Sóc Trăng: Nhiều chỉ tiêu nông nghiệp vượt và đạt

- Thứ Sáu, 10/12/2021, 17:57 - Chia sẻ
Theo thông tin từ sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng, năm 2021, mặc dù tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp, nhất là trong những tháng cuối năm nhưng hầu hết các lĩnh vực thuộc ngành nông nghiệp tỉnh đều đạt và vượt kế hoạch đề ra.

Diện tích lúa gieo trồng toàn tỉnh vượt 0,62% kế hoạch, sản lượng 2,05 triệu tấn, vượt 1,4% kế hoạch đề ra, trong đó sản lượng lúa đặc sản 1,09 triệu tấn, chiếm gần 54% tổng sản lượng lúa toàn tỉnh; có 73 doanh nghiệp tham gia liên kết tiêu thụ lúa, diện tích 61.922ha, tăng 68% so cùng kỳ. Về cây màu, cây công nghiệp ngắn ngày có diện tích gieo trồng là 57.118ha, tăng 14% so cùng kỳ, tổng sản lượng chung ước đạt 900.000 tấn và diện tích cây ăn trái 29.000ha, đạt 100% kế hoạch, tăng 4,4% so cùng kỳ. Tổng đàn gia súc xuất chuồng trong năm là 288.630 con, tăng 4,2% so cùng kỳ, sản lượng 29.180 tấn, tăng 4,2% so cùng kỳ và đàn gia cầm xuất chuồng 11,7 triệu con, sản lượng 23.950 tấn, tăng 0,1% so cùng kỳ. Riêng về thủy sản, diện tích thả nuôi là 76.530ha, đạt và vượt hơn 103% kế hoạch, tăng 0,34% so cùng kỳ, trong đó diện tích tôm nước lợ là 53.000ha, tăng 2,5%.

	Năm 2022, ngành nông nghiệp tỉnh Sóc Trăng sẽ tập rrung triển khai dự án lúa đặc sản
Năm 2022, ngành nông nghiệp tỉnh Sóc Trăng sẽ tập rrung triển khai dự án lúa đặc sản

Đối với việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới có 3/10 huyện, thị xã của tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới và 58/80 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (đạt 105,5% chỉ tiêu nghị quyết), trong đó có 9 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Về Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tỉnh có 139 sản phẩm OCOP được chứng nhận, trong đó có 28 sản phẩm 4 sao, 111 sản phẩm đạt 3 sao và sản phẩm gạo ST24 được công nhận sản phẩm OCOP quốc gia.

Tiếp tục phát huy thành quả năm 2021, năm 2022, ngành Nông nghiệp tỉnh tiếp tục tập trung triển khai tốt Dự án Phát triển lúa đặc sản, Dự án Phát triển cây ăn trái đặc sản, phát triển vùng sản xuất hàng hóa tập trung, tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị, xây dựng vùng nguyên liệu nông sản, hình thành vùng sản xuất lúa đặc sản và bố trí cơ cấu lại mùa vụ sản xuất phù hợp với lợi thế của từng vùng, giảm canh tác lúa vụ 3 ở những vùng điều kiện khó khăn; quan tâm đầu tư cho công tác giống chăn nuôi, nhất là giống bò và gia cầm năng suất cao. Phát huy tiềm năng điều kiện tự nhiên về nuôi tôm nước lợ, năng lực chế biến thủy sản, phát triển ngành tôm của tỉnh theo hướng bền vững, sản xuất sạch, ứng dụng công nghệ cao, thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường. Đồng thời, tập trung đầu tư xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng thủy lợi phục vụ sản xuất; triển khai tốt công tác phòng, chống thiên tai, nhất là sạt lở bờ sông, bờ kênh nguy hiểm; huy động, quản lý, sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho xây dựng nông thôn mới; khuyến khích doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ hộ sản xuất tham gia đăng ký Chương trình OCOP.

Vũ Châu