, đỡ phải chịu cảnh được mùa mất giá…
Các gói hỗ trợ của Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp đến với các doanh nghiệp
Nguồn: Trung tâm KC&TVPTCN Sóc Trăng

Phát huy tốt vốn hỗ trợ

Được hỗ trợ 113 triệu đồng từ chương trình khuyến công, Công ty TNHH Cẩm Thiều, ở phường 1, thị xã Ngã Năm đã đầu tư thêm gần 270 triệu đồng để trang bị tủ sấy tuần hoàn khí nóng, máy sấy trà, máy đóng gói tự động và một số thiết bị khác để nâng chất lượng và sản lượng trà mãng cầu, mặt hàng truyền thống của công ty. Đến nay, công ty có 3 sản phẩm trà mãng cầu đạt chuẩn OCOP 4 sao và được đề cử lên sản phẩm OCOP tiềm năng 5 sao. Ông Dương Minh Trung, Giám đốc Công ty TNHH Cẩm Thiều, cho biết: Để chủ động nguồn nguyên liệu sản xuất, công ty đã tăng cường liên kết bao tiêu trái mãng cầu cho nông dân địa phương, đồng thời có kế hoạch liên kết tiêu thụ, chế biến thêm nhiều sản phẩm từ rau củ quả, khoai môn,… để xuất khẩu.

Tương tự, được hỗ trợ vốn từ chương trình khuyến công, Công ty TNHH Ong Xanh, ở xã Trường Khánh, huyện Long Phú đã đổi mới thiết bị, chuyển từ sản xuất thủ công sang sản xuất bán tự động. Nhờ đó, sản lượng mật ong tăng từ 300 lít /tháng lên 600 lít /tháng, chất lượng sản phẩm cũng được nâng từ 3 sao lên 4 và 5 sao theo chuẩn OCOP, giúp công ty tăng lợi nhuận. Ở cơ sở bún khô Thanh Đại, xã An Hiệp, huyện Châu Thành, thời gian gần đây, không khí sản xuất luôn khẩn trương, tất bật. Nguồn vốn hỗ trợ 464 triệu đồng từ chương trình khuyến công địa phương giúp cơ sở này có điều kiện mua thêm thiết bị, cải tiến dây chuyền sản xuất. Riêng việc đầu tư lò hơi mới thay lò hơi cũ giúp cho việc sấy, hấp các sản phẩm từ bún gạo khô, con nui được tiện lợi hơn, không chỉ tăng công suất lên gấp 1,5 lần mà sản phẩm làm ra có mẫu mã đẹp hơn trước, thị trường tiêu thụ được mở rộng.

Ngày 22.10, vừa qua Sở Công thương tỉnh Sóc Trăng cũng đã tiến hành nghiệm thu đề án "Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong chế biến thực phẩm" tại Công ty TNHH chế biến nông sản Minh Đức, Khu công nghiệp An Nghiệp, thành phố Sóc Trăng. Với nguồn vốn hỗ trợ 300 triệu đồng từ kinh phí khuyến công quốc gia, công ty đã hoàn thành hạng mục đầu tư lò hơi, có công suất 4.000kg hơi/giờ. Lò hơi mới giúp công ty giảm chi phí vận hành, bảo đảm an toàn, đáp ứng nhu cầu sản xuất mỗi năm 20 triệu lòng đỏ trứng vịt muối, 55 tấn  mứt bí,  giúp cho 70 lao động tại địa phương có việc làm ổn định với mức thu nhập bình quân 4 - 6 triệu đồng/tháng.

Hướng đến 6 mục tiêu

Năm 2021, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp - Sở Công thương tỉnh Sóc Trăng chủ động phối hợp với các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị có liên quan xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện 23 đề án khuyến công, với tổng kinh phí trên 10,6 tỷ đồng. Trong đó, chương trình khuyến công quốc gia hỗ trợ 2,2 tỷ đồng để thực hiện 6 đề án, đơn vị thụ hưởng đóng góp kinh phí gần 3 tỷ đồng; chương trình khuyến công địa phương hỗ trợ 2,8 tỷ đồng để thực hiện 17 đề án sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh, đơn vị thụ hưởng đóng góp kinh phí trên 2,6 tỷ đồng. Trong đó, tỉnh đặc biệt ưu tiên hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất có sản phẩm tham gia Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm (OCOP)”, thu hút nhiều lao động địa phương.

Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Khuyến công và Phát triển công nghiệp tỉnh Sóc Trăng Phạm Xuân Nhiệm cho biết, tuy đạt nhiều kết quả tích cực nhưng trong năm 2021, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, hoạt động khuyến công ở tỉnh Sóc Trăng cũng gặp một số khó khăn. Trong quá trình triển khai các đề án, một số cơ sở thực hiện gặp khó khăn về tài chính vì hoạt động sản xuất, kinh doanh phải tạm ngưng trệ để tập trung phòng chống dịch, dẫn đến tình trạng tiến độ đầu tư mua sắm máy móc, thiết bị theo đề án được duyệt chậm trễ so với kế hoạch đề ra. Song, nhìn chung, hoạt động khuyến công của tỉnh đã giúp cho công nghiệp nông thôn của tỉnh khởi sắc, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động theo định hướng đề ra, thúc đẩy công nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh phát triển theo hướng bền vững.

Để nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động khuyến công trong thời gian tới, tỉnh dự kiến chi 83,4 tỷ đồng để thực hiện Chương trình khuyến công tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2021 - 2025. Trong đó, kinh phí khuyến công quốc gia hỗ trợ 16,6 tỷ triệu đồng; kinh phí khuyến công địa phương hỗ trợ 12,1 tỷ  đồng và nguồn vốn huy động từ các cơ sở công nghiệp nông thôn là 54,7 tỷ đồng. Nguồn vốn này hướng đến 6 mục tiêu là: hỗ trợ tập huấn nâng cao năng lực quản lý và sản xuất sạch hơn cho khoảng 160 cơ sở công nghiệp nông thôn; xây dựng các mô hình trình diễn kỹ thuật, hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn thực hiện áp dụng sản xuất sạch hơn và ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất; tổ chức bình chọn và cấp giấy chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu; cung cấp thông tin về các chính sách phát triển công nghiệp, khuyến công; hỗ trợ lập quy hoạch chi tiết 4 cụm công nghiệp; tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác khuyến công.

Vũ Châu