Sớm ban hành tiêu chí đánh giá, thẩm định đề án khuyến công

- Thứ Hai, 13/07/2020, 06:23 - Chia sẻ
Đại diện Sở Công thương và trung tâm khuyến công các địa phương khu vực miền Trung - Tây Nguyên đề xuất Bộ Công thương sớm ban hành tiêu chí đánh giá, thẩm định, lựa chọn đề án khuyến công. Đây là tiền đề quan trọng để các địa phương xây dựng đề án bảo đảm chất lượng, đúng quy định.

Phó Giám đốc Sở Công thương Bình Định VÕ MAI HƯNG:
Phải rõ thủ tục hành chính

Thực hiện Chương trình phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, đến nay, Bình Định có 141 sản phẩm tham gia, tăng 22% so với đợt bình chọn trước. Đặc biệt, Bình Định đã có những sản phẩm đạt cấp khu vực và cấp quốc gia như: sản phẩm thay thế nhựa sử dụng 1 lần, sản phẩm bao bì làm bằng rơm rạ thay thế cho các loại bao bì nhựa để sử dụng trong các siêu thị, trung tâm thương mại. Nhiều sản phẩm công nghiệp nông thôn đạt chất lượng cao, có giá trị xuất khẩu. Trong 6 tháng đầu năm 2020, Bình Định đã hoàn thành nghiệm thu 4/16 đề án khuyến công, riêng đối với các đề án khuyến công quốc gia đã hoàn thành 100%. Hiện địa phương tập trung hoàn thành kế hoạch, kinh phí khuyến công trong tháng 9.2020 từ nguồn ngân sách địa phương nhằm hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả chương trình khuyến công trong thời gian tới, Sở Công thương Bình Định đề nghị Cục Công thương địa phương, Bộ Công thương xem xét, nghiên cứu, ban hành các tiêu chí đánh giá, thẩm định và lựa chọn đề án khuyến công, làm cơ sở để các địa phương xây dựng đề án bảo đảm chất lượng đúng theo định hướng của khuyến công quốc gia. Bên cạnh đó, cần có những quy định cụ thể về thủ tục hành chính đối với việc cấp giấy chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu. 

Phó Giám đốc Sở Công thương Quảng Trị LÊ TIẾN DŨNG:
Đẩy mạnh kết nối cung cầu

 

Thời gian qua, được sự quan tâm, hỗ trợ của Bộ Công thương, trực tiếp là Cục Công thương địa phương, tỉnh Quảng Trị đã triển khai có hiệu quả các đề án khuyến công quốc gia, giúp các doanh nghiệp được thụ hưởng hoạt động có hiệu quả và chiếm lĩnh được thị trường. Sở Công thương đã tập trung chỉ đạo kiện toàn bộ máy Trung tâm khuyến công, xây dựng chương trình hoạt động, các quy định, quy chế hoạt động khuyến công. Ở cấp huyện đã thành lập Trung tâm phát triển cụm công nghiệp và khuyến công, mỗi huyện có 2 cán bộ chuyên trách trong hoạt động khuyến công ở nông thôn. Hoạt động khuyến công tập trung mũi nhọn vào 3 lĩnh vực: xây dựng các mô hình trình diễn liên quan đến chuỗi giá trị, hỗ trợ đổi mới máy móc thiết bị, xây dựng nhãn hiệu, kiểu dáng mẫu mã và đăng ký thương hiệu cho các doanh nghiệp. Trên địa bàn tỉnh đã có gần 150 sản phẩm công nghệ thông tin tiêu biểu và có chỗ đứng trên thị trường.

Tuy vậy, công nghiệp chế biến chế tạo của Quảng Trị thời gian qua chỉ tăng 5%, rất thấp so với cùng kỳ do kết nối kém hiệu quả nguồn nguyên liệu đầu vào và sản phẩm đầu ra còn khó khăn. Do đó, Cục Công thương địa phương và Bộ Công thương cần tập trung hỗ trợ các sản phẩm công nghệ thông tin để đưa ra thị trường bằng cách tổ chức các hội nghị kết nối cung cầu, kết nối sản phẩm cụ thể giữa các tỉnh. Nếu có khó khăn, vướng mắc ở sản phẩm nào thì kết nối tháo gỡ sản phẩm đó.

Giám đốc Trung tâm khuyến công và xúc tiến thương mại Đà Nẵng LÊ THANH HẠ:
Chọn mô hình điểm để nhân rộng

Trong nhiều năm qua, hoạt động khuyến công đã mang lại hiệu quả thiết thực cho các địa phương, trong đó nội dung về mô hình trình diễn kỹ thuật, bổ trợ thiết bị hết sức quan trọng và được nhiều địa phương lựa chọn. Các đề án trong nhóm này luôn được ưu tiên nguồn kinh phí cao nhất để thực hiện tại địa phương, doanh nghiệp và cơ sở sản xuất. Cùng với nguồn vốn hỗ trợ của chương trình khuyến công, các địa phương, cơ sở cũng mạnh dạn đầu tư trang thiết bị kỹ thuật vào quá trình sản xuất, tạo ra những sản phẩm đa dạng, phong phú hơn.

Riêng với Đà Nẵng, có 8/10 sản phẩm tham gia Hội chợ triển lãm giới thiệu sản phẩm công nghệ thông tin (trong khuôn khổ Hội nghị Khuyến công các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên lần thứ XI năm 2020 - PV) là kết quả của chương trình khuyến công về ứng dụng máy móc, thiết bị. Nhiều sản phẩm ra đời đáp ứng yêu cầu, trong đó có nhiều sản phẩm từ mô hình này đã chiếm lĩnh thị trường trong nước và vươn ra thị trường quốc tế. Điều này thể hiện chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước, Bộ Công thương trong việc hỗ trợ, tạo điều kiện cho các cơ sở công nghiệp ở nông thôn. 

Tuy vậy, để có thể hoàn thành kế hoạch đã đề ra, chúng tôi đề xuất Cục Công thương địa phương tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện các văn bản khuyến công, thống nhất nội dung chương trình từ Trung ương đến địa phương. Cần có đánh giá tổng kết để chọn ra những mô hình điểm, qua đó nhân rộng trong cả nước. Bên cạnh đó, cần có thêm nhiều chương trình hỗ trợ cho các hợp tác xã cùng cơ sở công nghệ thông tin vừa và nhỏ phát triển. Hiện nay, cán bộ công tác khuyến công còn thiếu, chưa đồng bộ dẫn đến việc hoạt động còn khó khăn, vì vậy cần quan tâm công tác đào tạo.

Hạnh Nhung