Sớm bảo tồn nhà cổ Đông Ngạc

- Thứ Sáu, 25/06/2021, 08:12 - Chia sẻ
Làng cổ Đông Ngạc, nay thuộc phường Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm, được mệnh danh là làng khoa bảng, cũng là một trong những ngôi làng cổ nhất ở Hà Nội. Tuy nhiên, xã hội phát triển, đô thị hóa mạnh mẽ, các giá trị văn hóa, đặc biệt là các công trình kiến trúc hàng trăm năm tuổi ở Đông Ngạc đang bị xuống cấp, biến dạng, cần sớm có phương án bảo tồn.

Làng cổ Đông Ngạc, tên nôm là Kẻ Vẽ, là nơi sản sinh ra nhiều tiến sĩ Nho học và Tây học, nhiều người đỗ đạt làm quan, đóng góp vào sự phát triển của làng quê và đất nước, như Phan Phu Tiên, Hoàng Tế Mỹ, Đỗ Thế Giai, Phan Văn Trường, Hoàng Minh Giám… Các tộc họ ở đây đều có người đỗ đại khoa. Người xưa có câu “Đất kẻ Giàn, quan kẻ Vẽ” là vì thế.

Không chỉ tự hào về truyền thống hiếu học, Đông Ngạc còn có nhiều di sản văn hóa, di tích lịch sử có giá trị, đặc biệt là hệ thống những ngôi nhà cổ. Đan xen giữa những ngôi từ đường, nhà thờ họ theo lối kiến trúc truyền thống phương Đông hàng trăm năm tuổi là những biệt thự được xây dựng từ đầu thế kỷ XX theo kiến trúc Pháp. Chẳng hạn như, ngôi nhà nằm trong ngõ 44 đường Đông Ngạc được xây dựng năm 1920. Ông Quảng (75 tuổi), đang sống cùng em trai tại ngôi nhà này cho biết, từ hình dáng, mái vòm, hoa văn của ngôi nhà đều được thiết kế theo trường phái của Pháp. Đặc biệt, ngôi nhà sử dụng vật liệu xây dựng từ mật và cát... 

Tuy nhiên, trong nhịp sống hiện đại, làng cổ Đông Ngạc đang bị đô thị hóa mạnh mẽ. Ngày càng nhiều ngôi nhà cao tầng được xây dựng, nằm xen kẽ với những ngôi nhà cổ, dẫn đến thay đổi và phá vỡ không gian vốn có của làng cổ. Hơn thế, trải qua thời gian và tác động của các yếu tố ngoại cảnh, những ngôi nhà cổ bị hư hỏng, phải cải tạo, trùng tu. Nhưng trùng tu, cải tạo như thế nào để vẫn có thể giữ gìn các giá trị nguyên gốc lại đang là vấn đề nan giải. 

Nhà thờ hơn 400 năm của dòng họ Phan tại làng Đông Ngạc

Đến làng Đông Ngạc, tôi được giới thiệu đến nhà thờ của dòng họ Đỗ, gặp ông Đỗ Quốc Hiến, trưởng họ Đỗ đời thứ 15. Nhà thờ dòng họ Đỗ được xem như đình làng thứ hai của Đông Ngạc, vẫn giữ nguyên kiến trúc gần 400 năm. Theo lời ông Hiến, cụ tổ dòng họ là Đỗ Thế Giai, làm quan thời Lê - Trịnh. Khi còn sống, cụ Đỗ Thế Giai đã được triều đình phong Vương, gọi là Đỗ Đại Vương; đến khi qua đời được tôn làm thần, gọi là Thượng đẳng phúc thần. Ngôi nhà gồm nhà tiền tế và chính điện được dựng bởi các loại gỗ như lim, xoan rừng… Nhà có kiến trúc 5 gian, hai dĩ, lợp ngói âm dương truyền thống theo lối kiến trúc đậm phong cách thời Lê, hoa văn trang trí rèm cửa còn khá nguyên vẹn. Nơi đây còn lưu giữ khá nhiều cổ vật giá trị như rùa, hạc, bia đá, hương án…

Ông Hiến cho biết, trải qua thời gian, nhiều cây cột, kèo trong nhà thờ đã bị hư hại nặng. Phần mái gỗ nhiều chỗ bị hỏng, bị mọt, tuy đã được thay thế nhưng chỉ là chắp vá tạm thời. Ngoài ra, do nền nhà thấp nên mỗi khi trời mưa lại bị ứ đọng nước, gây ẩm thấp, làm cho đồ đạc trong nhà cũng dễ bị hỏng theo. “Nếu có điều kiện thì tôi rất muốn được sửa chữa lại nhà thờ, để con cháu đời sau biết được về truyền thống hiếu học của cha ông mình”. Tuy nhiên, nếu thực hiện cải tạo, trùng tu nhà thờ sẽ nảy sinh nhiều vấn đề, đặc biệt là kinh phí. Chính quyền từng vận động dòng họ Đỗ hoàn thiện hồ sơ đề nghị công nhận nhà thờ là di tích lịch sử để nhận được sự hỗ trợ từ Nhà nước, nhưng chưa có sự nhất trí trong dòng họ.

Tìm đến nhà thờ họ Phan, một trong những dòng họ lớn nhất và lâu đời nhất của làng Đông Ngạc, tôi gặp anh Phan Ngọc Tú, con trai trưởng của ông Phan Trác Thuật (trưởng họ đời thứ 16 dòng họ Phan), phụ trách việc trông coi nhà thờ của dòng họ. Anh Tú cho biết, nhà thờ họ Phan được xây dựng từ năm 1602, thờ cụ Phan Phù Tiên, người hai lần đỗ Tiến sĩ vào thời Trần và thời Lê. Cụ đã có nhiều đóng góp cho đất nước trên nhiều lĩnh vực, trong đó có công tham gia biên soạn các tác phẩm như: “Đại Việt sử ký tục biên”, “Việt âm thi tập”...

Về hiện trạng nhà thờ, anh Tú thông tin: “Khoảng năm 2003, nhà thờ bị sập gian tiền tế nên đã sửa lại, và lát lại nền sảnh, sân bên ngoài. Riêng gian hậu tế, chỉ thay thế những kèo, cột, đầu nối bị mọt mối”. Chi phí sửa sang, trùng tu nhà thờ được thu từ các đầu đinh trong dòng họ, đồng thời kêu gọi quyên góp từ các nhà hảo tâm.

Trưởng ban văn hóa phường Đông Ngạc Hoàng Thanh Hiếu cho biết: Hiện nay số lượng nhà cổ tại Đông Ngạc không còn nhiều, nhà thờ cổ với niên đại hơn trăm năm tuổi còn khoảng 15 nhà. Về vấn đề bảo tồn các di tích của làng cổ Đông Ngạc, chính quyền địa phương cũng đã đề xuất, xây dựng một số đề án; đồng thời, chính quyền vận động người dân đăng ký hồ sơ đề nghị công nhận di tích để có cơ sở bảo tồn, tôn tạo. Tuy nhiên, quá trình vận động còn những vướng mắc, khó khăn, như trong dòng họ không có sự thống nhất, hay một vài người dân băn khoăn, lo lắng về vấn đề quản lý, cải tạo, trùng tu nhà thờ cổ sau khi được công nhận di tích.

Để bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa đặc trưng của làng cổ Đông Ngạc trong nhịp sống hiện đại sôi động hiện nay, cần sớm có phương án những ngôi nhà cổ, bởi ở đó không chỉ là giá trị kiến trúc mà còn là lịch sử, truyền thống, văn hóa dòng tộc... Bên cạnh đó, đẩy mạnh phát triển hoạt động du lịch, xây dựng các chương trình quảng bá, thu hút du khách đến tham quan, tìm hiểu về làng Đông Ngạc. Làm như thế không chỉ góp phần lan tỏa giá trị của làng cổ mà còn giúp người dân được hưởng lợi từ chính di sản, từ có ý thức giữ gìn tốt hơn.

Bài và ảnh: Thu Hà